Thầy giáo - Thầy thuốc
Khi chúng tôi vào đại học, nhà giáo Trần Thanh Xuân đã là một Hiệu trưởng trường phổ thông cấp II được cử đi học. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhờ kết quả học tập xuất sắc, ông được giữ lại khoa làm cán bộ giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu. Rất nhiều lớp SV Sư phạm Văn Hà Nội từ những năm 70 của thế kỷ trước đến những năm đầu của thế kỷ này vẫn nhớ hình ảnh thầy Trần Thanh Xuân với những bài giảng về phương pháp giảng dạy Ngữ văn thật cuốn hút.
Sau ngày nghỉ hưu, ông Trần Thanh Xuân vẫn tiếp tục nghiệp làm thầy khi được các trung tâm luyện thi đại học mời chào. Cũng từ đây, ông có nhiều thời gian để làm thơ, viết các bài bình thơ gửi các báo. Các bài bình thơ thấm đẫm chất nhân văn và đầy rung cảm nghệ thuật của ông đã làm lay động không ít người trong cuộc sống bề bộn hôm nay… Những bài thơ và bình thơ ấy, ông đã tập hợp trong gần một chục đầu sách xuất bản trong mấy năm qua! Không dừng lại ở đó, mấy năm gần đây, ông lại chuyển sang kế tục nghề Đông y gia truyền trị bệnh cứu người!
Lần đến thăm ông mới đây, quan sát theo dõi ông tư vấn, chữa bệnh, thể hiện tình cảm của người làm nghề lương y dành cho người bệnh hết sức tận tâm, tỉ mỉ, cẩn trọng… và trò chuyện với ông khiến tôi càng thấy cảm phục cái chất: Thầy giáo - Thầy thuốc trong ông! Tôi viết những dòng này là xuất phát từ sự khâm phục, nể trọng với một bậc đàn anh đáng kính chứ không hề có ý định quảng cáo cho ông bởi cái nghề làm thầy thuốc chữa bệnh cứu người thì “hữu xạ tự nhiên hương” chứ không thể ai nói hay ho được.
Cứu mình - cứu người
Qua trò chuyện với thầy tôi mới biết, không phải tự nhiên mà từ một giảng viên cao cấp ở khoa Văn, thầy lại chuyển sang làm nghề thuốc. Thầy được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nho học và làm nghề thuốc Đông y, gia truyền nhiều đời. Từ bé, thầy đã được cha và ông ngoại dạy cách bấm huyệt, châm cứu để chữa bệnh. Thầy kể: “Chính tôi cũng đã được cứu sống nhiều lần bằng thuốc Đông y. Đến lượt các con tôi, cũng được chữa bệnh hầu hết bằng Đông, Nam dược. Có một lần, con thứ ba của tôi, lúc ấy mới 7, 8 tuổi, mắc bệnh kiết lỵ, liên tục đi ngoài ra máu. Tôi đưa cháu vào bệnh viện khám chữa và được biết là lỵ trực tràng. Nhưng uống thuốc Tây của bệnh viện không đỡ, số lần đi ngoài càng tăng lên. Cháu càng lúc càng mệt lả khiến tôi lo lắng lắm. Cuối cùng tôi bỗng nghĩ đến bài thuốc Nam gia truyền của cha tôi. Tôi tìm các cây thuốc mọc hoang khu ngoại thành Hà Nội. Tìm được đúng cây thuốc mình cần, đem về pha chế cho cháu uống. Kỳ diệu thay, cháu mới uống chưa hết một phần tư ấm thuốc là bệnh đã lui”.
“Rồi đến lượt tôi, tự chữa bệnh cho chính mình. Cách đây 5, 6 năm, tôi bị phì đại tuyến tiền liệt (50g), bệnh của đàn ông thường mắc. Bệnh viện cho thuốc Tây uống không đỡ. Tôi lo lắng sợ phải mổ thì phiền phức quá nên uống rất nhiều loại thuốc được quảng cáo rầm rộ là rất công hiệu. Nhưng thực ra chỉ tốn tiền mà bệnh vẫn hoàn bệnh. Tôi đành quyết định tự chữa bằng cách tự bấm huyệt và dùng thuốc Nam.
Tháng nào tôi cũng đi siêu âm, chỉ một máy và một bác sĩ để kiểm chứng cho chính xác. Kết quả là sau 6 tháng 10 ngày, tuyến tiền liệt chỉ còn 20g, làm cho bác sĩ phải ngạc nhiên. Tôi cũng đã tự chữa cho mình khỏi sỏi mật, cùng với trĩ nội, trĩ ngoại bằng thuốc Nam và bấm huyệt, nên không phải đi cắt, hoặc đi thắt như mọi bệnh nhân khác. Đặc biệt, gần đây, tôi đã kết hợp sử dụng liệu pháp Đông y gia truyền với phẫu thuật của bệnh viện để chiến thắng căn bệnh ung thư đại tràng của mình trước sự ngỡ ngàng của các bác sĩ điều trị” - thầy Xuân kể.
