Nhà giáo được điều động làm cán bộ quản lý phải được hưởng trợ cấp 1 lần

GD&TĐ - Nhà giáo có thời gian trực tiếp giảng dạy trên 5 năm được điều động làm cán bộ quản lý, phải được hưởng trợ cấp 1 lần. Đây là quan điểm của GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành - Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam - cũng như nguyện vọng của nhiều cựu giáo chức khi góp ý cho văn bản thay thế Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một số đối tượng bị “bỏ sót”

- Vì sao cần có văn bản mới thay thế Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu thưa GS?

- Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với những nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu. Đã có hơn 162.000 nhà giáo được thụ hưởng chính sách này.

Đối tượng áp dụng quy định tại Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg là nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, GD ở các cơ sở GD công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hoặc giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm, tàu huấn luyện của các cơ sở GD nghề nghiệp và các cơ sở GD ĐH công lập.

Có thể thấy, quy định trên đã “bỏ sót” một số đối tượng nhà giáo từng trực tiếp làm công tác giảng dạy, cụ thể:

Nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, GD tại cơ sở GD bán công nhưng trước đó được điều động từ các cơ sở GD công lập hoặc cơ sở GD bán công do cấp có thẩm quyền chuyển đổi từ cơ sở GD công lập và được xếp lương theo bảng lương của ngạch viên chức ngành giáo dục; nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập được cấp có thẩm quyền cử làm chuyên gia GD ở ngoài nước, khi hết thời gian làm chuyên gia về nước thì nghỉ hưu ngay;

nhà giáo có thời gian tham gia dạy ở các lớp học được tổ chức tại các đơn vị thanh niên xung phong hoặc các đơn vị vũ trang khác mà chưa hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước dành cho thanh niên xung phong hoặc lực lượng vũ trang; nhà giáo có thời gian là quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu sau đó chuyển ngành về công tác giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở GD công lập khi nghỉ hưu là giáo viên ngoài lực lượng vũ trang, trong lương hưu có phụ cấp thâm niên lực lượng vũ trang nhưng không có phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Đặc biệt, Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg đã “bỏ sót” đối tượng là nhà giáo có thời gian trực tiếp giảng dạy trên 5 năm được các cấp có thẩm quyền điều động làm công tác QLGD ở các cơ quan quản lý. Nếu không có đối tượng này thì Nghị định sẽ kém ý nghĩa.

GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành

- Nhà giáo có thời gian trực tiếp giảng dạy trên 5 năm được các cấp có thẩm quyền bổ nhiệm làm công tác quản lý được hưởng trợ cấp hay không vốn là vấn đề có nhiều ý kiến chưa thống nhất từ lâu. Theo quan điểm của GS, vì sao nhất thiết phải bổ sung đối tượng này vào văn bản thay thế Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg?

- Trước hết, phải nhắc đến Quyết định số 309-CT về phụ cấp thâm niên cho nhà giáo và cán bộ giảng dạy ban hành năm 1988. Khi có Quyết định 309 thì người về hưu sau 1994 đã có thời gian đóng bảo hiểm để có phần phụ cấp thâm niên. Như vậy họ phải được nhận phần phụ cấp thâm niên trong bảo hiểm xã hội (đã đóng 6 năm). Nhưng Chính phủ đã không thông qua trong Nghị định 54/2011/QĐ-TTg.

