Nhà dừa độc nhất vô nhị ở miền Tây

GD&TĐ - Nhà dừa (Cocohome) tọa lạc tại cù lao An Bình (Long Hồ, Vĩnh Long) sở hữu những nét đặc sắc của nhà cổ Nam Bộ.

Nhà dừa được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ cây dừa.
Nhà dừa được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ cây dừa.

Nhà dừa (Cocohome) tọa lạc tại cù lao An Bình (Long Hồ, Vĩnh Long) sở hữu những nét đặc sắc của nhà cổ Nam Bộ. Chủ nhân công trình này đã dành ra gần 10 năm, với bao tâm huyết, chọn lựa 4.000 cây dừa trăm tuổi để tạo dựng nên ngôi nhà mơ ước.

Nâng tầm giá trị cây dừa

Tọa lạc tại cù lao An Bình (xã Hòa Ninh), nhà dừa Cocohome nổi bật với kiến trúc ba gian, hai chái mang đặc trưng truyền thống của vùng đất Nam Bộ. Sự khác biệt và độc đáo của ngôi nhà là được xây dựng hoàn toàn từ thân cây dừa. Ngôi nhà tận dụng các nguyên liệu từ dừa để tạo ra các sản phẩm đặc trưng, vừa tạo điểm nhấn vừa an toàn, thân thiện với môi trường nhưng vẫn mang lại sự sang trọng, trang nhã và tiện nghi.

Nhà dừa được hoàn thiện vào năm 2019 thuộc sở hữu của gia đình ông Dương Văn Thưởng (ngụ xã Hòa Ninh). Ngoại trừ mái ngói, từng chi tiết như bao lam, kèo, cột, vách che, nội thất… đều làm từ gỗ dừa. Theo lời ông Thưởng, từng chi tiết từ nội thất đến ngoại viên Cocohome đều bắt đầu từ ý tưởng của con gái ông.

Để hiện thực hóa, gia đình đã trồng những cây dừa tiểu cảnh từ 6 năm trước khi khởi công xây dựng. Đó cũng là thời gian cả nhà bắt đầu rong ruổi sưu tầm dừa lão (dừa hàng trăm năm tuổi) khắp các tỉnh miền Tây. Cocohome hoàn thành nhờ nỗ lực của đội hình 30 thầy, thợ thi công liên tục trong 1,5 năm.

Tuổi thơ gắn bó với miệt vườn sông nước, vợ chồng ông Dương Văn Thưởng và bà Nguyễn Ngọc Giác (ông bà Tám) mong muốn nâng tầm giá trị cho cây dừa nên quyết tâm xây dựng ngôi nhà độc đáo để ghi dấu ấn.

Giữa thời hiện đại, người người đua nhau xây nhà bê tông cốt thép, nhà cao tầng thì ông bà Tám mong muốn góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của miền sông nước. Vốn sinh ra ở miền Tây, từ nhỏ ông Thưởng đã gắn bó với những hàng dừa thân thuộc của vùng quê.

Xưa nay ít ai chọn cây dừa làm nhà vì phần gỗ dừa khó chế tác, chọn dừa làm gỗ rất công phu… Nhưng theo ông Thưởng, ông hiểu cây dừa, gỗ dừa, vì cây dừa gắn liền từ thời ông bà xa xưa. Khi ông bà qua đời đã để lại nhà cho con cháu sau này, lúc tháo dỡ nhà, mọi thứ vẫn còn nguyên, tốt, cứng. Từ trải nghiệm đó, ông quyết chọn dừa làm toàn bộ công trình.

“Bê tông, cốt sắt đã bình thường quá rồi, tôi muốn làm một thứ độc, lạ hơn bằng gỗ dừa. Cây dừa xuất xứ ở miền Tây, ở đâu cũng có, nhưng từ xưa đến giờ đa số mọi người chỉ biết ăn trái thôi. Tôi muốn tôn vinh, nâng tầm giá trị cây dừa lên cao hơn nữa”, ông Thưởng chia sẻ.

