Nhà giáo dục hai lần đỗ tiến sĩ

GD&TĐ - Với hai lần ghi danh trên bảng vàng tiến sĩ – Phan Phu Tiên không chỉ khẳng định tài học, mà còn khuyến khích giáo dục.

Tượng danh sĩ Phan Phu Tiên tại Đông Ngạc.
Tượng danh sĩ Phan Phu Tiên tại Đông Ngạc.

Phan Phu Tiên không chỉ là nhà sử học, nhà văn hóa giáo dục nổi tiếng thời Lê, ông còn là người khai khoa cho làng học Đông Ngạc.

Lưỡng triều tiến sĩ

Phan Phu Tiên (sinh và mất khoảng 1370 - 1462) tự là Tín Thần, hiệu Mặc Hiên. Thân sinh ra ông là Phan Quang Minh - vốn người làng Thu Hoạch, tổng Canh Hoạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), nhưng sau đó chuyển về ở làng Vẽ (phường Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm - Hà Nội), và Phan Phu Tiên được sinh ra tại đây.

Tại khoa thi của nhà Trần tổ chức ở Thăng Long đời Trần Thuận Tông, ông đã đỗ Thái học sinh (tương đương tiến sĩ). Việc Phan Phu Tiên thi đỗ Thái học sinh có nhiều tài liệu khác nhau, chỗ nói năm 1393, chỗ viết năm 1396.

Đối chiếu qua văn bia làng Đông Ngạc, qua “Từ điển văn học Việt Nam”, qua phần “Biệt lục và Bổ di” trong “Các Nhà khoa bảng Việt Nam” - thì ông đỗ Thái học sinh khoa Quý Dậu, niên hiệu Quang Thái (1393) là có căn cứ hơn cả. Dưới thời nhà Trần, ông cũng từng được bổ chức quan, nhưng không rõ là chức vụ nào.

Lại có tài liệu, như “Toàn Việt thi lục” thì cho rằng, ông đã thi đỗ khoa Hoành từ tại hành doanh Bồ Đề vào năm 1428. Song có điều chắc chắn là sau ngày kháng Minh toàn thắng, năm 1429 vua Lê Thái Tổ cho mở khoa thi Minh kinh bác học để chọn nhân tài, ông đã ra dự thi và đỗ thứ ba sau Triệu Thái và Trần Thuấn Du.

Sau khi thi đỗ, Phan Phu Tiên được bổ làm Đồng tu sử ở Viện quốc sử. Ở đây, ông vâng lệnh biên soạn “Việt âm thi tập” - chính là bộ hợp tuyển thơ văn đầu tiên của nước Việt. Niềm tự hào về truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc, lòng trân trọng đối với di sản tinh thần của tiền nhân và những nhận thức sâu sắc về vai trò của văn chương nghệ thuật, đã thúc đẩy ông vượt qua mọi khó khăn, ra sức hoàn thành công trình có ý nghĩa lớn lao này.

Mùa thu năm Quý Sửu, niên hiệu Thuận Thiên thứ 6 đời Lê Thái Tổ (1433), bộ hợp tuyển “Việt âm thi tập” về căn bản đã hoàn thành. Phan Phu Tiên viết lời tựa với những lời tâm huyết như sau: “Trong lòng có chí hướng ắt sẽ thể hiện thành lời. Vì vậy, thơ là để nói lên cái chí của mình...

Các bậc đế vương, công khanh, sĩ đại phu mấy đời gần đây, chẳng ai không quan tâm đến học thuật, vẫn thường sớm tối ngâm vịnh, diễn tả nỗi lòng sâu kín, đều có thi tập lưu hành ở đời nhưng do binh lửa nên đã thất truyền, tiếc thay!... Các bậc quân tử sau này có lòng sưu tầm rộng khắp, rồi xếp đặt thành quyển, thành tập, mới mong khỏi phải thở than vì bỏ sót mất hạt châu trong biển cả”.

Khuyên việc học hành

Phan Phu Tiên là người đặt nền móng cho khoa bảng Đông Ngạc.

Phan Phu Tiên là người đặt nền móng cho khoa bảng Đông Ngạc.

