Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi

GD&TĐ - Hằng năm, ước tính có khoảng 15 triệu trẻ sinh non trên thế giới. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với trẻ dưới 5 tuổi.

 Ảnh: Unicef.
Ảnh: Unicef.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), ngày 17/11 được đánh dấu Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non - đây là một cơ hội để nâng cao nhận thức về những khó khăn của việc sinh non và nhấn mạnh về những rủi ro cũng như hậu quả mà trẻ sinh non và gia đình các em phải đối mặt.

Sinh non là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong đối với trẻ dưới 5 tuổi. Hàng năm, ước tính có khoảng 15 triệu trẻ sinh non trên thế giới, hay cứ 10 trẻ ra đời thì có 1 trẻ sinh non. Tại Việt Nam, số ca tử vong trẻ sơ sinh chiếm 60% trong tổng số ca tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi.

TS.BS Trần Đăng Khoa, Vụ phó Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, chăm sóc trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh là một trong những mục tiêu quan trọng không những của ngành y tế mà còn là của Nhà nước Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.

Với những cố gắng của ngành y tế, tỉ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống giảm từ 14,7 (năm 2015) xuống còn 13,6 (năm 2021). Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống giảm từ 22,1 (năm 2015) xuống còn 20,5 (năm 2021).

Hiện nay, với những tiến bộ vượt bậc trong ứng dụng kỹ thuật y học hiện đại trên thế giới, Việt Nam đã có thể cứu sống và nuôi dưỡng các trẻ sơ sinh rất thiếu tháng có cân nặng chỉ 500g cũng như tiếp tục chăm sóc để trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường.

Nhân ngày Thế giới vì Trẻ sinh non 2022, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) đang nhân cao nhận thức về liệu pháp chăm sóc Kangaroo (KMC) với lời kêu gọi toàn cầu: "Cha mẹ ấp con chẳng rời, tuyệt vời liệu pháp ngay từ lúc sinh".

Đây là liệu pháp đơn giản, không tốn chi phí, được thực hiện ngay sau khi trẻ chào đời bằng cách đặt trẻ tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ và sau đó với người cha. Nó có lợi ích về sức khỏe thể chất và tinh thần tuyệt vời với cả trẻ và cha mẹ.

Liệu pháp này đặc biệt quan trọng trong việc chăm sóc trẻ sinh non hoặc nhẹ cân, nhờ tiếp xúc da kề da liên tục và kéo dài giữa trẻ và cha hoặc mẹ. Lợi ích của KMC bao gồm giảm nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh tới 40%, cải thiện điều hòa thân nhiệt, ngăn nhiễm trùng, cải thiện khả năng tiết sữa, tạo điều kiện cho các tác động sinh lý, hành vi, tâm lý và phát triển thần kinh.

UNICEF đang hợp tác với Bộ Y tế để hỗ trợ và nhân rộng các can thiệp cứu sống trẻ sơ sinh trên khắp cả nước.

"Trọng tâm của chúng tôi là cứu nhiều sinh mạng trẻ em, bảo đảm các can thiệp được thực hiện ở mọi ngõ ngách ở Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi hỗ trợ ngành y xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe trẻ em và nhân rộng các can thiệp giúp làm giảm tỷ lệ tử vong trẻ em", ông Maharajan Muthu - Trưởng Chương trình Vì sự sống còn, Phát triển của trẻ em và Môi trường thuộc UNICEF Việt Nam cho biết.

Hướng tiếp cận này bao gồm hoạt động xây dựng tài liệu hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ sinh non, nhẹ cân; đào tạo nâng cao nhận thức và cập nhật những kiến thức y học tiên tiến cùng các kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này cho cán bộ y tế và nhân viên cộng đồng, cung cấp cho các gia đình và cộng đồng thông tin về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, trẻ sinh non/nhẹ cân.

Theo báo cáo từ Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), thông tin khả quan cho thấy năm 2022, khoảng 100.000 trẻ sơ sinh từ 7 tỉnh dự án do UNICEF hỗ trợ đã được hưởng lợi từ dịch vụ chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu và chăm sóc Kangaroo.

Bên cạnh những thành tựu lớn, hiện nay vẫn còn nhiều người chưa hiểu đầy đủ về những thách thức mà trẻ sinh non và gia đình các bé phải đối mặt. Vì vậy, Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non là cơ hội để nhấn mạnh những phương pháp thực hành được khuyến nghị đối với từng nhân viên y tế và bậc cha mẹ để giảm hơn nữa tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, bao gồm cải thiện việc phát hiện sớm trong thai kỳ, thúc đẩy các lựa chọn điều trị y tế tiên tiến, trao quyền cho các ông bố bà mẹ trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