 Để đóng góp cho dự thảo Nghị định thay thế Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg, Hội Cựu giáo chức đã thảo luận trong Thường trực, cùng Ban soạn thảo đi đến các địa phương để trao đổi, thảo luận. Tinh thần chung, các ý kiến góp ý đều mong muốn nhà giáo có thời gian trực tiếp giảng dạy trên 5 năm được các cấp có thẩm quyền điều động làm công tác quản lý phải được trợ cấp một lần như nhà giáo trực tiếp đứng lớp đã quy định trong Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg, ít nhất cũng được tính vào thời gian trực tiếp giảng dạy ở cơ sở GD. Ngày 4/5/2019, Bộ GD&ĐT cũng tổ chức hội thảo lấy ý kiến Hội Cựu giáo chức về dự thảo Nghị định và tinh thần chung cũng với mong muốn như trên. 
GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành 

Cũng tại Quyết định 309, đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên là giáo viên tại các trường phổ thông, CĐ, ĐH, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; cán bộ quản lý, nghiên cứu và chỉ đạo công tác GD đã từng trực tiếp giảng dạy từ 5 năm trở lên được điều động về các cơ quan quản lý GD các cấp được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên ghi trong Chỉ thị số 241-CT ngày 4/9/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Nay loại bỏ đối tượng cán bộ quản lý là thiếu tính nhất quán trong văn bản pháp lý.

Mặt khác, tại Luật Giáo dục trước đây có đưa cán bộ QLGD vào đối tượng điều chỉnh trong Luật.

Nếu quy định về hưu khi trực tiếp giảng dạy ở cơ sở GD công lập thì làm sao các cán bộ quản lý lại trực tiếp giảng dạy được; và làm sao giáo viên từ trường bán công theo chủ trương của ngành chuyển sang mô hình bán công lại có thể về hưu tại cơ sở GD công lập? Quy định này làm thiệt thòi cho những người về hưu đã đóng bảo hiểm xã hội theo Quyết định 309/CT.

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT và cả Hội Cựu giáo chức đã có rất nhiều ý kiến nhưng không được sự đồng ý của một số bộ ngành, như Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ LĐ, TB&XH, Bộ Tư pháp. Nguyên nhân được đưa ra là: Tại sao cán bộ quản lý các ngành khác không được mà ngành GD lại được trợ cấp. Tuy nhiên, trên thực tế, kiến nghị của chúng tôi là: Chỉ những nhà giáo đã có kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy được điều động lên làm quản lý mới được thụ hưởng chính sách này và đối tượng này đã đóng bảo hiểm có phần phụ cấp thâm niên.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Rất cần sự đồng thuận, nhất trí của các bộ, ngành

- Vậy làm sao để kiến nghị của giáo sư - nhà giáo có thời gian trực tiếp giảng dạy trên 5 năm được các cấp có thẩm quyền bổ nhiệm làm công tác quản lý được hưởng trợ cấp - có tính khả thi?

- Theo thống kê của Hội Cựu giáo chức năm 2018, trên cả nước có khoảng 7.200 nhà giáo có thời gian trực tiếp giảng dạy trên 5 năm được các cấp có thẩm quyền bổ nhiệm làm công tác quản lý. Nếu đối tượng này được hưởng trợ cấp thì kinh phí Nhà nước phải bỏ ra không phải là nhiều (dự kiến có mức chi khoảng 100 tỷ đồng).

Tuy nhiên, để có thể bổ sung đối tượng nhà giáo có thời gian trực tiếp giảng dạy trên 5 năm được các cấp có thẩm quyền bổ nhiệm làm công tác quản lý được hưởng trợ cấp, nhất thiết cần sự đồng thuận, nhất trí của các bộ ngành. Trong cuộc làm việc với Hội Cựu giáo chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng thể hiện sự ủng hộ với điều này. Đây là một thuận lợi. Theo tôi, nếu trong dự thảo theo Nghị định mà không có đối tượng nhà giáo làm quản lý GD tại các cơ quan quản lý thì không nêu ra vì sẽ gợi mở nỗi đau vì sự không công bằng.

Chúng tôi cũng có một kiến nghị, trong tổ chức thực hiện, nên có sự phối hợp với Hội Cựu giáo chức tại cơ sở để xác minh đảm bảo sự minh bạch, trung thực, chống các hành vi làm sai lệch hoặc làm giả mạo hồ sơ.

- Xin cảm ơn giáo sư!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