Bảy chi họ Phan làng Đông Ngạc tuy có đủ từ đường, nhưng không còn tư liệu để phân ngôi thứ. Đến năm Minh Mệnh thứ năm (1834), đại diện các chi đã họp lại, chọn 7 ngôi sao đẹp trong “Nhị thập bát tú”, đặt tên cho chi mình: Chi Đẩu, chi Khuê, chi Cơ, chi Sâm, chi Vị, chi Bích và chi Trương.

Sách chưa kịp khắc in thì Phan Phu Tiên được cử giữ chức An Phủ sứ ở tỉnh ngoài (Thiên Trường, Hoan Châu). “Việt âm thi tập” được Thị ngự sử Chu Xa vâng lệnh triều đình biên soạn tiếp. Sau hơn 10 năm sưu tầm, chỉnh lý, sắp xếp, bản thảo “Tân tuyển Việt âm thi tập” do Chu Xa biên tập đã hoàn thành vào năm 1459 - được Hàn Lâm học sĩ Lý Tử Tấn hiệu chỉnh, rồi cho khắc in.

Theo bài tựa của Lý Tử Tấn thì “Tân tuyển Việt âm thi tập” thu thập được hơn 700 bài thơ (sắp xếp thành 7 quyển). Bản in lần đầu đã thất tán từ lâu. Hiện nay chỉ còn được thấy ba quyển đầu của lần tái bản năm 1729.

Sau một thời gian làm quan ở tỉnh ngoài, năm 1448, Phan Phu Tiên lại được triệu về kinh, sung chức Quốc Tử Giám bác sĩ tri Quốc sử viện, vừa giảng dạy ở Quốc Tử Giám lại vừa trông coi công việc của Viện quốc sử.

Phan Phu Tiên bàn về những người được đưa vào thờ ở Văn Miếu: Bậc danh nho các đời có người nào bài bác dị đoan, truyền bá đạo thống, thì mới được tòng tự ở Văn Miếu, để tỏ đạo học có nguồn gốc. Nghệ cho Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Đỗ Tử Bình được tòng ở Văn Miếu; Hán Siêu là người chính trực, bài bác đạo Phật, tu sửa mình trong sạch, giữ bền khí tiết, không vụ hiển đạt, là có thể được. Còn như Tử Bình là hạng học nhảm, chiều người, tham ô vơ vét, là kẻ gian thần hại nước, sao lại được xem vào đấy?.

Phan Phu Tiên vốn là nhà giáo nên rất có ý thức tự sửa mình, cũng như giáo dục đời sau. Ông đã làm bài thơ chữ Hán “Ấu nhi học, trang nhi hành”, là một trong ba bài chép trong “Toàn Việt thi lục”, sau này được Lê Quý Đôn tuyển chọn.

Bản dịch của Vân Trình: “Làm người nên học/Trẻ mà không học khó làm nên/ Tự thẹn già nua trót kém hèn/ Ôn cũ sau này mong biết mới/Vào nhà ắt phải bước qua hiên?/ Được theo lễ nhạc bậc tiền bối/Nguyện lấy thi thư giúp thiếu niên/ Muôn vật được nhuần mưa móc gội/Đầu Xuân hi vọng tốt tươi lên”.

Khôi phục những tàn phai

Lễ giỗ nhà giáo dục Phan Phu Tiên.

Lễ giỗ nhà giáo dục Phan Phu Tiên.

Năm Ất Hợi, niên hiệu Diên Minh thứ hai đời Lê Nhân Tông (1455), vâng lệnh nhà vua - ông bắt tay vào biên soạn bộ “Đại Việt sử ký tục biên” (nối tiếp theo “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu), chép việc từ đời Trần Thái Tông cho đến khi quân Minh rút về nước (từ năm 1226 cho tới năm 1427), gồm 10 quyển.

“Đại Việt sử ký tục biên” nay đã thất truyền, nhưng Ngô Sĩ Liên đã dựa vào bộ sử này để biên soạn những phần có liên quan trong “Đại Việt sử ký toàn thư”. Ngoài các tác phẩm: Việt âm thi tập, Đại Việt sử ký tục biên, tương truyền Phan Phu Tiên còn viết: Quốc triều luật lệnh, Bản thảo thực vật toản yếu.

