Nguyên đơn Thiên Phú phản đối kháng nghị vụ đấu giá dự án Hòa Lân

GD&TĐ - Viện kiểm sát kháng nghị cho rằng cần hủy các bản án vụ đấu giá dự án Hòa Lân để “đảm bảo quyền lợi các bên”. Tuy nhiên, cả bên mua và bên bán trong vụ việc đều cho rằng kháng nghị đã xâm phạm quyền lợi của mình.

Cả bên mua và bên bán khẳng định, việc kháng nghị làm ảnh hưởng xấu tới tiến độ dự án Hòa Lân.
Cả bên mua và bên bán khẳng định, việc kháng nghị làm ảnh hưởng xấu tới tiến độ dự án Hòa Lân.

Nguyên đơn, bị đơn cùng phản đối

Như đã đưa, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đã ra kháng nghị Giám đốc thẩm, đề nghị hủy các bản án sơ – phúc thẩm trong vụ kiện “Hủy kết quả bán đấu giá và tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Công ty Sản xuất Thương mại Thiên Phú và bị đơn là Công ty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn.

Vụ dân sự này có nguồn cơn từ năm 2001-2007, khi Công ty Thiên Phú vay của Agribank chi nhánh Chợ Lớn 305 tỷ đồng và hơn 18.000 lượng vàng để thực hiện Dự án Hòa Lân (Thuận An, Bình Dương).

Tài sản thế chấp khoản vay là chính Dự án Hòa Lân có tổng diện tích hơn 490.000m2 gồm hơn 243.000m2 Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất và hơn 246.000m2 Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất.

Đến năm 2015, Công ty Thiên Phú không thể thực hiện dự án nên đồng ý cho Agribank Chợ Lớn thu hồi nợ; Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn là đơn vị tổ chức đấu giá. Trải qua 12 lần đấu giá bất thành, năm 2017, Công ty CP Xây dựng A Đông Hải (nay là Công ty Kim Oanh) trúng đấu giá với giá 1.353 tỷ đồng.

Năm 2017, Công ty Thiên Phú lại kiện ra TAND Quận 7 (TP.HCM), đề nghị tuyên hủy kết quả đấu giá và hợp đồng nói trên. Tòa án Quận 7 bác bỏ yêu cầu này nên Công ty Thiên Phú và những người liên quan kháng cáo.

Tuy nhiên, họ lại rút đơn kháng cáo trước phiên xử phúc thẩm nên TAND TP.HCM ra quyết định đình chỉ. Tháng 3/2021, tòa cấp phúc thẩm chỉ xét xử kháng cáo của Agribank Chợ Lớn về phần lãi vay.

Ngày 22/6, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM ra kháng nghị, đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM xử Giám đốc thẩm theo hướng hủy các bản án sơ – phúc thẩm trong vụ. Viện kiểm sát cũng quyết định đình chỉ thi hành bản án phúc thẩm trong vụ cho đến khi có quyết định Giám đốc thẩm.

Theo viện kiểm sát, việc hủy 2 bản án để “đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên”. Tuy nhiên, Công ty Kim Oanh sau đó đã có văn bản, cho rằng kháng nghị trên không căn cứ hồ sơ thực tế và không đảm bảo quyền lợi của mình đồng thời khiến Agribank không giải quyết được nợ xấu.

Trong khi đó, nguyên đơn dân sự trong vụ là Công ty Thiên Phú khẳng định mình là người “thấu hiểu toàn bộ nội tình vụ án bất đắc dĩ này” và đánh giá kháng nghị của viện kiểm sát không đúng quy định pháp luật, không phù hợp diễn biến khách quan, thực tế trong suốt quá trình vay, xử lý, thu hồi nợ.

Trải 13 lần đấu giá

Nguyên đơn phân tích, tất cả đương sự trong vụ việc đều không có ý kiến về bản án của tòa nhưng viện kiểm sát lại căn cứ văn bản của Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán để kháng nghị Giám đốc thẩm dù tạp chí này không liên quan, không có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Công ty Thiên Phú cũng nhắc lại, vì khó khăn nên không thực hiện được dự án, phải đê ngân hàng đấu giá tài sản này. Việc đấu giá được tổ chức công khai, tài sản được 2 tổ chức thẩm định giá độc lập ở 2 thời điểm khác nhau.

