Nhà giáo chung sức chống dịch

GD&TĐ - Tạm dừng đến trường, nhiều cán bộ, giáo viên ở TP Cần Thơ tình nguyện tham gia công tác chống dịch. Người nấu cơm, người tham gia chốt trực cùng tuyến đầu...

Giáo viên Trường TH Ngô Quyền, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) chuẩn bị các suất ăn tặng cho người dân khó khăn.
Giáo viên Trường TH Ngô Quyền, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) chuẩn bị các suất ăn tặng cho người dân khó khăn.

Sẻ chia cùng cộng đồng

Trường học tạm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19 nhưng thầy cô giáo ở TP Cần Thơ vẫn đồng hành cùng cộng đồng. Mô hình “Chợ 0 đồng”, “Bếp ăn 0 đồng” của trường học góp phần hỗ trợ người dân và tuyến đầu chống dịch.

Gần một tháng qua, thầy cô giáo Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cũng không nghỉ ngơi dù trường tạm nghỉ. Tận dụng bếp ăn có sẵn, tập thể nhà trường chung tay mở bếp thiện nguyện, nấu hàng nghìn suất cơm trao tay người lao động nghèo trong đại dịch Covid-19.

Chia sẻ về bếp ăn, cô Mạch Lệ Xuân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến người lao động. Đặc biệt là những người hành nghề bán vé số, lượm ve chai và lao động tự do. Thấu hiểu khó khăn này, tập thể nhà trường ngồi lại bàn bạc với nhau, tổ chức bếp ăn và phiên chợ 0 đồng nhằm san sẻ với người dân những khó khăn mà bà con lao động đang gặp phải.

Bếp ăn của Trường Tiểu học Ngô Quyền lại đỏ lửa, kinh phí do mạnh thường quân đóng góp, thầy cô giáo của trường cùng nhau nấu. Hàng tuần, thầy cô giáo của trường nấu khoảng 1.000 suất ăn cho người lao động khó khăn. “Mỗi người tự nguyện đóng góp, nếu không đủ, chúng tôi vận động thêm các mạnh thường quân khác hoặc một số phụ huynh khi thấy phong trào hay, ý nghĩa, họ rất sẵn lòng tham gia”, cô Xuân chia sẻ.

Mỗi phần cơm tuy không nhiều nhưng đó là tấm lòng của tập thể nhân viên, thầy cô giáo tại trường, mong muốn chia sẻ và giúp đỡ những người dân gặp khó khăn trong tình hình dịch bùng phát.

“Từ khi dịch bệnh tới giờ, việc bán vé số trở nên khó khăn hơn, người mua giảm hẳn. Mấy ngày qua ngừng phát hành xổ số khiến người bán vé số càng thêm khó khăn. Rất may có bếp ăn và cửa hàng 0 đồng của Trường Tiểu học Ngô Quyền nên tôi và nhiều người khác yên tâm hơn. Không có thu nhập, dịch bệnh càng khó khăn, bếp ăn là nơi nương tựa của chúng tôi”, bà Lê Thị Bé Sáu, người bán vé số ngụ phường An Cư, quận Ninh Kiều chia sẻ.

Bên cạnh bếp ăn, thầy, cô giáo Trường Tiểu học Ngô Quyền còn mở “Chợ 0 đồng” để hỗ trợ các mặt hàng thiết yếu cho người nghèo khó. Thầy cô giáo cùng nhau nhận lương thực, thực phẩm tiếp tế từ các mạnh thường quân rồi sắp xếp, phân chia thành từng kệ hàng để người dân tiện lấy về sử dụng.

Phiên chợ 0 đồng ở Trường Tiểu học Ngô Quyền có rau, củ, quả được cấp phát tùy theo nhu cầu sử dụng. Còn các nhu yếu phẩm khác như gạo, mì gói, gia vị được chia đều cho mỗi người. Mỗi ngày, “Chợ 0 đồng” trao tặng khoảng 200 phần cho những người khó khăn. Trong đó, có 40 phần cho những hộ trên địa bàn từng phường của quận Ninh Kiều. Còn lại dành cho người vãng lai, từ các nơi khác đến.

Thầy cô giáo ở TP Cần Thơ nấu ăn tại Bếp ấm hỗ trợ lực lượng tại các chốt trực.
Thầy cô giáo ở TP Cần Thơ nấu ăn tại Bếp ấm hỗ trợ lực lượng tại các chốt trực. 

“Xung trận” chống dịch

Từ ngày đầu TP Cần Thơ lập chốt kiểm soát dịch bệnh, cô Trương Thị Thanh Thảo (29 tuổi), giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS An Hòa 1, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) xung phong làm nhiệm vụ điều tiết xe vào vị trí khai báo y tế. Vừa làm nhiệm vụ trực trường, vừa làm nhiệm vụ trực tại chốt kiểm dịch nhưng cô Thảo không ngại khó.

“Tôi tham gia chống dịch vì muốn đóng góp sức trẻ cho thành phố. Hơn nữa, tình hình dịch hiện nay đang rất căng thẳng, vì thế không chỉ bản thân tôi mà cả xã hội cần phải chung tay chống dịch trong lúc này. Trong thời gian nghỉ hè, hằng ngày tôi vẫn vào trường làm công việc. Tranh thủ làm xong công việc là nhanh chóng sang chốt cùng với lực lượng”, cô Thảo chia sẻ.

Cùng đồng hành với cô Thảo là cô Lâm Thanh Thiên Thanh, giáo viên Trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ, quận Ninh Kiều. Công việc giáo viên mầm non khá vất vả, nhưng khi được nghỉ phòng dịch cô nhiệt tình tham gia chốt trực kiểm dịch. Chia sẻ lý do tham gia công tác chống dịch, cô Thiên Thanh cho biết: “Dù điều kiện khó khăn nhưng tôi nghĩ đến những bác sĩ tuyến đầu ở tâm dịch còn vất vả hơn nhiều. Ở chốt trực tuy vất vả nhưng vui vì có thêm nhiều bạn mới, mọi người ở chốt thân thiện, hòa đồng. Tất cả đều có chung quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh”.

Nhằm chia sẻ với lực lượng tại chốt kiểm soát dịch bệnh, Công đoàn ngành Giáo dục TP Cần Thơ kêu gọi nhà giáo chung tay nấu cung cấp suất ăn. Công đoàn ngành đã phối hợp với Sở GD&ĐT, Trường Phổ thông Thái Bình Dương triển khai mô hình nấu ăn hỗ trợ cho lực lượng kiểm soát dịch, với tên gọi “Bếp ấm - Chung tay phòng chống dịch Covid-19”.

Bếp ăn này khởi động từ ngày 29/6 và dự kiến kết thúc vào 31/7, tổ chức nấu ăn 3 buổi/ngày, bao gồm bữa sáng (50 suất), trưa (120 suất) và chiều (80 - 100 suất). Bếp ấm hiện có 19 Công đoàn cơ sở các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố đăng ký tham gia. Mỗi đơn vị cử từ 5 - 10 người, làm việc tại bếp trong 2 ngày cố định theo lịch phân công.

Chia sẻ về nỗ lực của đội ngũ nhà giáo trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết: “Bản thân giáo viên là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Các thầy cô tham gia hoạt động này có giá trị thuyết phục với học sinh rất lớn. Qua đó giáo dục cho thể hệ trẻ có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, với địa phương, đất nước, nhất là những lúc khó khăn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