“Toàn Việt thi lục” do Lê Quý Đôn biên soạn có chép ba bài thơ của ông: Vi nhân cầu giáo (Làm người cần phải học tập), Hạ gián nghị đại phu Nguyễn Ức Trai và Đương đạo Lương Phán quan nhậm mãn (Tặng ông phán quan họ Lương hết hạn nhậm chức). Lời thơ bình dị nhưng chứa đựng nhiều ý tưởng sâu sắc, nêu cao truyền thống hiếu học, trọng nghĩa tình, chăm lo việc dân, việc nước của nho sĩ Việt Nam.

Cho đến nay, khi nhìn lại các nhà nghiên cứu đều đánh giá Phan Phu Tiên là người góp công lao rất lớn trong việc khôi phục văn hóa Lý - Trần đã bị giặc Minh đốt phá trong những năm tháng Đại Việt bị nhà Minh đô hộ.

Theo Lê Quý Đôn, Phan Phu Tiên và một số danh sĩ nhà Lê sơ đã cùng nhau sưu tầm các sách vở thời Lý - Trần may mắn thoát khỏi bàn tay phá hoại của giặc Minh, cố công thu thập lại giấy tờ thư tịch thời Lý - Trần, nhặt nhạnh từng tờ giấy, tư liệu quý giá lưu lạc thất tán trong dân gian - giúp thần dân Đại Việt có cơ hội tìm hiểu về di sản của giai đoạn văn hóa rực rỡ này.

Đối với quê hương Đông Ngạc, Phan Phu Tiên là người khai khoa và đặt nền móng cho nền khoa bảng của làng. Các dòng họ khác cũng theo cái nếp học đó mà tấn tới, để rồi cả 5 dòng họ đều có nhiều người đỗ tiến sĩ, bảng nhãn và hoàng giáp. Họ Phạm có 16 vị tiến sĩ; họ Phan có 7 tiến sĩ, 28 cử nhân và 50 tú tài; họ Nguyễn có 5 tiến sĩ, 30 cử nhân và 40 tú tài.

Hình thành vùng đất danh hương với câu ca “đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ” - với tất thảy 21 tiến sĩ là những quan văn nức tiếng, đã đưa Đông Ngạc trở thành một vùng đất hiếu học bậc nhất Thăng Long. Công khai trí của Phan Phu Tiên được đánh giá không chỉ ở vùng đất Thăng Long, mà còn lan truyền đi khắp nước.

Người Đông Ngạc coi trọng học vấn. Dân gian có câu “thơ Mỗ, phú Cách, sách Vẽ”. Nếu thi không đỗ đạt cao để làm quan, thì họ làm thầy đồ, làm nghề thuốc. Bởi thế, thư tịch về Đông Ngạc, trước tác của các bậc nho học Đông Ngạc là một kho tư liệu đồ sộ.

Ở đình Vẽ bây giờ, phía bên tả là khu nhà dựng bia khá quy mô. Cạnh những bức tường mới tô màu vàng hiện đại là những tấm bia bản dầy khắc những hàng chữ nho, cái thì còn rõ, cái lại đã mờ.

Chỉ có những trán bia do ít bị sờ vào xét chữ nên vẫn còn mồn một dấu khắc những lưỡng long chầu nguyệt. Cứ những chữ những nghĩa ghi khắc xa xưa ấy, thì danh sĩ Phan Phu Tiên còn là một người thầy đáng để muôn đời xưng tụng.

Việc đặt tượng đá chân dung Phan Phu Tiên tại nhà thờ chi Đẩu trước của từ đường là một sự tôn kính của hậu duệ ngày nay. Nhìn lên bức hoành phi “Khai tất tiên” – Người đầu tiên: Khai khoa, khai canh, khai sáng… và đôi câu đối “Lưỡng chúng đăng long Đông Ngạc khai khoa dương trí tuệ/ Tạm biên chứ tác thủy tổ Phan gia quốc hoàng ân” (Hai lần đỗ tiến sĩ khai khoa cho làng Đông Ngạc/ Ba lần viết tác phẩm để lại cho đời thủy tổ họ Phan đất nước biết tên) – mới thấy những giá trị trường tồn của tri thức và đạo đức mà một người làm thầy đã để lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