Xin lỗi trên mạng xã hội
Trên Facebook của Nhà đấu giá Chọn viết: Nhà đấu giá Nghệ thuật Chọn khẳng định bức tranh lụa tại Lot 21 phiên đấu giá số 15 không phải là tranh của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương và chính thức loại bỏ tư cách Lot đấu 21 phiên đấu giá số 15 trong lịch sử giao dịch của Chọn. Chúng tôi đã gửi thông báo chính thức về vụ việc này tới ông Phạm Việt Phương, nhà sưu tầm đang sở hữu bức tranh lụa đồng thời sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản hồi về thông báo này từ các bên có liên quan.
Nhà đấu giá Chọn thành thật xin lỗi tới gia đình cố họa sĩ Vũ Giáng Hương, các họa sĩ, nhà sưu tầm và công chúng yêu nghệ thuật vì đã để xảy ra sự cố đáng tiếc này.
Ngày 29/7/2018, Nhà đấu giá Chọn đem bức tranh lụa chân dung bé gái, kích thước tranh 50x40cm, tên tác phẩm: “Con gái nhà văn Dương Thu Hương”, tác giả Vũ Giáng Hương, thuộc sở hữu của Nhà sưu tầm Phạm Việt Phương bổ sung vào danh sách tác phẩm đấu giá trong phiên đấu số 15: Lot 21 với mức giá khởi điểm 70 triệu đồng (3.000 USD). Tuy nhiên, bức tranh không được giao dịch và đã được trả lại cho Nhà sưu tầm Phạm Việt Phương sau phiên đấu.
Ngày 3/9/2018, họa sĩ Nguyễn Văn Đông (tài khoản facebook Nguyễn Đông Đông) đã đăng tải lên facebook cá nhân nội dung khẳng định bức tranh lụa được đấu giá ở lot 21 phiên đấu giá số 15 tại Nhà đấu giá Chọn không phải tranh của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương, mà là một bức tranh chép lại từ tác phẩm của anh.
Đây là lần thứ hai Chọn huỷ tư cách Lot đấu. Trước đây vào tháng 5/2017, Lot 18 phiên đấu giá số 3 được cho là giả tranh của họa sĩ Đặng Xuân Hoà, bức này được phát hiện ra ở giai đoạn trưng bày và không được đưa ra đấu giá. Tuy nhiên, nội dung bức tranh đã được in trong catalogue của Chọn. Khi đó, Nhà đấu giá Chọn cũng đã chính thức gửi lời cảm ơn tới họa sĩ Đặng Xuân Hoà cùng gia đình đã giúp phát hiện ra sự việc trước khi tranh được đưa ra đấu giá.
Liên quan đến vụ việc, họa sĩ Nguyễn Văn Đông cho biết: Cách đây khoảng 8 tháng, anh nhận lời vẽ một bức chân dung sơn dầu bé gái theo đơn đặt hàng của gia đình chị Phạm Quỳnh (Hà Nội), nhân vật trong tác phẩm là bé Bảo Khánh, con gái chị Phạm Quỳnh.
Vào tháng 4/2018, họa sĩ Nguyễn Văn Đông cho phép một bạn sinh viên nữ Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tên là Bùi Thị Hằng (tài khoản facebook Surry Hằng) chuyển thể bức chân dung bé Bảo Khánh từ sơn dầu sang lụa để làm bài tập chuyên khoa tại trường.
Đến tháng 7/2018, họa sĩ Nguyễn Văn Đông phát hiện bức tranh lụa do Surry Hằng chuyển thể được kí tên “g Hương 95” thuộc sở hữu của Nhà sưu tầm Phạm Việt Phương và nằm trong danh sách đấu giá phiên số 15 tại Nhà đấu giá Chọn.
Người trong cuộc lên tiếng
Trước thông báo của Chọn thừa nhận bức tranh là giả, họa sẽ trẻ Nguyễn Văn Đông chưa cảm thấy hài lòng. Anh cho biết: “Tôi thật sự không hài lòng với Nhà đấu giá Chọn trong thời gian qua. Sự việc xảy ra tranh chấp, tôi chỉ là người đứng ra làm chứng, chứng minh, làm rõ về bức tranh lụa vẽ bé Bảo Khánh của tôi. Đồng thời cũng giúp Nhà đấu giá Chọn minh bạch trước sự việc này, thế nhưng đến bây giờ tôi chưa nhận được một lời xin lỗi nào của Nhà đấu giá Chọn. Thông báo của Chọn trên Facebook mới chỉ là công nhận sự việc trên là giả mạo chứ chưa phải là lời xin lỗi tôi”.
Trước cách làm của Chọn, một bạn yêu nghệ thuật với nick Kiếm Lâm chia sẻ: Tôi thấy một lời xin lỗi vẫn là chưa đủ qua sự việc vừa rồi. Theo tôi các bạn Chọn nên tổ chức buổi gặp mặt chính thức với báo chí, có đủ các đại diện, anh Phương sưu tập, em Hằng vẽ bức lụa, Đông vẽ bức sơn dầu cùng các nhà báo, họa sĩ, các nhà sưu tập và yêu nghệ thuật quan tâm. Buổi gặp đó các anh nói một lời xin lỗi thì quá quý, nhưng cái chính vẫn là đi đến cùng sự thật thể hiện thực sự Chọn cầu thị và việc bức tranh lụa kia vượt qua vòng “thẩm định” để ra đấu giá chỉ là “tai nạn nghề nghiệp”. Vì đến giờ, mọi người vẫn hoài nghi, Chọn có biết bức tranh kia là giả nhưng vẫn mang ra đấu giá hay không, hay Chọn lại chính là đồng phạm? Ai là người ký giả chữ ký, ai là chủ mưu của vụ này? Nhà sưu tập Phương nói gì? Như thế Chọn mới thực sự làm mọi người yêu nghệ thuật thấy được niềm tin vào một hoạt động kinh doanh nghệ thuật mới mẻ và đặc thù như Chọn nói...”.