Khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xây dựng phương án thi TNTHPT từ 2025

GD&TĐ - 9 tập thể, 27 cá nhân có thành tích xuất sắc xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân.

Ngày 28/2/2024, Bộ GD&ĐT có Quyết định số 661/QĐ-BGDĐT về việc tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 9 tập thể và 27 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng phương án thi và cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 2/2024 của Bộ GD&ĐT, các tập thể, cá nhân cơ quan Bộ GD&ĐT đã được trao Bằng khen theo Quyết định số 661/QĐ-BGDĐT.

Chiều 11/3, trong khuôn khổ chương trình Hội thảo công tác đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018, 6 tập thể, 19 cá nhân còn lại được Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao tặng Bằng khen.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân.

Chúc mừng các tập thể và cá nhân được nhận bằng khen của Bộ trưởng, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, giải pháp thứ 3 là đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan.

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 88/2014/QH13, Bộ GD&ĐT đã mời các chuyên gia, nhà khoa học, thầy cô giáo, đại diện một số sở GD&ĐT xây dựng phương án thi; tiếp đó là cấu trúc định dạng đề thi.

Xác định đây là công việc hết sức khó khăn vì tác động đến xã hội, học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo trong quá trình dạy học ở trường phổ thông, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên sư phạm…, Bộ GD&ĐT đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến thực nghiệm...

Kết quả, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025; sau đó là cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa cho cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được Bộ GD&ĐT công bố và được dư luận, xã hội đồng thuận, đánh giá cao.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội thảo.

Trước đó, phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được ban hành kèm theo Quyết định 4068/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2023.

Theo đó, tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thí sinh thi 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Đối tượng dự thi là người học đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong năm tổ chức thi hoặc đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT và có nguyện vọng dự thi để được công nhận tốt nghiệp THPT. Người học đã có Bằng tốt nghiệp THPT hoặc đã có Bằng tốt nghiệp Trung cấp có nguyện vọng dự thi để lấy kết quả làm cơ sở xét tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Phương thức xét công nhận tốt nghiệp kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Sau đó, thực hiện Kế hoạch số 1780/KH-BGDĐT ngày 27/10/2023 về việc xây dựng cấu trúc và định dạng đề thi cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT đã thành lập Hội đồng xây dựng cấu trúc định dạng đề thi phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Theo đó, Hội đồng đã xây dựng cấu trúc định dạng đề thi của 17 môn học, gồm: Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung), Hoá học, Vật lý, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ (Công nghệ Công nghiệp và Công nghệ Nông nghiệp).

Đề minh họa theo cấu trúc định dạng mới đã được thử nghiệm tại các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Gia Lai, Thái Nguyên với khoảng gần 5.000 học sinh.

Kết quả thử nghiệm cấu trúc định dạng đề thi đã được tiến hành phân tích theo lý thuyết khảo thí cổ điển và hiện đại theo khuyến nghị của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa kỳ (ETS) tại đợt tập huấn toàn quốc cho hơn 3500 cán bộ, giảng viên, giáo viên thuộc 63 Sở GD&ĐT và 12 cơ sở giáo dục đại học từ 11-17/12/2023.

Trên cơ sở phân tích kết quả thử nghiệm, Bộ GD&ĐT đã mời các chuyên gia (là tác giả Chương trình GDPT 2018, tác giả sách giáo khoa, giảng viên và giáo viên có nhiều kinh nghiệm) làm việc tập trung để hoàn thiện cấu trúc định dạng đề thi cùng đề minh họa.

Cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và đề minh họa cho cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được Bộ GD&ĐT công bố ngày 29/12/2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.