Nguy hiểm rình rập nữ sinh Nhật làm nghề phát tờ rơi

Không ít những cô gái làm nghề phát tờ rơi trên đường phố Tokyo là nạn nhân của những băng nhóm mại dâm, chuyên sử dụng nữ sinh trung học làm "con mồi".

Một cô gái làm nghề phát tờ rơi trên đường phố Akihabara, Tokyo. Ảnh: Janpan Dish.com
Một cô gái làm nghề phát tờ rơi trên đường phố Akihabara, Tokyo. Ảnh: Janpan Dish.com

Momo nhún vai khi được hỏi về nghề "đứng đường", tức công việc phát tờ rơi bán thời gian trên đường phố Akihabara, Tokyo. Cô gái 17 tuổi cũng hoàn toàn nhận thức được mối nguy hiểm khi đối tượng khách hàng mà những thiếu nữ như cô hướng tới đều là đàn ông.

Momo cho biết, đàn ông thường lợi dụng cơ hội này để gạ gẫm những cô gái trẻ, thậm chí là lạm dụng họ. Tuy vậy, cô vẫn sẵn sàng tự đẩy bản thân vào tình thế nguy hiểm. Với một nụ cười gượng gạo, Momo cho biết cô chẳng mấy quan tâm nếu bị một kẻ cuồng dâm tấn công.

"Thật chán nếu tất cả những gì họ muốn chỉ là lên giường với tôi" - Cô nói.

Cô là một trong số những cô gái trẻ mà các chuyên gia cảnh báo có thể trở thành nạn nhân của ngành công nghiệp "JK", viết tắt của từ "joshi kosei" (nữ sinh trung học), vẫn ngày đêm hoạt động trên các đường phố ở quận Akihabara và những khu vực khác trong trung tâm thành phố Tokyo.

Nhiều đường dây JK đã bị cảnh sát đập tan trong vài năm trở lại đây, nhưng các chuyên gia vẫn khẳng định, các nữ sinh như Momo đang trở thành miếng mồi béo bở cho những kẻ buôn người và kinh doanh tình dục.

Mại dâm nữ sinh trung học

Ngành công nghiệp JK có rất nhiều biến thể. Một trong số đó là JK "rifure" (tẩm quất), nơi các cô gái phải massage và nằm cạnh khách hàng. Một loại hình khác là JK "osanpo" (du lịch), cung cấp dịch vụ trò chuyện và hẹn hò với những người có nhu cầu.

Tuy nhiên, trong quá trình massage hoặc hẹn hò, các vị khách thường lợi dụng sự riêng tư với những cô gái để cưỡng bức hoặc ép họ quan hệ tình dục, các chuyên gia cho hay.

"Những mạng lưới mại dâm tinh vi và có tổ chức thường nhằm vào các cô gái trẻ, thường xuyên xuất hiện ở các địa điểm công cộng như tàu điện ngầm, trường học. 

Đôi khi, họ tiếp cận các nữ sinh qua Internet hoặc tại những điểm đến thường xuyên của giới trẻ", báo cáo của bộ Ngoại giao Mỹ về nạn buôn người được công bố hồi tháng 6 cho biết. Báo cáo cũng khẳng định, JK "osanpo" là nguyên nhân chủ yếu gây ra nạn mại dâm trẻ em ở Nhật Bản.

Sau hàng loạt đợt truy quét của cảnh sát Tokyo từ năm 2013 tới nay, những kẻ buôn người đã thay đổi chiến thuật để qua mặt giới chức và khiến việc kinh doanh của họ có vẻ vô hại hơn.

Thay vì hỏi những người qua đường về nhu cầu thư giãn hay hẹn hò, các cô gái như Momo chỉ việc đứng trên phố, phát tờ rơi trong đó miêu tả công việc "chuyện trò với cánh đàn ông" của họ. Dịch vụ này thường diễn ra trong các tiệm café gần đó.

Nhưng ngay cả những thứ tưởng như vô hại nhất cũng có thể gây ra hậu quả nặng nề, theo Yumeno Nito, nhà sáng lập Colabo, một tổ chức phục hồi nhân phẩm cho các cô gái trẻ lạc lối.

"Cứ cho là không có việc trao đổi xác thịt ở những nơi như thế", Nito, 24 tuổi, nói. "Nhưng cánh đàn ông thường đến đó với mục đích gặp gỡ các cô gái trẻ và xin thông tin của họ, rồi sau đó sẽ liên lạc và thẳng thắng đề cập tới vấn đề tình dục."

"Cách lách luật này khiến việc trao đổi xác thịt giữa các cô gái trẻ và khách hàng diễn ra kín đáo cũng như khó phát hiện hơn", Nito nói.

Từ khi sáng lập Colabo hồi năm 2011, Nito đã gặp rất nhiều cô gái trẻ bị biến thành nạn nhân của các loại hình mại dâm núp bóng "nghề phát tờ rơi".

"Một số cô gái bị ép cởi đồ trước mặt khách hàng. Tuy nhiên, đó không phải điều tệ nhất. Rất nhiều nữ sinh bị cưỡng bức trong lúc làm việc. 