Năm 2009, ông Thưởng bàn bạc với vợ cùng con gái là chị Dương Diệu Hiền, rồi cả gia đình bắt đầu lên ý tưởng, tiến hành quy hoạch khu đất rộng 4.000m2 trồng dừa theo hàng, theo lối để tạo cảnh quan đẹp mắt. Để từng bước hoàn thiện ý tưởng, gia đình đi tìm những cây dừa lão, từ 80 - 100 năm tuổi, mua về làm nhà.

Ông Thưởng cho hay những cây dừa lão không bao giờ bị hư. Muốn có được nguồn nguyên liệu quý hiếm này, phải đi rất nhiều vườn dừa ở các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long… Những cây dừa khi mua về phải đem ngâm nước trong khoảng 1 năm, lột bỏ vỏ, sau đó xử lý thuốc chống mối mọt kỹ lưỡng.

Nhờ đó cây có độ bền rất cao, gỗ dừa khi đã là thành phẩm thì không hề thua kém gì các loại gỗ quý như giáng hương, lim, căm xe. Việc cưa xẻ thân dừa cũng không phải dễ, tùy theo vân gỗ sẽ quyết định xẻ thân theo chiều nào và tất cả đều phải làm thủ công.

Không gian bên trong nhà dừa.

Không gian bên trong nhà dừa.

Nội, ngoại thất được làm hoàn toàn bằng dừa.

Nội, ngoại thất được làm hoàn toàn bằng dừa.

Điểm nhấn kiến trúc vùng sông nước

Điểm nhấn của căn nhà là xây dựng theo kiểu Nam Bộ truyền thống với 3 gian, 2 chái. Cổng chào là những thân gỗ dừa chắc chắn, mái ngói cách điệu được làm từ những chiếc gáo dừa vô cùng đẹp mắt. Gian nhà chính được dựng bởi 36 cây cột dừa; gian giữa bài trí bộ bàn ghế, ấm, tách trà… đều được làm bằng dừa. Đồ vật trong nhà, từ bàn ghế, giường, tủ thờ cũng được chế tác từ dừa.

Nội thất toàn bộ làm bằng gỗ cây dừa; riêng chiếc tủ thờ và mặt chiếc bàn tròn được khảm bằng gáo dừa thay vì ốc xà cừ. Trước hiên nhà, chủ nhân chọn bốn gốc dừa lão to nhất, đẹp nhất để tạo hình bốn bức tượng Phúc - Lộc - Thọ và Phật Di lặc. Để hoàn thành quần thể nhà dừa, nội thất, ngoại thất phải tốn khoảng 4.000 cây dừa với tổng kinh phí gần 6 tỉ đồng.

Những gốc dừa lão tưởng như vô tri nằm lăn lóc ở góc vườn, thế nhưng qua bàn tay đầy tài hoa của các nghệ nhân, đã mang trong mình hình hài, dáng dấp và giá trị mới. Ngoài căn nhà chính 2 gian, 3 chái làm điểm nhấn, nhà dừa còn rất nhiều điểm tham quan khác như các điểm dừng chân, hồ cá, vườn lan mà chậu trồng lan là những gáo dừa được chạm khắc tinh xảo, chi tiết.

Quần thể nhà dừa tạo nên không gian sống vô cùng độc đáo, gần gũi, gắn bện với thiên nhiên. Chủ nhân xem đó là niềm vui, hạnh phúc khi hoàn thành được tâm nguyện lớn nhất: Cocohome không chỉ là nơi ở, sinh hoạt, thờ tự, gia đình còn muốn giới thiệu đến mọi người giá trị to lớn của cây dừa.

Những năm gần đây, gia đình ông Thưởng mở tham quan quần thể nhà dừa cho khách tới chiêm ngưỡng, lan tỏa hình ảnh đẹp của quê hương tới bạn bè trong nước và quốc tế. Nhà dừa không chỉ nổi tiếng trong vùng cù lao An Bình, mà còn thu hút du khách gần xa.

