Nhà khoa bảng dâng 7 kế sách chấn hưng đất nước

GD&TĐ - Hoàng Trình Thanh (1411 - 1463), người làng Huyền Khê, xã Trung Thanh Oai, phủ Ứng Thiên (nay là Đa Sĩ, phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội).

Lễ đón nhận và rước bằng di tích cấp quốc gia: Mộ, nhà thờ Hoàng Trình Thanh năm 2016.
Lễ đón nhận và rước bằng di tích cấp quốc gia: Mộ, nhà thờ Hoàng Trình Thanh năm 2016.

Theo khởi nghĩa Lam Sơn yết kiến Lê Lợi khi tuổi đời mới 17, hai lần hộ giá Tây chinh, hai lần đi sứ nhà Minh cùng với 7 kế sách chấn hưng đất nước đã đưa Hoàng Trình Thanh vào hàng 10 nhà nho đức nghiệp đời Lê sơ.

Hoàng Trình Thanh (1411 - 1463), người làng Huyền Khê, xã Trung Thanh Oai, phủ Ứng Thiên (nay là Đa Sĩ, phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội). Năm 17 tuổi, Hoàng Trình Thanh yết kiến Lê Lợi ở dinh Bồ Đề để dâng thượng sách. Lê Lợi đã giao cho Hoàng Trình Thanh cương vị Ngự tiền học sĩ rồi Ngự tiền học sinh cục trưởng, chăm lo việc học và đào tạo nhân tài cho đất nước.

Tiến sĩ hai lần hộ giá Tây chinh

Theo PGS.TS Nguyễn Công Việt – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, dinh Bồ Đề là đại bản doanh chỉ huy và là nơi phát xuất sắc lệnh quan trọng bậc nhất lúc bấy giờ là chiêu hiền đãi sĩ.

Sách “Đại Việt sử kí toàn thư” chép: “Vua dựng lầu nhiều tầng ở dinh Bồ Đề. Ngày ngày, vua thân leo lên tầng nhất để quan sát mọi hành vi của giặc trong thành Đông Quan, cho Nguyễn Trãi ngồi ở lầu thứ hai, nhận mệnh thảo thư từ qua lại”.

Từ đại bản doanh Bồ Đề, các sắc lệnh đã được ban ra, trong đó có sắc lệnh về việc tìm nhân tài: “Hạ lệnh cho các tướng hiệu, các quan cấp lộ, phải tìm kiếm những người có tài lược trí dũng, có thể làm được các chức như tư mã hoặc là thượng tướng, mỗi viên tiến cử lấy một người”.

Thân từng là Bản phủ học sinh rồi đến chức Nội học sinh Trung trù tống thực, lại là thân cận bên cạnh vua Lê, Hoàng Trình Thanh vẫn có thể thăng tiến nhờ tài năng uyên bác. Nhưng để công bằng, ông vẫn tham gia ứng thí.

nha-khoa-bang-dang-7-ke-sach-chan-hung-dat-nuoc-5.jpg
Đại tự “Lưỡng quốc bao phong” - tức “hai nước cùng phong” ở đền thờ Hoàng Trình Thanh.

Năm 1429, Hoàng Trình Thanh thi đỗ khoa Minh Kinh, được bổ nhiệm làm việc ở Ngự tiền học sinh. Năm 1431, ông lại đỗ khoa Hoành từ, tên đứng thứ 3 trong 5 tiến sĩ được phong chức chân nho chính trực.

Sách “Đa sĩ Hoàng tộc gia phả” cho biết, tháng Giêng năm Thiệu Bình thứ 1 (1434) vua Lê Thái Tông phong Hoàng Trình Thanh làm Cục trưởng Ngự tiền học sinh. Đến tháng 11 năm Thiệu Bình thứ 4 (1437) lại thăng làm Chánh chưởng nội mật viện, rồi cho hộ giá đi chinh phạt Hà Tông Lai. Năm Đại Bảo thứ 1 (1440) lại hộ giá đi đánh Nghiễm Man.

Trong thời gian làm quan, Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh đã hai lần được cử sang Trung Quốc, đó là năm 1443 và 1459 với những chính sách bang giao quan trọng nhằm bình ổn quan hệ hai nước.

