Nguy hại khôn lường từ việc lấy ráy tai

Nhiều người quan niệm, ráy tai là chất bẩn, để lâu sẽ khiến thính lực bị suy giảm, vì vậy họ thường ngoáy tai cho sạch. 

Nguy hại khôn lường từ việc lấy ráy tai

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là một thói quen không tốt, trái với tự nhiên. Thậm chí, ngoáy tai còn dẫn đến khả năng viêm nhiễm rất lớn, đặc biệt là ở trẻ em, khi cấu trúc da, niêm mạc, màng nhĩ của tai trẻ còn mỏng, chưa trưởng thành.

Không nên ngoáy tai hoặc đưa bất cứ vật gì vào trong ống tai để tránh bị thủng màng nhĩ hoặc viêm nhiễm các bệnh về tai. Ảnh: TL

Không nên ngoáy tai hoặc đưa bất cứ vật gì vào trong ống tai để tránh bị thủng màng nhĩ hoặc viêm nhiễm các bệnh về tai. Ảnh: TL

Không lấy ráy tai là người ở bẩn?

Rất nhiều người gán “tội danh” cho ráy tai là các chất bụi bẩn tích tụ lâu ngày cần được khai thông thường xuyên. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, ai không lấy ráy tai là những người… ở bẩn. Chị Trần Thị Thành (ở Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, gia đình chị luôn có sẵn các dụng cụ lấy ráy tai trong nhà. Việc lấy ráy đã trở thành thói quen của hai vợ chồng, chị cũng thường dùng tăm bông để lấy ráy tai cho hai con nhỏ.

Khi được hỏi nguyên nhân, chị Thành cho rằng: “Phải ngoáy tai thường xuyên chứ. Ráy tai chính là các tế bào da chết và bụi bẩn tích tụ, lấy hết ra cho sạch tai. Nếu lâu ngày không lấy, cảm giác ngứa ngáy khó chịu làm sao ấy”. Chị còn nửa thật, nửa đùa: “Để lâu ngày, nó “mít” lỗ tai thì còn nghe thấy gì nữa?”. Chính vì thế, cứ cách hai đến ba ngày hoặc khi nào thấy ngứa ngứa, ù tai, người phụ nữ này lại “tự xử”. Vì ráy thuộc dạng khô nên chị mua cây “gậy” lấy ráy bằng kim loại để "cào"cho dễ. Còn ráy tai của hai con chị thuộc dạng ướt nên ngoài việc dùng “gậy” lấy ráy, chị kết hợp dùng tăm bông để vệ sinh tai từ trong ra ngoài.

Không chỉ gia đình chị Thành, rất nhiều người coi việc lấy ráy tai là chuyện đương nhiên. Không những thế, khá nhiều trong số đó đã trở thành “khách ruột” của dịch vụ lấy ráy tai ở các tiệm cắt tóc. Chia sẻ về sở thích này, anh Đỗ Văn Tuân (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, anh bắt đầu “nghiện” lấy ráy tai từ lần đi cắt tóc kèm lấy ráy tai. “Được người khác lấy ráy tai khác hẳn với việc tự ngoáy ở nhà. Lúc đầu là tiếng ráy kêu lách tách trong tai, càng cào mạnh càng… thích. Về sau thì cảm giác êm dần như được massage. Nói chung, “tống” được bụi bẩn ra ngoài là thấy thích rồi”, anh Tuân nói. Tuy nhiên, anh Tuân cho biết, từ khi đi lấy ráy ở tiệm, anh hay bị ngứa tai, tần suất lấy ráy cũng tăng lên từ 1lần/tuần lên 3 - 4 lần/tuần mà vẫn có cảm giác bị ngứa. Khi được hỏi có thắc mắc tại sao lại như thế không, anh Tuân chỉ nói đại khái: “Chắc lấy quen rồi nên thế”.

Tai khô, ngứa, nhiễm trùng nếu không có ráy tai

Chia sẻ về vấn đề này, ThS.BS Ngô Văn Quang – Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe TP Đà Nẵng cho hay, rất nhiều người chưa thực sự hiểu rõ vai trò của ráy tai nên thường nhầm tưởng rằng, ráy tai là bụi bẩn cần phải vệ sinh sạch sẽ. Tuy nhiên, đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. BS Ngô Văn Quang phân tích: “Cấu tạo tai của mỗi người bao gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài có nhiệm vụ hứng sóng âm thanh trong không gian để truyền vào tai giữa và tai trong qua tác động làm rung màng nhĩ. Vùng da của phần ống tai ngoài có những tuyến đặc biệt tiết ra chất bã như sáp hay còn gọi là ráy tai. Chất này được tiết ra nhằm bảo vệ tai khỏi các tổn thương và chống lại sự nhiễm trùng”.