Sau 12 lần đấu giá nhưng không có người mua hồ sơ, Công ty Thiên Phú và Agribank Chợ Lớn đã điều chỉnh giá khởi điểm xuống 963 tỷ đồng. Phiên đấu giá sau đó được diễn ra với 14 vòng trả giá và Công ty Kim Oanh trả cao nhất ở mức 1.353 tỷ đồng, tăng 390 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Công ty Thiên Phú khẳng định, trong suốt 2 năm, doanh nghiệp này và Agribank đã theo dõi, giám sát việc bán đấu giá; đơn vị tổ chức là Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn đã thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định pháp luật nên việc kháng nghị cho rằng quá trình đấu giá có vi phạm là không đúng.

Đặc biệt, Công ty Thiên Phú thừa nhận sau khi kết thúc đấu giá, do bị áp lực từ một số người muốn thâu tóm dự án Hòa Lân, việc cạnh tranh không lành mạnh… nên giám đốc Thiên Phú thời điểm đó là ông Bùi Thế Sơn (hiện bị điều tra hành vi lừa đảo) đã bị ép buộc phải gửi đơn tố cáo công ty đấu giá đến Thanh tra Bộ Tư pháp. Thanh tra đã vào cuộc và kết luận tố cáo này không có cơ sở.

Doanh nghiệp phân tích thêm, để thực hiện dự án, Công ty Thiên Phú đã bồi thường cho các hộ dân bằng tiền của mình hoặc tiền vay Agribank, không phải tiền Ngân sách Nhà nước. Sau đó, công ty lập quy hoạch và được UBND tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong dự án, khu đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất có mục đích làm đường giao thông, công trình công cộng, đất trồng cây xanh phục vụ dự án. Do đó, diện tích đất này cùng toàn bộ dự án được Công ty Thiên Phú thế chấp vào ngân hàng là đúng quy định, không phải sai như quan điểm trong kháng nghị của viện kiểm sát.

Kháng nghị gây thiệt hại

Về việc cho Công ty Kim Oanh chậm thanh toán, Công ty Thiên Phú giải thích sau khi đấu giá, các bên gặp nhiều trở ngại pháp lý như còn một phần đất chưa được bồi thường; có 10 hộ dân lấn chiếm đất; Cục Thuế chưa thông báo số liệu cụ thể… Vì vậy, dù là Kim Oanh hay bất cứ đơn vị nào khác trúng đấu giá, các bên cũng sẽ phải giãn thời gian thanh toán.

Công ty Thiên Phú khẳng định dù được chậm thanh toán nhưng Công ty Kim Oanh phải chịu phạt 8,5%/năm nên lợi ích của Thiên Phú không bị ánh hưởng; nhận định của viện kiểm sát tại kháng nghị là không chính xác.

Cũng theo Công ty Thiên Phú, việc Agribank Chợ Lớn xử lý nợ xấu theo phương án bán đấu giá được thực hiện trong 2 năm một cách công khai, đúng quy định và giúp doanh nghiệp trả được khoản nợ xấu kéo dài 10 năm trong đó, nợ gốc khoảng 1.100 tỷ đồng, nợ lãi 360 tỷ đồng. Ngân hàng cũng không bị thiệt hại do xử lý được khoản nợ xấu nhóm 5 và nhận số tiền lãi rất lớn.

“Việc khiếu kiện nói trên diễn ra từ năm 2018 đến nay do người đại diện theo pháp luật của công ty bị xúi giục, ép buộc thực hiện vô căn cứ. Sau đó, các cơ quan thẩm quyền phải giải quyết mất nhiều thời gian, công sức giải quyết nhưng cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích các bên” – Công ty Thiên Phú trình bày.

Cũng theo doanh nghiệp này, các cơ quan chức năng đã giải quyết vụ việc thấu đáo, có lý có tình, phù hợp quy định của pháp luật. Kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đã xâm phạm quyền lợi của các đương sự, gây hệ lụy bất lợi đến việc xử lý nợ xấu của ngân hàng; gây ách tắc việc thực hiện dự án…

Năm 2018, Thanh tra Bộ Tư pháp đã thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong bán đấu giá tài sản đối với Công ty CP dịch vụ Đấu giá Nam Sài Gòn. Kết quả thể hiện, các nội dung tố cáo gồm việc đấu giá không niêm yết công khai; công ty đấu giá cố tình hạn chế người tham gia đấu giá; công ty đấu giá không thẩm định năng lực tài chính của các bên; Công ty A Đông Hải không đủ năng lực tài chính để thực hiện hợp đồng…. đều là những tố cáo không có cơ sở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.