Đờn ca tài tử phục vụ du khách tại nhà dừa.

Đờn ca tài tử phục vụ du khách tại nhà dừa.

Khuôn viên xanh mát của nhà dừa.

Khuôn viên xanh mát của nhà dừa.

Tại các tỉnh miền Tây, nhà cổ Nam Bộ kiến trúc đẹp không hiếm, nhưng nhà dừa hiện nay là nét độc đáo, khiến nhiều du khách bất ngờ. “Nhiều bạn bè, người thân của tôi đã đến tham quan, trải nghiệm nhà dừa nên giới thiệu rộng rãi hơn địa chỉ này.

Đến ngôi nhà, ấn tượng ban đầu là nhà dừa rất bề thế, chất liệu gỗ dừa cứng, đẹp không thua các loại gỗ quý. Điều ngạc nhiên nhất là tất cả vật dụng trong nhà, cho đến đồ trang trí nội thất, hoành phi, câu đối đều được làm từ cây dừa rất khéo léo.

Giữa không gian sông nước miệt vườn, ngôi nhà kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Nam Bộ và chất liệu từ cây dừa quen thuộc nên rất thân thiện. Bước vào nhà dừa, du khách có cảm giác thoải mái, yên bình, không gian thoáng đãng, mát mẻ”, chị Lê Thúy An, du khách đến từ TP Cần Thơ vui vẻ chia sẻ cảm nhận.

Theo chị Dương Diệu Hiền, trước đây, chị làm du lịch tại địa phương. Với mong muốn tạo điểm nhấn và giữ chân du khách, chị và gia đình quyết định xây dựng ngôi nhà dừa độc lạ này. Tất cả các ý tưởng được chị Hiền phác thảo trên giấy, từng chi tiết được vẽ đi vẽ lại cho đến khi nào vừa ý mới bắt tay vào xây dựng.

Từ xưa, dừa vốn là loại cây thân thuộc với người dân miền Tây. Tuy nhiên hiếm thấy ai lấy gỗ dừa xây cất nhà do đặc tính gỗ của loại cây này khá đặc biệt. Đường vân trên từng thớ gỗ dừa sang trọng, bắt mắt không thua kém các loại gỗ quý. Chính từ những ý tưởng độc đáo, sự chăm chút, tỉ mỉ đã tạo dựng nên không gian đặc sắc mang nhiều giá trị nghệ thuật, điểm nhấn du lịch văn hóa cho tỉnh Vĩnh Long.

Ông Nguyễn Xuân Hoanh, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Vĩnh Long, đánh giá, dù là điểm du lịch mới nổi, nhưng chính ý tưởng, sự sáng tạo của chủ nhân căn nhà dừa đã tạo nên ấn tượng và điểm nhấn gây sức hút để nhà dừa trở thành điểm du lịch đặc sắc của cù lao An Bình nói riêng, của tỉnh Vĩnh Long nói chung.

Ngày 7/6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long có Quyết định công nhận Điểm du lịch cấp tỉnh cho Nhà dừa Cocohome. Điểm du lịch Nhà dừa Cocohome có tổng diện tích 6.076,2m², với khuôn viên mát mẻ, không khí trong lành, nhiều cây ăn trái ven các ao hồ như vườn nho, vườn dâu, vườn chôm chôm… phục vụ nhu cầu tham quan vườn trái cây, ẩm thực, tát mương bắt cá, đạp xe… của du khách. Đặc biệt thời gian qua, cơ sở kết hợp cùng người dân địa phương phát triển du lịch với nghề truyền thống cốm, kẹo; trình diễn và cho khách trải nghiệm quy trình chế biến và thưởng thức cốm, kẹo tại chỗ; đầu tư, chế tác nhiều đồ lưu niệm bằng dừa và các sản phẩm thủ công… tạo nét độc đáo thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.