Từ những thực tế ấy, từ khi nghỉ dạy học, thầy có thời gian ngồi đọc lại sách thuốc gia truyền của ông, cha để lại. Thầy Xuân nói, nếu không đem kiến thức của mình để cứu giúp người bệnh thì mình sẽ mắc vào một món nợ đời và có tội. Mặc dù thầy cũng biết, chữa bệnh là một việc làm phúc nhưng nếu không khéo sẽ thành có tội. Tuy tuổi đã cao, đáng lẽ được nghỉ ngơi, nhưng thầy Xuân đã quyết định đi học thêm một vài lớp về Đông y, xoa bóp, bấm huyệt, tác động cột sống… Càng học, thầy càng say mê vì nhận ra sự uyên thâm đến mức kỳ diệu của lý luận y học cổ truyền. Cuối tháng 12/2019, tức là đã ở độ tuổi ngấp nghé 80, thầy Xuân đã được đứng vào hàng ngũ những thầy thuốc Đông y Việt Nam, với chuyên ngành xoa bóp, bấm huyệt, tác động cột sống và thuốc Nam gia truyền.
Những lời khuyên hữu ích
Mang kiến thức mới học được, kết hợp với kinh nghiệm gia truyền, thầy Xuân mạnh dạn xin phép và ngày 13/1/2020 đã được Trung tâm Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng TP Hà Nội cấp phép thành lập Chi nhánh ở quận Thanh Xuân (Hà Nội). Đi vào hoạt động, chi nhánh đã tập hợp được một số bác sĩ Đông y, lương y, kĩ thuật viên xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, tác động cột sống để thực hiện chức năng của chi nhánh là: Tư vấn sức khỏe; Hướng dẫn tập dưỡng sinh và cách phòng, chữa bệnh không dùng thuốc (tất cả đều miễn phí). Trung tâm cũng truyền dạy nghề chữa bệnh, nghiên cứu và phát triển thuốc Nam gia truyền…
Chỉ qua ít tháng hoạt động của chi nhánh, ứng dụng kinh nghiệm gia truyền và kiến thức đã được học vào thực tế chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh. Thầy Xuân tâm sự: “Đông y và Nam y có cái hạn chế là thời gian chữa bệnh kéo dài, nhưng đã chữa là tìm đến gốc rễ của căn bệnh chứ không dừng lại ở triệu chứng. Tôi cố gắng học hỏi, vừa nghiên cứu, vừa rút kinh nghiệm, nên đã chữa được nhiều thứ bệnh. Bởi một bệnh nhân đến, không chỉ có một bệnh mà thường là 3, 4 bệnh khác nhau và đã qua nhiều cơ sở khám chữa rồi.
Thực trạng này đã đặt ra cho tôi như một bài toán khó, đòi hỏi phải có cách giải hợp lý. Tức là phải tìm ra nguyên nhân nào đã sinh ra một chùm bệnh đó, để chữa một mà được cả, chứ không thể đuổi theo từng bệnh được. Có bệnh nhân đến khám có biểu hiện da rất vàng, sợ mắc bệnh gan mật. Anh ta đã đi làm mọi xét nghiệm về máu, rồi siêu âm, chiếu chụp X-quang, kể cả chụp cộng hưởng từ, nhưng kết quả đều khẳng định là gan mật rất tốt. Khi đến với tôi, khám lâm sàng, tôi thấy bệnh trạng của bệnh nhân bắt nguồn từ lá lách. Sau nửa tháng điều trị thì da hết vàng và trở lại hồng hào. Có bệnh nhân lúc đầu đến, lòng bàn tay, bàn chân ướt sũng mồ hôi và rất sợ gió mặc dù trời nóng tới 39 độ. Nhưng sau một liệu trình, chân tay đã khô ráo và ấm nóng, chịu được gió từ quạt mạnh…”.
Trở lại với câu chuyện “chiến thắng căn bệnh ung thư” của mình, thầy Xuân cho biết: Khi thấy trọng lượng cơ thể bị giảm một cách đột ngột, nên đi thăm khám ngay vì đó là một trong những dấu hiệu của căn bệnh ung thư kèm theo sự thiếu máu trầm trọng. Hai là, nếu phát hiện ra bệnh thì không được hoang mang, bi quan, làm cho bệnh thêm trầm trọng. Bởi tinh thần là một thứ vũ khí đầy sức mạnh để đẩy lùi bệnh tật, đặc biệt là tinh thần lạc quan.
Ba là, nếu cần thì vẫn cần phải nhờ sự can thiệp phẫu thuật của Tây y. Bốn là, sau khi phẫu thuật, việc lựa chọn phương pháp điều trị là rất quan trọng. Nếu sức khỏe yếu thì không nên xạ trị, hóa trị và không dùng thuốc Tây mà nên chuyển sang các liệu pháp Đông y hỗ trợ sẽ tốt hơn! Nên tìm đến các bài thuốc Nam trong dân gian và tăng cường luyện tập để nâng cao thể trạng. Cuối cùng, việc ăn uống cũng rất quan trọng. Ăn không phải chỉ để duy trì sự sống, mà còn có thể kìm chế, thậm chí tiêu diệt bệnh tật…
Thật trân quý tấm lòng của một nhà giáo cả đời gắn bó với dạy văn, viết sách làm thơ và bốc thuốc trị bệnh cứu người! Có thể nói, nhà giáo Trần Thanh Xuân là hình mẫu “ba trong một” hiếm có trong đội ngũ những nhà giáo hôm nay!