Hướng tới giáo dục mở
Tại Đại hội 9 của Đảng đã chỉ rõ rất rõ là phải hướng tới từ giáo dục chính quy sang giáo dục mở. Các đại hội sau cũng nhắc đi nhắc lại nhiều lần vấn đề này nhưng nhìn lại chúng ta triển khai chưa nhiều.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - đặt vấn đề: Bây giờ chúng ta phải làm thế nào để người học giáo dục thường xuyên thấy có nhu cầu thực sự, đó là nhu cầu tự thân của người học, nhằm nâng cao trình độ thực sự chứ không phải chỉ để lấy bằng cấp. Và tất nhiên, chúng ta cũng cần chuyển nhận thức từ vị bằng cấp sang nâng cao trình độ thực sự cho người học.
“Trong giáo dục thường xuyên tôi rất muốn gắn với trung tâm học tập cộng đồng, vì trung tâm học tập cộng đồng là một hình thức của giáo dục thường xuyên ở các cộng đồng dân cư” - Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, hiện nay, thống kê nhiều tỉnh đã sáp nhập trung tâm học tập cộng đồng với trung tâm văn hóa, việc sáp nhập này chưa đúng với quy định. Vì mỗi một trung tâm có chức năng khác nhau. Vì thế cần phải xem xét và điều chỉnh lại vấn đề này.
Cũng theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, tại một hội nghị gần đây về học tập suốt đời, người cao tuổi lên tiếng rất mạnh mẽ về nhu cầu học tập của mình, người ta học để tiếp tục hoàn thiện mình, học để giáo dục con cháu, học để nâng cao kỹ năng sống của người già, kỹ năng ứng xử với biến đổi khí hậu, với những thay đổi trong cuộc sống.
Đẩy mạnh công tác truyền thông
“Tôi muốn vấn đề của trung tâm học tập cộng đồng phải đưa lên nhóm vấn đề giáo dục người lớn. Chính trung tâm học cộng đồng là nơi giúp họ thỏa mãn nhu cầu học tập.
Vậy thì tại sao chúng ta không truyền thông những nội dung này, về giáo dục thường xuyên và giáo dục từ xa để người dân hiểu. Bởi khi mọi người hiểu được khái niệm, hiểu được những việc mà mình làm thì mới có thể làm theo” - nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chia sẻ.
Đề cập đến vấn đề liên thông với giáo dục chính quy và không chính quy, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan – trao đổi: Có một thời gian người ta kỳ thị giáo duc tại chức. Tuyển dụng phải tuyển người học chính quy, không quan tâm đến tại chức, cử tuyển. Sau đó, Đảng, nhà nước mới thấy, hình thức giáo dục thường xuyên rất là ổn – chính là hình thức đào tạo của các trường đại học.
Và từ chỗ chúng ta kỳ thị bằng tại chức nay chúng ta đã coi bằng tại chức tương đương với bằng chính quy. Nhưng chúng ta phải nghiên cứu chất lượng, hình thức đào tạo, nội dung đào tạo hình thức này.
Cho nên không dễ gì mà trong Nghị quyết từ đại hội 9 đã nêu: Cần phải dần tiến tới chuyển đổi giáo dục thường xuyên sang hệ thống giáo dục mở. Như vậy, giáo dục thường xuyên sẽ phải tiếp cận với hệ thống chính quy.
Trước thực trạng trung tâm ngoại ngữ mọc lên như nấm, kể cả trung tâm nước ngoài nhưng người học vẫn không giao tiếp được. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan – đề xuất: Cần rà soát lại chất lượng đào tạo của các trung tâm này, đơn vị nào không có chất lượng, không quản lý được thì cần dẹp bỏ.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng nhấn mạnh: Xóa mù chữ cần phải bền vững. Đó mới là điều quan trọng.