Bài toán tìm thầy cho tay vợt nữ số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh vẫn chưa có lời giải. Nhưng vấn đề không chỉ là thiếu kinh phí, mà còn nằm ở chiến lược phát triển. Những con số tính theo giai đoạn ngắn hay chạy theo mỗi giải đấu không phải là thứ tay vợt sinh năm 1997 này thực sự cần.
Đừng mãi đi theo lối mòn
Cầu lông Việt Nam từng đạt được những thành tích nổi bật tại đấu trường quốc tế, nhưng đó là câu chuyện của hơn 10 năm trước. Nguyễn Tiến Minh, tay vợt đầu tiên và duy nhất đến bây giờ của Việt Nam xếp hạng 4 thế giới vào năm 2010, đồng thời anh cũng là chủ nhân của tấm Huy chương Đồng thế giới năm 2013, đánh dấu kỷ lục mà một tay vợt Việt Nam giành được trên đấu trường quốc tế.
Trong giai đoạn đỉnh cao, vận động viên sinh năm 1983 của Việt Nam thường xuyên tham dự các giải đấu hàng đầu thế giới, duy trì được vị trí ổn định trong tốp 10 tay vợt mạnh nhất.
Tuy nhiên, đằng sau những mốc son mà Tiến Minh tạo dựng ở sân chơi thế giới, cũng như mang về cho cầu lông Việt Nam lại hé mở rất nhiều bài học, từ ý chí, theo đuổi đam mê cho đến kế hoạch đào tạo, đầu tư thiếu chiều sâu của ngành Thể thao.
Tiến Minh theo cầu lông từ năm 10 tuổi để rèn luyện sức khỏe, chứ không phải định hướng theo chuyên nghiệp. Từ sân chơi phong trào, bằng tài năng và nghị lực, Tiến Minh tự tay mở cánh cửa đội tuyển cầu lông TPHCM (1997) và đội tuyển quốc gia năm 2000.
Mặc dù vậy, Tiến Minh như cánh én đơn độc chỉ có cho mình điều kiện cần, đó là đam mê, tài năng được vun đắp theo thời gian, chứ anh không hội tụ đủ yếu tố để giành được nhiều hơn nữa vinh quang, xứng đáng với tiềm năng vốn có.
Nhiều giải đấu, anh không có huấn luyện viên bởi thiếu tiền, chiến lược đầu tư chưa đúng tầm của ngành Thể thao. Những hình ảnh xúc động và còn nguyên tính thời sự là cảnh Tiến Minh và bạn gái Vũ Thùy Trang tự chăm sóc, “chỉ đạo” lẫn nhau ở Olympic Rio 2016. Cả 2 đến Brazil năm đó đều không có huấn luyện viên.
Đến giờ, Tiến Minh được coi là trường hợp thành công kỳ lạ của cầu lông Việt Nam, đồng thời cũng là tài năng hiếm có bị lãng phí. Hơn 10 năm qua, tính từ tấm Huy chương Đồng thế giới 2013 của anh, chúng ta không còn đạt được những thành tích nổi bật ở sân chơi thế giới.
Trong quãng thời gian đó, cầu lông Việt Nam chỉ đau đáu câu hỏi, bao giờ có một Tiến Minh thứ 2? Rất nhiều gương mặt trẻ được kỳ vọng, song đến nay chưa có tay vợt nam nào đủ sức tiếp bước đàn anh huyền thoại. Ở giải quốc nội, những Hải Đăng, Tiến Tuấn, Đức Phát… chưa thể khuất phục hoàn toàn Tiến Minh đã bước qua tuổi 40.
Nhắc nhiều đến Tiến Minh cũng là đặt ra câu chuyện chiến lược đầu tư trước khi quá muộn với Nguyễn Thùy Linh, tay vợt nữ số 1 của Việt Nam hiện nay. Sau cột mốc giành vé tham dự Olympic Tokyo 2020 (diễn ra năm 2021), Thùy Linh đã thể hiện sự tiến bộ rất nhanh và ấn tượng.
Năm 2023, cô chạm đến những thành tích khó quên như tay vợt nữ Việt Nam đầu tiên lọt top 20 trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Cầu lông thế giới. Đặc biệt, cô gái sinh năm 1997 đã đánh bại nhiều đối thủ tên tuổi như Carolina Marin (Tây Ban Nha, hạng 5 thế giới) hay Gregoria Tunjung (Indonesia, hạng 8 thế giới) tại Lining China Master, giải đấu nằm trong hệ thống World Tour Super 750.