Thậm chí có em còn bị khách hàng trói chặt rồi chụp ảnh khỏa thân", cô nói. "Không giống những cô gái làm việc trong ngành công nghiệp "người lớn", những nữ sinh này vẫn còn rất ngây thơ trong cách ứng xử. Nhiều gã đàn ông coi cách phản ứng trong sáng này là lời mời gọi và quyết tâm lấn tới."

Nguy hiểm rình rập nữ sinh Nhật làm nghề phát tờ rơi
Phần lớn những cô gái làm nghề phát tờ rơi trên đường phố Tokyo đều trong độ tuổi vị thành niên. Ảnh: blogspot.com

"Tôi muốn được chú ý"

Nito nói, phần lớn các cô gái dấn thân vào ngành công nghiệp JK bởi họ cảm thấy quá cô đơn và không có người đồng cảm. Số khác làm vì tiền hoặc tò mò. Nhưng hầu hết các nữ sinh đều tìm đến JK vì muốn có chỗ giải sầu.

"Những cô gái này thường không có nhà. Tất nhiên là họ có một nơi để đi về, nhưng đó không phải là một ngôi nhà đúng nghĩa", cô nói.

Momo là một ví dụ điển hình. Cô sống với mẹ, người thường xuyên thay đổi tâm trạng theo hướng cực đoan. Momo mắc chứng tâm thần phân liệt, sống cuộc đời buồn bã và từng cố gắng tự vẫn bằng thuốc ngủ liều cao.

"Tôi không làm việc này vì tò mò. Tôi muốn biết có ai thực sự cần mình hay không, dù cái họ cần chỉ đơn giản là tình dục", cô nói.

Một trong những người bạn của Momo, Kaori, 15 tuổi, cũng gặp vấn đề tương tự.

Cha mẹ Kaori ly hôn từ khi cô còn là một đứa trẻ. "Tôi sống trong bóng tối", cô nói về cuộc sống với người cha bận rộn, không biết gì ngoài công việc.

"Bố tôi rất ít khi ở nhà. Ông ấy lúc nào cũng chỉ sống trong công việc. Và dường như ông ấy không hề quan tâm đến tôi. Tôi nghĩ, nếu tôi dấn thân vào ngành công nghiệp mờ ám này một thời gian và gặp chút rắc rối, như bị cảnh sát bắt chẳng hạn, thì có lẽ cuối cùng ông ấy sẽ dành ít nhiều sự chú ý đến tôi", Japan Times dẫn lời Kaori.

Những nữ sinh vô tội

Cả hai cô gái đều không nghĩ họ có thể làm những công việc bình thường, với thời gian biểu cụ thể. Chỉ nghĩ về việc đó thôi đã đủ khiến họ hoảng sợ. Bởi theo Nito, các mô hình JK thường rất linh động về thời gian. Các cô gái có thể làm việc bất cứ khi nào họ muốn.

"Tôi cảm thấy rất nhiều cô gái trong ngành công nghiệp này ít nhiều đều cảm thấy thất vọng với cuộc sống", Nito nói. "Và ngay khi cảm thấy chán nản vì không đủ khả năng làm một công việc bình thường, họ nhận ra JK mang tới một phong cách làm việc rất linh hoạt. Đó là cách họ nghĩ về nó."

Nito tin rằng, nạn mại dâm tràn lan trong ngành công nghiệp JK sẽ không biến mất trừ khi cả người cung cấp dịch vụ và các khách hàng cùng bị phạt.

"Những kẻ buôn người điều hành việc kinh doanh của họ theo cách rất khôn khéo. Rất khó để ngăn cản họ", Kosei Uchida, một cảnh sát Tokyo, phụ trách bộ phận thanh thiếu niên, nói.

Luật sư Kozue Hattori cũng có suy nghĩ tương tự. Bà cho biết, cảnh sát thường không tìm kiếm những người đàn ông có nhu cầu tình dục với thiếu niên, trừ khi có những cáo buộc xác thực.

"Sự thật là có một số hành vi xâm hại tình dục không được điều tra và kết thúc trong im lặng", Hattori cho biết.

Bà tin rằng, những cô gái không hoàn toàn vô tội. Khi luật sư gặp họ để thảo luận về vụ việc, nhiều nạn nhân cho biết, họ không muốn các khách hàng bị bắt, bởi nó ảnh hưởng tới việc kiếm tiền của họ.

Nhưng Nito lại tin rằng, chính những người trưởng thành phải chịu trách nhiệm cho hành động của họ.

"Nhiều người nghĩ rằng, các cô gái phải chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân", cô nói. "Nhưng các em ấy chỉ đang trong tuổi vị thành niên và vẫn quá non nớt để nhận thức được những gì mình đang làm. Còn những gã tìm đến họ lại là người đã trưởng thành. Họ nên tỏ ra hiểu biết hơn. Sự khác biệt nằm ở chỗ đó"".

Theo zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