Nhà giáo - “chiến binh” trên mặt trận đẩy lùi Covid - 19

GD&TĐ - Trong công cuộc chung đẩy lùi dịch Covid-19, nhà giáo khắp miền đất nước đã thể hiện ý thức trách nhệm cao. Họ tích cực tham gia các hoạt động chống dịch đồng thời vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy.

Ảnh minh hoạ/INT
Ảnh minh hoạ/INT

Nỗ lực hoàn thành mục tiêu kép

Hoàn thành năm học trong điều kiện dịch bệnh là một thách thức không nhỏ đối với tất cả các cấp học, đặc biệt đối với bậc tiểu học. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm, sự hợp tác, ủng hộ của các bậc phụ huynh, các nhà giáo đã hoàn thành nhiệm vụ kép – vừa chống dịch vừa dạy học.

Là giáo viên thuộc địa phương từng là tâm dịch Covid-19, cô Nguyễn Thị Thu Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Võ Cường 2,  TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: Mặc dù dịch bệnh diễn ra phức tạp nhưng việc dạy học của cô trò cũng không dừng lại. Trong suốt thời gian có dịch, nhà trường vẫn tiến hành dạy học online cho học sinh, giao bài tập cho học sinh bằng hình thức giao bài tập qua Zalo, thiết kế những bài kiểm tra qua các phần mềm.

Các thầy cô vẫn miệt mài soạn bài dạy học sinh, tỉ mỉ chữa từng bài tập cho các em mặc dù có cô mắt cũng nhòe đi mỗi lần nhận được bài của học sinh bằng hình ảnh trên điện thoại. Để làm tốt hơn nữa công tác này, trong thời gian tới, cũng rất cần sự đồng lòng của các bậc phụ huynh. Khi các bậc phụ huynh tạo được điều kiện tốt nhất để cô trò được kết nối thì vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, ở bậc Đại học, PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM chia sẻ: Đặc thù của một trường đại học khối ngành sức khỏe là không chỉ tập trung vào công tác đào tạo mà còn phải thực hiện trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cộng động nên trong bối cảnh dịch bệnh, các cơ sở giáo dục có đào tạo ngành Y nói chung và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đang gánh trên vai hai trọng trách rất lớn. Một là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hai là hỗ trợ TP.HCM đẩy lùi dịch bệnh.

Nhưng đây cũng là cơ hội để các giảng viên và học viên sau đại học của Trường được nâng cao tay nghề, tác nghiệp dưới áp lực cao, học hỏi được những kiến thức mới của dịch bệnh Covid-19. Đối với sinh viên, đây sẽ là cơ hội được trải nghiệm môi trường làm việc thực tế, ứng dụng kiến thức, rèn luyện năng lực chuyên môn và sát cánh cùng các nhân viên y tế dày dặn kinh nghiệm.

Đây cũng là một bài kiểm tra về mặt y đức và chuyên môn cho nhân viên y tế và sinh viên ngành Y, nâng cao tinh thần trách nhiệm với sức chăm sóc sức khỏe cộng động.

“Việc cắt cử giảng viên tham gia chống dịch cũng sẽ phục vụ cho công tác giảng dạy sau này vì khi đó các giảng viên đang thực hiện công tác chuyên môn thực tế trước bối cảnh dịch bệnh. Và nhà trường cũng đã điều phối chương trình học cũng như tạm hoãn các kỳ thi theo hướng dẫn của Bộ. Ngoài ra, việc tham gia chống dịch không ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giảng dạy. Nhà trường linh hoạt điều chỉnh và thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh để đảm bảo thời gian và chất lượng đào tạo”, PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp cho hay.

Ảnh minh hoạ/INT
Ảnh minh hoạ/INT

Nhà giáo xung kích chống dịch

Xác định phòng chống dịch bệnh Covid-19 là vụ của cả hệ thống chính trị, ngành Giáo dục đã tuyên truyền, vận động, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức thu xếp công việc chuyên môn, tích cực tham gia công tác phòng chống dịch với nhiều hoạt động khác nhau theo sự phân công, hướng dẫn của các cấp chính quyền và ngành Y tế.

Ông Võ Ngọc Thạch, Phó GĐ Sở GD&ĐT Đồng Nai cho biết: Cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường đã tham gia hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, phục vụ các khu cách ly tập trung, trực chốt kiểm soát, tiêm chủng vắc xin, hậu cần, nhập dữ liệu quản lý tình hình dịch bệnh,…Hiện có 4.331 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục Đồng Nai đang tham gia công tác phòng, chống dịch tại tuyến tỉnh và tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Theo chia sẻ của PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp: Ngay từ thời điểm đầu của đợt dịch lần thứ 4, nhà trường đã gửi thư kêu gọi đến các khoa, phòng, bộ môn để huy động nguồn lực tham gia phòng chống dịch. Đến này, Trường đã huy động được 2006 giảng viên đang hỗ trợ công tác chống dịch.

Các giảng viên, tình nguyện viên tham gia công tác phòng chống dịch đều có tinh thần xung kích chống dịch mạnh mẽ, sẵn sàng tạm gác công việc và gia đình, lên đường tham gia chống dịch.

Trong quá trình tham gia, nhiều giảng viên phải tiếp xúc với những ca F0 từ triệu chứng nhẹ đến trở nặng với khoảng cách rất gần. Nhưng không vì thế mà nao núng hay đòi hỏi bất kỳ điều gì cho bản thân. Trong suốt thời gian tham gia, các bạn luôn toàn tâm, toàn ý mang hết tài năng, trí tuệ của mình sát cánh cùng các nhân viên y tế quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giúp đỡ nhân dân.

Với tâm thế một giáo viên đã từng trải qua những tháng ngày dạy học trong tâm dịch, cô Nguyễn Thị Thu Hạnh chia sẻ: Dịch Covid-19 diễn ra đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân. Mỗi giáo viên của trường tiểu học Võ Cường 2 luôn có ý thức đóng góp công sức của mình cho công tác phòng, chống dịch.

“Tập thể giáo viên nhà tường đã tổ chức quyên góp ủng hộ và kêu gọi phụ huynh, học sinh đóng góp được số tiền 64 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch của Phường Võ Cường và 60 triệu cho quỹ Vắc -xin của Thành phố. Chúng tôi luôn hết lòng, tham gia tình nguyện hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm của Thành phố và của khu dân cư. Giáo viên cũng tình nguyện tham gia ủng hộ cho hoạt động của Câu lạc bộ Nhịp sống trẻ thành phố Bắc Ninh, hỗ trợ công nhân, nhân dân ở các vùng dịch, khu cách li… Mong sao dịch bệnh sớm qua để xã hội trở lại nhịp sống bình thường” – cô Thu Hạnh bộc bạch.

“Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp trên cả nước và địa bàn tỉnh Đồng Nai, ngành Giáo dục đã quán triệt phương châm “chống dịch như chống giặc”, xác định các mục tiêu quan trọng là bảo đảm an toàn trường học, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh; vừa hoàn thành việc chống dịch vừa hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn, dạy-học của ngành” - ông Võ Ngọc Thạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