Trong bất kỳ một cuộc viếng thăm bang giao nào thì bối cảnh chính trị cũng đều là điều cốt lõi. Ở thời điểm nhà Lê cử sứ giả sang Trung Quốc, thì năm Quý Hợi (1443) là năm thứ nhất, niên hiệu Thái Hòa đời vua Lê Nhân Tông. Khi ấy Lê Nhân Tông mới 3 tuổi, việc nước do Thái hậu quyết định.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư – kỷ nhà Lê”, ghi vào ngày 26/11 năm Quý Hợi, triều đình nhà Lê sai “Tham tri bạ tịch Trình Dục, Nội mật viện chánh chưởng Trình Thanh và Hàn lâm viện Trực học sĩ Nguyễn Khắc Hiếu sang nước Minh tạ ơn việc sách phong”.

Hai lần đi sứ nhà Minh

nha-khoa-bang-dang-7-ke-sach-chan-hung-dat-nuoc-6.jpg
Bia ghi công trạng Hoàng Trình Thanh tại nhà thờ.

Theo PGS.TS Tạ Ngọc Liễn, để hiểu hơn về nghi lễ bang giao truyền thống liên quan đến việc sách phong này, cần hiểu hơn về bối cảnh quan hệ hai nước thời ấy. Năm 1427, nhân dân ta thắng lợi trước cuộc xâm lược của nhà Minh.

Năm sau, Lê Lợi lên ngôi vua. Trong quan hệ giữa nhà Lê và nhà Minh có nhiều tồn tại cần giải quyết. Một trong những vấn đề quan trọng mà nhà Lê đặt ra là yêu cầu nhà Minh phải công nhận Lê Lợi là người trị vì chính thức Đại Việt ngày ấy, và phải phong vương cho Lê Lợi.

Triều Minh do Minh Tuyên Tông đứng đầu chỉ chấp nhận Lê Lợi là người “Quyền coi việc nước”. Lê Lợi qua đời năm 1433, Lê Thái Tông lên ngôi năm 1434 nhưng nhà Minh cũng vẫn chỉ công nhận như vua cha. Năm 1435, Tuyên Tông mất, Anh Tông lên ngôi hoàng đế và chính sách có chút thay đổi.

Năm 1436, Minh Anh Tông quyết định phong Lê Thái Tông làm “An Nam Quốc vương”, và đến tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1437) cho sứ bộ mang sách phong “Quốc vương” cho Lê Thái Tông. Năm 1442, Lê Thái Tông mất tại Lệ Chi Viên trong thời gian đi tuần ở miền Đông.

Lê Nhân Tông nối ngôi, tháng 11 ngày 25 nhà Minh sai sứ thần sang phong Lê Nhân Tông làm “An Nam Quốc vương” và ngày 26, tức ngày hôm sau, sứ bộ Hoàng Trình Thanh lên đường sang cảm ơn nhà Minh như sử đã chép.

Những diễn biến trong cuộc đi sứ lần này của Hoàng Trình Thanh không được sử sách ghi chép tỉ mỉ nên hậu thế chỉ có thể dựa vào vài dòng viết ngắn gọn trong “Đại Việt sử ký toàn thư” và biết được việc sứ bộ sang để cảm ơn triều Minh.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”: Năm Kỷ Mão (1459), “Nghi Dân sai Lê Cảnh Huy, Nguyễn Như Đổ, Hoàng Thanh, Nguyễn Nghiêu Tư sang nước Minh nộp cống hàng năm và xin bỏ việc mò ngọc trai”.

Lê Nghi Dân làm vua vào năm 1459, và lúc này với câu văn trong sách sử “xin bỏ việc mò ngọc trai” làm cho người đời dễ hiểu là “xin nhà Minh bãi bỏ việc bắt ta mò ngọc trai”. Theo giải thích của PGS.TS Tạ Ngọc Liễn thì nguyên văn chữ Hán lại khác, đó là “sang nhà Minh nộp cống và giải đáp về việc mò ngọc trai”.

Ông Liễn đặt câu hỏi: Tại sao sứ bộ của Hoàng Trình Thanh lại có nhiệm vụ giải đáp về việc mò ngọc trai? Đó là một câu chuyện dài và còn nhiều nghi vấn. Theo tìm hiểu của ông Liễn thì ở Quảng Đông (Trung Quốc) là vùng biển sản sinh nhiều ngọc trai, nổi tiếng nhất là Ao Châu (Châu Trì) ở Hợp Phố thuộc Châu Liêm.

