Nhà giáo tâm huyết với đổi mới giáo dục ở vùng đất Mỏ

GD&TĐ -  Nhà giáo Lưu Hải Tiền,  Hiệu trưởng Trường THPT Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh, cả cuộc đời, gắn bó, cháy hết mình với giáo dục vùng Mỏ.

Nhà giáo Lưu Hải Tiền bên các học sinh Trường THPT Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh.
Nhà giáo Lưu Hải Tiền bên các học sinh Trường THPT Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh.

Người thầy gắn với Mỏ

Nhà giáo, ThS Lưu Hải Tiền hiện là Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Bãi Cháy, Tp Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Chỉ còn ít ngày nữa là thầy giáo Tiền, tên gọi mến thương mà các đồng nghiệp và học sinh thường gọi sẽ nghỉ hưu. Thầy Tiền sẽ vắng bóng trên sân trường này, nhưng những gì cả cuộc đời thầy làm được là cháy hết mình với giáo dục vùng Mỏ.

Năm 1983, tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, chàng thanh niên quê xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh hăm hở cầm tờ quyết định về công tác tại Trường THPT Cửa Ông, sau đó là Trường THPT Mông Dương, rồi Trường THPT Ngô Quyền, những nơi thầy Tiền công tác đều là khu vực khai thác than, thầy Tiền luôn gắn bó với đời sống của con em công nhân, người lao động vùng Than thân yêu.

Nhà giáo Lưu Hải Tiền nhớ lại, những năm tháng gắn bó với học sinh và nhà trường đều ở vùng khai thác than, đong đầy kỷ niệm. Ngày đó, địa bàn các trường tôi công tác như Mông Dương, Cửa Ông kể cả sau này là Trường THPT Ngô Quyền ở Tp Hạ Long, học sinh phần lớn là con em công nhân mỏ than. Các em nhà nghèo lắm, thầy cô cũng nghèo, nhiều người ở địa phương khác về công tác. Nhưng cũng chính từ cái nghèo và tình yêu nghề đã gắn kết chúng tôi lại để cùng dạy trò trưởng thành.

Nhà giáo Lưu Hải Tiền trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp trong trường.

Nhà giáo Lưu Hải Tiền trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp trong trường.

Tháng 3/2016 đến 8/2018, một thời gian ngắn thầy giáo Tiền được điều về công tác tại Sở GD&ĐT Quảng Ninh. Những ngày này, ngồi bó gối làm công tác quản lý, thầy Tiền lại nhớ trò, nhớ trường da diết và tháng 9/2018 thầy được chuyển về công tác tại Trường THPT Bãi Cháy. Là hiệu trưởng, thầy Tiền đã cùng đồng nghiệp nỗ lực điều hành các hoạt động dạy và học và các hoạt động giáo dục chất lượng, hiệu quả.

Luôn cháy hết mình

Thầy giáo Nguyễn Tuấn Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hạ Long, từng công tác với thầy Tiền nhiều năm cho biết: Thầy Tiền rất hiền, trầm lặng, nói ít làm nhiều. Đồng nghiệp và học sinh đều cảm nhận được ngọn lửa, nhiệt huyết với nghề với sự nghiệp chung. Trong nhiều hoạt động, thầy luôn sâu sát và đưa ra những quyết định mang tính chiến lược, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nhà trường.

Hiện thực hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW, thầy Tiền đã cùng tập thể nhà trường xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện chủ đề các năm học. Việc sâu sát, kịp thời, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các chương trình hành động của nhà trường góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, tạo môi trường giáo dục tích cực, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ và hội nhập quốc tế.

Thầy giáo Lưu Hải Tiền luôn quan tâm đến đổi mới sáng tạo trong các giờ lên lớp của giáo viên.

Thầy giáo Lưu Hải Tiền luôn quan tâm đến đổi mới sáng tạo trong các giờ lên lớp của giáo viên.

Nhà giáo Lưu Hải Tiền tâm sự: Tôi cho rằng ở đâu, với vai trò nào cũng vậy, nhà giáo phải biết vận dụng sáng tạo và phát huy tốt nhất phẩm chất người thầy của mình. Tôi luôn động viên các đồng nghiệp, chủ động phối hợp với chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương, tạo sự đồng hành trong cộng đồng dân cư để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh trong và ngoài nhà trường. Làm được điều này, chúng ta sẽ xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực gây bức xúc trong nhân dân, đảm bảo an toàn trường học, nâng cao chất lượng dạy – học.

Với vai trò lãnh đạo nhà trường, tôi bám sát các mục tiêu cụ thể của ngành về chỉ đạo toàn diện hoạt động của nhà trường trong việc phát triển nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt trong đó là chú trọng xây dựng kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống và chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng tập thể sư phạm đoàn kết, thống nhất. Động viên các thầy cô tích cực nhập cuộc đổi mới thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

Sáng tạo trong quản lý

Dưới sự chỉ đạo của nhà giáo Lưu Hải Tiền, Trường THPT Bãi Cháy đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, theo hướng coi trọng phát triển năng lực phẩm chất của người học. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo chương trình, kế hoạch giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục. Đổi mới cơ chế quản lý chuyên môn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Đổi mới sáng tạo góp phần nâng cao chất lượng dạy - học trong nhà trường.

Đổi mới sáng tạo góp phần nâng cao chất lượng dạy - học trong nhà trường.

Tạo điều kiện cho các thành viên của tổ chức đánh giá khả năng của chính mình và phối hợp hoạt động để đạt mục tiêu. Đây là phương tiện thực hiện dân chủ hoá giáo dục và dân chủ hoá quản lý nhà trường một cách có hiệu quả. Thông qua việc bàn bạc xây dựng kế hoạch, thu hút trí tuệ của các thành viên, các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, tạo cơ hội lôi kéo mọi người tham gia xây dựng và triển khai những quyết định quan trọng. Người quản lý có cái nhìn tổng quan về hệ thống, làm việc chủ động và tự tin hơn.

Trong các năm học, trên cơ sở thực tiễn quản lý, thầy Tiền nghiên cứu đưa ra các giải pháp, sáng kiến kinh nghiệm để tự bồi dưỡng, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và đúc kết kinh nghiệm hay của bản thân để chia sẻ cho đồng nghiệp tham khảo, phát triển khả năng quản lý. Thầy Tiền cho rằng: Xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục là một chức năng quan trọng hàng đầu của quản lý. Bản kế hoạch phát triển giáo dục có tính quyết định quan trọng về sự phát triển của hệ thống, của nhà trường trong một thời gian định trước.

“Đổi mới công tác quản lý là khâu đột phá quyết định để nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. Đổi mới công tác quản lí giáo dục chính là đổi mới tư duy quản lí và phương pháp, cách thức quản lí, thay tư duy cũ hành chính sự vụ bằng tư duy mới năng động, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực. Đáp ứng yêu cầu đó, đề tài đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lí trong nhà trường, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục." - Thầy Tiền chia sẻ.

Nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Văn Tuế nhận xét: Thầy giáo Lưu Hải Tiền là người luôn đổi mới tư duy từ cách nghĩ đến cách làm, biết vận dụng sáng tạo và phát huy hết khả năng, năng lực sử dụng kinh nghiệm, những giá trị của mình và nhà trường cho sự phát triển, với mục tiêu “Giáo dục học sinh trở thành chủ nhân mới của đất nước, biết khát vọng đổi mới để vươn lên”. Thầy Tiền có khả năng phân tích và dự báo được xu thế phát triển, có tầm nhìn chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục của nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.

Lộ trình học ielts 8.0