Theo BS Ngô Văn Quang, ở những người khác nhau, ráy tai có thể có cấu tạo, hình dạng và màu sắc khác nhau. Trong ráy tai có chứa những chất tiết của tuyến bã, tế bào da ống tai đã chết, vi khuẩn và có thể có nước. “Một lượng ráy tai ở mức bình thường sẽ có tác dụng như một lớp áo bảo vệ ống tai và chống ngấm nước. Nếu không có ráy tai thì tai sẽ trở nên khô, ngứa và dễ bị nhiễm trùng”, BS Ngô Văn Quang thông tin.

BS Ngô Văn Quang cho biết thêm: “Trong hầu hết các trường hợp, cơ thể chúng ta sẽ tự làm sạch ráy tai. Quá trình này diễn ra bằng hiện tượng đẩy dần những lớp tế bào da lót ống tai từ vị trí bên trong sát với màng nhĩ ra phía ngoài của ống tai ngoài. Với sự dịch chuyển của lớp tế bào như vậy thì ráy tai sẽ dần dần khô đi, bong ra và rơi ra ngoài. Do vậy, không cần dùng đến các công cụ hỗ trợ để “lôi” ráy tai ra ngoài. Đó là việc làm trái với quy luật tự nhiên của nó”.

Tuy nhiên, có những trường hợp ráy tai bị tích tụ quá nhiều dẫn đến làm hẹp ống tai. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do các bệnh lý về da, bệnh lý của tuyến bã hoặc của xương tai. Cũng có trường hợp ráy tai nhiều là do phản ứng đối với tình trạng chấn thương hoặc tắc nghẽn của ống tai. Đối với những trường hợp này, nên đến bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để được hướng dẫn cách vệ sinh và chăm sóc tai một cách tốt nhất.

Thủng màng nhĩ, lây bệnh vì lấy ráy tai

Thói quen lấy ráy tai không chỉ gây ngứa, nguy cơ nhiễm trùng mà còn gây ảnh hưởng đến thính lực của tai. Thói quen ngoáy tai bằng tăm bông hoặc dụng cụ lấy ráy bằng kim loại đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Tuy nhiên, BS Ngô Văn Quang khuyến cáo, việc dùng tăm bông hay bất cứ vật gì đưa vào ống tai sẽ dẫn đến nguy cơ đẩy ráy tai vào sâu bên trong ống tai, có thể vào đến tận màng nhĩ, gây đau tai, ù tai và suy giảm thính lực. Rất nhiều trường hợp bị thủng màng nhĩ dẫn đến bị điếc là hậu quả của việc ngoáy tai.

Đó là chưa kể đến việc lấy đi một lượng ráy tai tự nhiên sẽ làm giảm khả năng bảo vệ ống tai khỏi bụi bẩn và các tác nhân gây nhiễm trùng. Ngoài ra, da ở vùng ống tai rất mỏng và rất dễ bị tổn thương. Vì vậy, nếu không cẩn thận, các dụng cụ lấy ráy sẽ làm trầy xước da, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập gây viêm ống tai.

Bên cạnh đó, theo BS Ngô Văn Quang, nhiều người có thói quen đến các tiệm cắt tóc, những nơi có dịch vụ lấy ráy tai để thỏa mãn nhu cầu được “thông tai”. Tuy nhiên, đa phần những thợ cắt tóc đều không có kiến thức về sinh lý cũng như bệnh lý của tai. Vì vậy, có người sau khi lấy ráy tai đã bị ngứa tai hoặc ráy tai nhiều hơn. Mặt khác, dụng cụ lấy ráy tại các tiệm cắt tóc cũng không vô trùng. Do đó, nguy cơ lây nhiễm bệnh từ người này sang người kia là không tránh khỏi.

ThS. BS Ngô Văn Quang khuyến cáo, tốt nhất không nên ngoáy tai hoặc đưa bất cứ vật gì vào trong ống tai. Các loại tăm bông chỉ dùng để vệ sinh phần vành tai phía ngoài của ống tai.

Đối với những người bị ráy tai nhiều và hay tái phát, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để kiểm tra, làm súc rửa hoặc dùng dụng cụ chuyên khoa để lấy ráy tai ra. Sau khi khám, nếu màng nhĩ còn nguyên vẹn và không bị bệnh lý nhiễm trùng gì, bác sĩ có thể kê đơn loại thuốc nhỏ tai như dung dịch Cerumenex để làm mềm ráy tai. Ngoài ra, một số người có cơ địa nhạy cảm với thuốc nhỏ tai nói trên cũng cần ngừng ngay nếu có những biểu hiện ngứa, đau, nổi mẩn khi nhỏ thuốc.

Theo Gia đình xã hội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