Một bộ sử của nhà Minh là “Minh thực lục” có chép: Trong tờ biểu văn của viên Trấn thủ Quảng Đông gửi về triều đình năm 1457 báo cáo việc thuyền của Việt Nam đến mò trộm ngọc trai: “Thuyền hai cột buồm do người Việt điều khiển... lúc nhiều lên tới 150 chiếc, không ngày nào không đến lấy trộm ngọc trai”.

Minh Anh Tông đã gửi chỉ dụ sang nước ta trách cứ về chuyện này. Bởi vậy, năm 1459, nhân cử sứ bộ sang triều cống, nhà Lê cũng gửi thư phúc đáp nói rõ về một số tội nhân lén lút giao thiệp với các con buôn ở Châu Khâm và Châu Liêm để xâm nhập Ao Châu. Đó chính là một trong những nguyên nhân để nhà Lê phải cử sứ bộ sang Yên Kinh nói rõ về việc này, chứ không phải xin nhà Minh bỏ việc mò ngọc trai để triều cống.

Vào năm 1469, tức khoảng 10 năm sau khi sứ bộ Hoàng Trình Thanh sang sứ nhà Minh thì vấn đề ngọc trai lại thành một điểm nóng. Theo lời tâu về triều đình nhà Minh của Trần Di là viên quan giữ Ao Châu ở Quảng Đông thì trong tháng 5 năm đó, hơn 10 chiếc thuyền đã vào khai thác trộm ngọc trai.

Cùng năm, khi sứ bộ triều cống nước ta rời Yên Kinh về nước, triều đình Minh đã trao cho họ tờ sắc dụ yêu cầu triều đình nhà Lê quản lý nghiêm hơn ngư dân của mình. Tháng 10/1470, sứ thần Quách Đình Bảo được triều Lê cử sang Trung Quốc để trình bày về vấn đề ngọc trai.

nha-khoa-bang-dang-7-ke-sach-chan-hung-dat-nuoc-2.jpg
Từ chỉ Đống Dấm - nơi chôn nhau cắt rốn của Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh, hiện còn lăng thờ và tấm bia ghi sự tích.

Cầu lời nói thẳng, được 7 kế sách

Năm 1462, vua Lê Thánh Tông canh tân chính trị, đã xuống chiếu cầu lời nói thẳng. Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh dâng sớ nêu 7 kế sách chấn hưng đất nước. Sớ tấu của ông được Thánh Tông tin dùng, và cho thể hiện khá đầy đủ trong Bộ luật Hồng Đức.

“Thứ nhất, phải thuận âm - dương, trên - dưới, trong - ngoài thì trong nước mới có hòa khí. Thứ nhì, phải trọng người hiền tài, có học thức, trọng kinh sách, noi theo tiền nhân thì nền chính học mới thịnh vượng. Thứ ba, phải chăm sóc bồi dưỡng các thế hệ đời sau.

Thứ tư, phải tiết kiệm của cải tiền bạc thì mới mở mang được kinh tế. Thứ năm, phải thận trọng tuyển chọn quan chức mới chăm lo được chúng dân chứ không phải cai trị dân. Thứ sáu, phải thường xuyên huấn luyện quân sự thì nền võ bị mới mạnh. Thứ bảy, phải lập đồn điền để kết hợp kinh tế với quốc phòng”.

Theo giới nghiên cứu lịch sử, trong 7 chính sách trên thì chính sách thứ nhất “giữ gìn hòa khí” được coi là quan trọng hơn cả. Đây là kiến nghị mang tính tổng quát, chi phối mọi hoạt động, đường lối chính sách của triều đình.

Hoàng Trình Thanh đưa ra ba cặp đối lập: Âm – dương, trên – dưới, trong – ngoài. Trong đó, âm – dương là nội hàm cơ bản, nguyên thủy của triết học phương Đông. Còn trên – dưới cũng bao hàm quân – thần hoặc vua – tôi và quan – dân.

Theo đạo Nho, cũng có nghĩa là Tam cương. Làm vua phải tôn trọng quốc sự, lợi ích đất nước là trên hết. Quan là những bề tôi thay mặt vua quản lý hành chính. Quan phải chí công vô tư, hết lòng phụng vụ nhân dân.

Về chính sách thứ hai là “coi trọng kẻ sĩ”, không phải chỉ ở xã hội phong kiến mà ở bất kỳ một xã hội, thể chế nào cũng đều phải coi trọng kẻ sĩ. Họ là những hiền tài, mà hiền tài lại là nguyên khí quốc gia.

