Nguyên nhân bãi biển du lịch Đà Nẵng bị sóng khoét nham nhở

Dãy bờ biển dài bị sóng khoét nham nhở, ki ốt hàng quán cũng bị nước đánh sập. Khách du lịch qua lại không còn nhìn thấy bãi cát dài rộng như hình ảnh biển Đà Nẵng mà họ từng biết đến.

Bờ biển dài rộng bị sóng xói sạt tan hoang. Ảnh: Thanh Trần.
Bờ biển dài rộng bị sóng xói sạt tan hoang. Ảnh: Thanh Trần.

Gần một tháng nay, sóng biển liên tục xâm thực bờ biển Mỹ Khê làm bãi tắm gần như bị biến mất. Tại bãi tắm khu vực đường Nguyễn Văn Thoại, sóng đã khoét trơ hàm ếch một dãy bờ dài cả trăm mét, đụng tới hàng dừa được trồng trên bờ.

Nhiều khối đá chôn sâu trong bờ cũng bị nước biển xói lộ ra bên ngoài. Trong khi đó, phía dưới bãi tắm, hai đường ống to, dài trước đây chôn kỹ dưới cát cũng đã trồi lên.

Theo các hộ dân buôn bán ở đây, hiện tượng sóng biển xâm thực xảy ra từ cuối tháng 1. Bà Nguyễn Thị Út (phường Phước Mỹ, Sơn Trà) cho hay: Trước Tết, thấy nước biển cứ lấn bờ từ từ nên đêm nào bà cũng phải cắt cử người lại trông dãy quán.

Đến những ngày giáp Tết, nước biển ào vô càng mạnh, đánh sập luôn ki-ốt bán hàng được xây dựng kiên cố.

Vi sao bai bien du lich Da Nang bi song khoet nham nho? - Anh 2

Các hộ buôn bán phải dời quầy quán vào sát bờ, kê bàn ghế lên các mô cát chưa bị sóng lấn tới. Ảnh: Thanh Trần.

Tình trạng trên làm ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán của các tổ kinh doanh dịch vụ. Tổ kinh doanh dịch vụ số 12 không chỉ bị sóng đánh sập ki ốt mà còn bị cuốn trôi 50 chiếc nệm, dù che, áo quần cho thuê cùng ly tách buôn bán trong đêm.

Hiện tại, cả tổ phải dịch chuyển dù trại, ghế nằm lên một mô cát còn sót lại sát rạt bờ kè. “Du khách thường ngày hay tới uống nước, thuê ghế nằm hóng gió ngắm biển, chừ biển tan hoang, sóng vô sát bờ ri còn chi mà ngắm. Từ sáng tới trưa tui chưa bán được lon nước mô!” - Một người kinh doanh cho hay.

Tổ kinh doanh dịch vụ số 11 cũng phải dọn lùi hàng quán vào sát bờ mỗi ngày. Theo họ, trước đây từ bờ kè trở ra phải đi mỏi chân mới tới sóng biển, giờ bãi cát bị bóp lại có chục mét, không biết chạy đi đâu.

Bà Nguyễn Thị Út nói: “Tui buôn bán ở đây hai chục năm rồi, thấy nước biển vô sâu trong bờ thì có chứ chưa bao giờ thấy biển bị xói sạt kinh hoàng như ri cả!”.

Trong khi đó, đại diện Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng lại khẳng định đây là hiện tượng tự nhiên xảy ra thường xuyên, do chịu ảnh hưởng của gió, bão nên sóng tạo thành vùng xoáy, nước đánh vào xoáy rồi tấp vô bờ gây hiện tượng xói sạt.

Hiện tại, Ban quản lý tiếp tục theo dõi, nếu phát hiện việc sạt lở bất thường, nghiêm trọng sẽ báo cáo lên Sở Tài nguyên môi trường cùng các cơ quan chức năng khác để xử lý.

Theo Tiền Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.