Nguyên tắc cốt lõi tổ chức thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Các nguyên tắc cốt lõi tổ chức thi tốt nghiệp THPT được Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương chia sẻ.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương phát biểu tại hội thảo.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương phát biểu tại hội thảo.

Đây là một nội dung tại Hội thảo công tác đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 11/3.

Cụ thể, tổ chức thi tốt nghiệp THPT dựa trên 4 nguyên tắc cốt lõi.

Nguyên tắc thứ nhất là bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy định của pháp luật của nhà nước, của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) liên quan về công tác tổ chức thi bảo đảm tổ chức thi và và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Cụ thể: Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học” (theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 4/11/2013).

Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học” (theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội).

Sớm nghiên cứu, công bố Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo sự đồng thuận của xã hội” (theo Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 10/9/2023 của Chính phủ).

Nguyên tắc thứ hai là bám sát các quy định liên quan đến thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học hiện hành. Cụ thể:

Thứ nhất: Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT (theo Luật Giáo dục số 43/2019/QH14).

Thứ hai: Quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn bao gồm ban hành, tổ chức thực hiện tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật (Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14 quy định).

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Nguyên tắc thứ ba là bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT 2018: Giáo dục THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, bảo đảm học sinh được tiếp cận nghề nghiệp, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

Chương trình GDPT 2018 cũng quy định: Bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ giữa đổi mới các kỳ thi quốc gia với kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình dạy học; đồng bộ với lộ trình tự chủ giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Nguyên tắc thứ tư là kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý báu tích lũy được trong giai đoạn 2015 - 2023. Chủ động tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu và kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT.

Theo đó, về phương thức tổ chức thi: Tổ chức chung một đợt thi trên phạm vi cả nước, thi chung đề, chung đợt, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở GDPT và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.

Về hình thức thi: Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Việc tổ chức thi trắc nghiệm ở đa số các môn đã tiết kiệm thời gian thi, coi thi và chấm thi bảo đảm cho kết quả khách quan hơn.

Về xét công nhận tốt nghiệp: Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với kết quả của kỳ thi tốt nghiệp bảo đảm thiết thực, hiệu quả

Về phân cấp và phân nhiệm: Tăng cường chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT đồng bộ với phân cấp trách nhiệm trong tổ chức thi đã tạo cơ chế thuận lợi cho các địa phương nâng cao trách nhiệm và phát huy tính chủ động, linh hoạt trong quản lý, chỉ đạo, tổ chức thi, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học.

Về ứng dụng công nghệ thông tin: Việc ứng dụng hiệu quả, mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các khâu tổ chức thi của những năm qua đã góp phần quan trọng bảo đảm công bằng và chính xác, thuận lợi cho thí sinh.

Giảm số Kỳ thi quốc gia trong năm: Công tác tổ chức Kỳ thi đã được đổi mới theo hình thức gọn nhẹ hơn, thí sinh được thi tại địa phương; không phải dự thi nhiều đợt thi như trước đây, nên đã giảm áp lực, tốn kém cho gia đình, học sinh và xã hội.

Tại hội thảo, ông Huỳnh Văn Chương đồng thời chia sẻ về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với các nội dung: Phương án tổ chức thi; nội dung thi; hình thức thi; phương thức xét công nhận tốt nghiệp; phân cấp, phân quyền tổ chức thi.

Xem chi tiết phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Quyết định 4068/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2023 TẠI ĐÂY.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.