Bước sang năm 2024, Thùy Linh bị loại ngay từ vòng 1 của 2 giải đấu là Ấn Độ mở rộng và Indonesia Master. Tuy nhiên, nữ vận động viên quê Phú Thọ bằng ý chí ngoan cường đã nhanh chóng chứng tỏ tài năng khi giành ngôi Á quân giải Đức mở rộng, thành tích cao nhất của cô ở hệ thống Super 300.
Trên đường tiến vào chung kết, tay vợt Việt Nam đã đánh bại nhiều đối thủ sừng sỏ như cựu số 1 thế giới Ratchanok Intanon (Thái Lan, hạt giống số 3) và Kim Ga-eun (Hàn Quốc, hạt giống số 2). Nhưng mới đây, Thùy Linh dừng chân ngay vòng 1 nội dung đơn nữ giải cầu lông Pháp mở rộng 2024, để thua trước đối thủ có thứ hạng thấp hơn Wen Chi-hsu (Đài Loan - Trung Quốc).
Nhìn lại hành trình của cô gái “vàng” cầu lông Việt Nam, bên cạnh vấn đề thể lực do “cày ải” liên tục thì việc không có huấn luyện viên đi cùng, kịp thời nắm bắt và điều chỉnh chiến thuật chính là nguyên nhân khiến Thùy Linh thi đấu thất thường.
Đơn cử như tại trận chung kết giải Đức mở rộng vừa qua, Thùy Linh “đơn thương độc mã” đấu với Mia Blichfeldt (Đan Mạch) có 2 huấn luyện viên. Vậy nên, tay vợt Việt Nam tỏ ra lúng túng, không có cách ứng phó trước lối chơi nhanh, mạnh mẽ của đối thủ dẫn đến cô đánh hỏng rất nhiều. Mỗi khi giải lao, Thùy Linh lủi thủi một mình, trong khi đối thủ vừa có người chăm sóc sức khỏe vừa có người chỉ đạo chiến thuật.
Thùy Linh và Mia Blichfeldt nhận giải sau trận chung kết Đức mở rộng 2024. Ảnh: ITN |
Cần một chiến lược dài hơi
Sau trận chung kết Đức mở rộng 2024, trên nhiều diễn đàn, cũng như một số nhà chuyên môn cho rằng, nếu có huấn luyện viên đi cùng hỗ trợ, Nguyễn Thùy Linh sẽ có trạng thái thi đấu tốt hơn, không thua khá dễ trước Mia Blichfeldt, bởi chung kết vốn là cuộc chiến cả chuyên môn lẫn tâm lý và ý chí.
Chỉ có điều, việc tay vợt số 1 Việt Nam thi đấu nước ngoài không có huấn luyện viên đã tồn tại, kéo dài qua rất nhiều giải đấu mà chưa tìm được giải quyết triệt để.
Nếu bảo Thùy Linh không có thầy cũng không đúng. Đơn cử, đầu năm 2024, cô đã dự Ấn Độ Open vàIndonesia Masters, đều sớm dừng bước ở vòng 1 dù có huấn luyện viên đi kèm. Hay ở China Masters vào tháng 11/2023, Thùy Linh có sự đồng hành của huấn luyện viên Ngô Trung Dũng.
Đến giải Đức mở rộng, người xuất hiện bên ngoài “chỉ đạo” Thùy Linh là Lauren Lam, tay vợt thất bại trước vận động viên của Việt Nam tại vòng 1/8 trước đó. Lauren Lam đã hỗ trợ tích cực để tay vợt Việt Nam vượt qua tứ kết, bán kết, nhưng đến chung kết thì Lauren Lam không còn ở lại.
Trước đó, tại giải Cầu lông Phần Lan mở rộng (tháng 10/2023), Thùy Linh không có huấn luyện viên và nhận được sự hỗ trợ của một huấn luyện viên người Thái Lan có học trò tham dự giải đấu này.
Trước tình trạng “thất thường” về vị trí huấn luyện viên của tay vợt số 1 Nguyễn Thùy Linh, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam đã lên tiếng giải thích rõ hơn. Theo đó, cầu lông Việt Nam có thuê chuyên gia nhưng để huấn luyện cả đội tuyển chứ không riêng Nguyễn Thùy Linh.
Nếu có huấn luyện viên hay chuyên gia đi cùng khi thi đấu quốc tế, kinh phí sẽ tăng lên gấp đôi trong khi nguồn kinh phí có hạn. Vậy nên, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam bàn bạc với Nguyễn Thùy Linh và với kinh phí hiện nay, ưu tiên hàng đầu dùng trang trải cho cá nhân cô đi thi đấu các giải quốc tế. Trong trường hợp Thùy Linh tham dự Olympic hay các giải vô địch châu Á, SEA Games,... sẽ bố trí huấn luyện viên đi cùng.