Lịch sử 10 năm chống quân Minh cho thấy, Lê Lợi đã tập hợp được quanh mình những hiền tài như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Xí... Và có khi, một bức thư của Nguyễn Trãi còn mạnh mẽ hơn cả trăm vạn hùng binh.

Tuy nhiên, lịch sử đau thương đã cho hậu thế biết rằng, không phải lúc nào bề trên cũng coi trọng kẻ sĩ. Hoàng Trình Thanh dâng lên kế này nhằm thức tỉnh tính kiêu hãnh vốn có của các bề vua.

Lê Thái Tổ và các vua đầu triều nhà Lê đã có bài học đau đớn nhất, hết Trần Nguyên Hãn đến Nguyễn Trãi và hàng chục vị khai quốc công thần đã dính phải án oan trước tỵ hiềm ganh ghét.

Chính sách thứ ba gọi tắt là “kế sách lâu dài”, lấy chăm lo thế hệ đời sau làm chuẩn. Đó là việc mở mang kinh tế làm cho dân giàu nước mạnh, phát triển văn hóa, giáo dục, phát huy truyền thống. Trong đó, giáo dục vẫn là một quốc sách phải ưu tiên hàng đầu.

Giới nghiên cứu lịch sử cho rằng, 7 chính sách của Hoàng Trình Thanh có thể được xem là các “đại kế sách”. Quốc khố không phải là vô hạn, mùa màng có khi được khi mất, ngân quỹ có lúc đầy lúc vơi.

Chính sách này khiến liên hệ tới Hữu Nhược, một học trò của Khổng Tử, khi trả lời Lỗ Ai Công về việc thu thuế, nói: “Trăm họ no đủ thì làm sao vua thiếu được, trăm họ thiếu thốn thì làm sao vua đủ được”.

nha-khoa-bang-dang-7-ke-sach-chan-hung-dat-nuoc-4.jpg
Mộ Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh.

Chính sách thứ năm, Hoàng Trình Thanh lưu ý việc tuyển chọn quan chức. Quan chức là để chăn dắt dân chúng chứ không phải để trị dân. Hoàng Trình Thanh không nêu tiêu chuẩn, nhưng là một nhà nho trong xã hội nho học, cũng hiểu mặc nhiên tiêu chuẩn ấy là tài đức, phẩm hạnh.

Chính sách thứ sáu được nhiều nhà khoa học gọi là “chính sách quốc phòng”. Đặt trong bối cảnh nhà Lê lúc bấy giờ có nhiều nguy biến. Phía Nam bị Chiêm Thành rình rập, phía Bắc luôn xung đột tranh chấp biên giới. Vì vậy, Hoàng Trình Thanh đề cao “văn ôn võ luyện” để ứng phó với các tình thế bất ngờ.

Một số nhà khoa học cho rằng, khi nêu kiến nghị này, chắc chắn Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh có đề cập đến lực lượng dân binh. Đó là những người “động vi binh, tĩnh vi dân”, lúc bình thì cầm cày cầm quốc, khi có chiến sự thì cầm vũ khí mà chiến đấu.

Chính sách cuối cùng là kết hợp kinh tế với quốc phòng. Đó là phải lập đồn điền, các đồn điền ấy là nơi quân đội khai khẩn tự túc một phần quân lương, giảm gánh nặng lương thực cho dân chúng và triều đình.

Hoàng Trình Thanh chủ trương mở mang các đồn điền, là cách kết hợp kinh tế quốc phòng hữu hiệu nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế nông nghiệp của đất nước. Chính sách này, cho đến ngày nay vẫn còn hiệu quả.

Năm 1463, Hoàng Trình Thanh qua đời ở tuổi 53. Vua Lê Thánh Tông vô cùng thương tiếc, phong tặng ông là Tham chính Thái bảo Triều liệt đại phu. Triều đình tổ chức lễ tang ông long trọng tại quê nhà. Triều đình và nhân dân kính trọng, suy tôn ông là bậc “Nho lâm kỳ thụ - cây cổ thụ trong rừng nho”, được sử sách lưu danh, nhiều nơi lập đền thờ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Phương Thảo

Thương nhau củ ấu cũng tròn

GD&TĐ - Phiên chợ Giành hôm nay tự nhiên thấy mọi người túm năm tụm ba một chỗ, vừa mua vừa bán vui quá. Thì ra cô hàng ấu đã trở lại!