Tháng 9/2016, một phù dâu 28 tuổi đã tử vong khi bị ép uống quá nhiều rượu trong một đám cưới ở thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam. Đây không phải là trường hợp hy hữu. Từ dân thường tới người nổi tiếng, các phù dâu ở Trung Quốc dễ bị trêu chọc, hành hung lẫn quấy rối tình dục. Một đoạn video từng lan truyền trên mạng Trung Quốc cho thấy Liễu Nham - nữ diễn viên nổi tiếng ở nước này, đã bị dàn phù rể trêu đùa đến mức đẩy xuống bể bơi khi cô làm phù dâu trong đám cưới một người bạn.
Theo Quartz, ở Trung Quốc hiện nay, một lễ cưới thường bao gồm bữa tiệc linh đình thết đãi người thân, bạn bè, lễ rước dâu và cuối cùng là các trò mua vui ở phòng ngủ. Phù dâu đóng vai trò chính trong toàn bộ quá trình này, từ đón khách ở nơi tổ chức tiệc, tạo dáng chụp hình đến uống rượu thay cô dâu và canh giữ khuê phòng.
Cô dâu và phù dâu tại Trung Quốc. Ảnh minh họa: Reuters.
Truyền thống thay đổi
Truyền thống về phù dâu có lịch sử lâu đời tại Trung Quốc. Từ nhiều thế kỷ phong kiến trước đây, khi cô dâu được xem là nguồn sản sinh hậu duệ đáng giá, họ hay bị các bộ tộc đối thủ bắt cóc trong đám cưới. Gánh trách nhiệm bảo vệ người quan trọng nhất hôn lễ, các phù dâu sẽ mặc giống như cô dâu để đánh lừa những kẻ tới cướp. Khi hôn nhân được pháp luật bảo vệ, việc này không còn cần thiết và vai trò của phù dâu chủ yếu mang tính tượng trưng.
Trong đám cưới ngày này, các đôi mới cưới được sự công nhận và chúc phúc từ những người thân quen và gia đình. Nhưng giống như những dàn xe sang hay các vật xa hoa "làm màu" cho đám cưới, các phù dâu vẫn đóng vai trò quan trọng. Số lượng phù dâu và vẻ xinh đẹp của họ thường được coi là sức mạnh và "bộ mặt" của gia đình nhà gái.
Tuy nhiên, vai trò bảo vệ cô dâu thì các phù dâu vẫn phải gánh. Một phong tục phổ biến ở Trung Quốc là các đôi phải uống cạn ly với tất cả khách mời và điều này khiến nhiều phù dâu phải uống quá nhiều. Khi hoàn thành trách nhiệm của mình, một số người còn bị ngộ độc rượu, thậm chí có nguy cơ tử vong.
Vì các phù dâu cũng đóng vai trò như một biểu tượng "tường rào" cuối cùng trước khi chú rể có thể vào phòng cô dâu, chú rể và các phù rể có thể lợi dụng việc "phá rào" để thực hiện các hành động quấy rối.
Mặc dù sex vẫn còn là chủ đề cấm kỵ ở nơi công cộng với hầu hết người Trung Quốc, đám cưới như một dịp hợp lý hóa để một số nam giới thể hiện ham muốn tình dục và thoải mái quấy rối, lạm dụng. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn khi các phù dâu và phù rể uống quá chén. Trong một số trường hợp, các phù dâu thậm chí còn bị lột quần áo, tấn công tình dục.
Tuy nhiên, không phải vùng nào các phù dâu cũng bị đối xử như vậy. Những nơi được phản ánh có nhiều vụ phù dâu bị ngộ độc rượu, quấy rối tình dục thường tập trung ở các vùng nông thôn và ở các tỉnh như Sơn Đông, Hải Nam - nơi các định kiến giới vẫn còn nặng nề. Ở vùng thành thị và các tỉnh như Tứ Xuyên, Thượng Hải, những trò mua vui thường tập trung vào phù rể thay vì phù dâu.
Những vụ ngược đãi phù dâu nếu báo cảnh sát sẽ bị truy tố và phạt nghiêm nhưng nhiều phụ nữ ngại tiết lộ các thông tin này vì sợ ảnh hưởng đến thanh danh và sau này khó lấy chồng. Điều này càng gây khó khăn cho việc thống kê mức độ phổ biến của các vụ tấn công tình dục với phù dâu trong các đám cưới.
Trong nhiều đám cưới ở Trung Quốc, số lượng và vẻ đẹp của các cô phù dâu là "bộ mặt" cho nhà gái. Ảnh minh họa: Asiaweddingnetwork.
Tăng số phù dâu chuyên nghiệp
Trước tình hình trên, ngày càng nhiều người e ngại khi được mời làm phù dâu. Hệ quả là, nhiều cô dâu phải đi thuê dịch vụ.
Có khoảng 50 công ty tổ chức đám cưới ở Trung Quốc cung cấp phù dâu trong dịch vụ cưới hỏi trọn gói. Một cô phù dâu chuyên nghiệp được yêu cầu đóng vai trò như người trang điểm, biết uống rượu, ngăn các khách mời có hành vi khiếm nhã với cô dâu... Họ còn phải biết: Cười xã giao, khuấy động không khí vui nhộn và tham gia vào một số trò mua vui thô tục.
Mặc dù gánh nhiều trách nhiệm khó khăn như vậy nhưng một phù dâu chuyên nghiệp chỉ được trả khoảng 200 đến 800 nhân dân tệ (khoảng 660.000 đến 2.600.000 đồng) trong mỗi đám cưới.
Việc chuyên nghiệp hóa này có thể giúp các cô dâu nhanh chóng khắc phục khi không nhờ được người làm phù dâu. Nhưng nếu không có các quy định pháp lý phù hợp, nghề phù dâu có thể trở nên nguy hiểm, nhất là ở một số vùng hà khắc tại Trung Quốc. Mặt khác, nó có thể càng củng cố thêm tư tưởng rằng cơ thể phụ nữ có thể xem là một loại hàng hóa đem bán.