Ông Lê Thanh Hà - Tổng thư ký Liên đoàn Cầu lông Việt Nam cho biết thêm: “Ưu tiên trên hết về chuyên môn là chúng tôi tập trung để chuyên gia và ban huấn luyện rèn chuyên môn cho Thùy Linh, Đức Phát, Hải Đăng bởi họ đang trong giai đoạn quan trọng dự giải quốc tế nhằm tích điểm cá nhân để có xếp hạng tốt tranh tấm vé Olympic.
Nhưng cầu lông Việt Nam còn tính kế hoạch xa là phát triển cho vận động viên trẻ, chuyên gia là người đồng hành với chiến lược này. Đội tuyển cầu lông Việt Nam hiện có chuyên gia người Indonesia Hariawan Hong. Trên hết vẫn là nguồn lực đầu tư. Chúng tôi nỗ lực tìm kiếm thêm các nguồn xã hội hóa từ Liên đoàn để người được lợi nhất là vận động viên”.
Qua tìm hiểu, môn cầu lông được cấp ngân sách khoảng 85.000 USD ở năm hoạt động 2024. Nếu với kinh phí ấy, chỉ dành riêng cho Nguyễn Thùy Linh dự đủ hết các giải quốc tế trong năm còn chưa đủ.
Hiện tại, một chuyên gia có tên tuổi, trình độ có mức lương khoảng 10 - 15 nghìn USD/tháng và nếu thuê riêng một huấn luyện viên đi cùng Thùy Linh chi phí sẽ tăng rất nhiều, cầu lông Việt Nam không thể trả được.
Vì thế, môn cầu lông còn cần thêm nguồn lực xã hội hóa do Liên đoàn Cầu lông Việt Nam kêu gọi cũng như những đơn vị chủ quản của các vận động viên, cụ thể như Đồng Nai của Thùy Linh chung tay phối hợp.
Khó khăn về kinh phí ai cũng dễ dàng nhận ra bởi điều này đã tồn tại hàng chục năm, từ giai đoạn đầu Nguyễn Tiến Minh khoác áo đội tuyển quốc gia cho đến bây giờ, cụ thể là Nguyễn Thùy Linh.
Thực tế, ngành Thể thao Đồng Nai đã đầu tư để vận động viên của mình tham dự được giải đấu, tích lũy thêm điểm nhằm cải thiện thứ hạng, điều kiện để được vào vòng đấu chính các giải đấu danh giá. Tuy nhiên, đã đến lúc ngành Thể thao phải xác định Nguyễn Thùy Linh là tài năng hiếm có.
Cô cần và xứng đáng nhận được đầu tư đặc biệt, chứ không chỉ đầu tư trọng điểm bởi đây vẫn theo kiểu dàn trải ở mức độ cao hơn với nhóm vận động viên có khả năng đi Olympic, hoặc theo “mùa vụ”, trước mỗi giải đấu lớn.
Tay vợt trẻ Phạm Hồng Nam mới đây đã chia sẻ ý kiến có thể gây “tranh cãi”. Theo Nam, “với trình độ của Linh hiện tại thì ở Việt Nam khá ít huấn luyện viên đủ trình độ cũng như chuyên môn để có thể chỉ đạo Linh xoay chuyển tình thế.
Đa phần chỉ là cổ vũ tinh thần thôi. Nên là việc có huấn luyện viên thì cũng tốt hơn được phần nào và không có thì cũng ảnh hưởng nhỏ thôi”. Nhưng nhìn lại câu chuyện tìm thầy cho Nguyễn Thùy Linh hơn một năm qua thì những vấn đề Phạm Hồng Nam đặt ra là đúng.
Bài toán kinh phí cần sớm có lời giải. Muốn thế, ngành Thể thao phải vào cuộc và có lộ trình cụ thể. Có tiền mới có chuyên gia tài năng, đó là chưa kể những vấn đề về y tế, dinh dưỡng. Đó là điều tay vợt số 1 Việt Nam cần, chứ không chỉ là huấn luyện viên đi cùng.
Với vị trí 22 thế giới, theo bảng xếp hạng giữa tháng 3 này, Nguyễn Thùy Linh gần như đã chắc suất dự Olympic Paris 2024. Dù vậy từ nay đến khi vòng loại kết thúc vào cuối tháng 4, tay vợt Việt Nam vẫn tham dự nhiều giải đấu nữa với mục tiêu cải thiện thứ hạng để vào nhóm hạt giống vòng bảng, qua đó dễ có vé đi sâu tại Thế vận hội năm nay.