Nguyên tắc “4 đúng” giúp ôn tập tốt Lịch sử khi thi trắc nghiệm

GD&TĐ - Thầy Lê Quan Tuấn - giáo viên trường THPT Đại Ngãi (Sóc Trăng) - cho rằng, khi ôn luyện môn Lịch sử, để giúp người học làm bài trắc nghiệm khách quan có hiệu quả cần phải tuân thủ “nguyên tắc 4 đúng".

Nguyên tắc “4 đúng” giúp ôn tập tốt Lịch sử khi thi trắc nghiệm

Nguyên tắc này được thầy Lê Quan Tuấn phân tích cụ thể như sau:

Đúng nội dung quy định

Trong muôn vàn kiến thức lịch sử, đòi hỏi người dạy và cả người học phải biết chắt lọc kiến thức sao cho phù hợp với yêu cầu giáo dục trung học phổ thông. Do đó tốt nhất, khi ôn luyện phải bám sát, không xa rời nội dung theo quy định, lấy đó làm khuôn khổ ôn luyện cũng như ra đề trắc nghiệm khách quan.

Đúng chương trình

Với nội dung này, thầy Tuấn làm rõ là khi ôn luyện trắc nghiệm khách quan, cần tôn trọng khung phân phối chương trình. Cụ thể:

Đối với nội dung không giảm tải: Phải chú trọng ôn luyện tất cả những kiến thức đúng quy định (có thể mở rộng thêm kiến thức liên quan miễn là phù hợp).

Đối với nội dung giảm tải theo yêu cầu “đọc thêm sách giáo khoa”: Chỉ chú trọng chắt lọc những kiến thức quan trọng nhất để ôn luyện.

Đối với nội dung giảm tải theo yêu cầu “không dạy”: Ta không nhất thiết ôn luyện những kiến thức thuộc về phần này. Vì theo nguyên tắc đề kiểm tra, đề thi sẽ không có các câu hỏi thuộc phần nội dung giảm tải này.

Đúng yêu cầu và mục tiêu của từng kỳ thi, kiểm tra

Tùy theo từng bài kiểm tra mà có cách ôn luyện sao cho phù hợp với yêu cầu và mục tiêu của chúng. Chẳng hạn, bài kiểm tra 1 tiết thì có thể ôn luyện mức độ thấp hơn bài kiểm tra học kỳ, bài kiểm tra học kỳ thì có thể ôn luyện ở mức độ nhẹ hơn bài thi tốt nghiệp THPT hay bài thi đại học...

Đúng những yêu cầu của đề thi, đề kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan

Khi ôn luyện, người dạy cần phải nắm bắt được những yêu cầu quan trọng của việc ra đề thi, đề kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan sao cho việc ôn luyện và việc ra đề thống nhất được với nhau. Tránh tình trạng “người ôn luyện một đằng, người ra đề một nẻo ” sẽ ảnh hưởng không tốt tới kết quả kiểm tra, đánh giá người học.

Từ đó cho thấy, việc ôn luyện và việc ra đề, cũng như người ôn luyện và người ra đề có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nhất là đối với trắc nghiệm khách quan.

“Không chỉ việc ôn luyện phải đúng với chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng, nội dung sách giáo khoa và khung chương trình mà việc ra đề cũng phải phù hợp với chúng” - thầy Lê Quan Tuấn lưu ý thêm.

"Trắc nghiệm khách quan đối với môn Lịch sử là phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng hệ thống câu hỏi có nội dung trong môn học Lịch sử mà đáp án của chúng mang tính chất khách quan, không phụ thuộc hoặc ít phụ thuộc vào ý thức của người kiểm tra" - thầy Lê Quan Tuấn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