Nguy cơ vỡ nợ của các đại học Anh

GD&TĐ - Có một niềm hy vọng cho các đại học đang gặp khó khăn về tài chính tại Anh khi Bộ trưởng Tài chính Philip Augar hứa xem xét lại tình hình tài chính của các đại học để có hướng giúp đỡ kịp thời.

Nguy cơ vỡ nợ của các đại học Anh

Nguy cơ phá sản đại học

Quan tâm đầu tiên của ông là bình quân học phí đại học không còn là 6.500 bảng Anh mà là 7.500 bảng, nhưng vẫn còn thấp hơn con số tối đa 9.250 bảng Anh như đề xuất của các đại học để họ có thể tồn tại và hoạt động bình thường.

Thế nhưng học phí cao sinh viên sẽ ít, nguồn thu thấp và khó khăn vẫn còn. Học phí có thể thấp nếu chính phủ tăng trợ cấp cho các đại học.

Nếu có nhiều đại học sống sót bằng vay mượn để cầm cự khi đầu vào sinh viên giảm và phải nhận trợ cấp khẩn cấp thì vẫn còn các đại học có nguy cơ phá sản.

Mới đây một đại học đã được trợ cấp khẩn cấp 1 triệu USD để có thể đứng vững thêm một thời gian. Phụ trách giáo dục của đảng đối lập, bà Angela Rayner nói: “Chính phủ cần suy nghĩ nghiêm túc về những hệ quả sẽ xảy ra nếu có nhiều đại học phải đóng cửa”.

Nhưng tại sao giáo dục đại học Anh lại phải đối phó với tình huống xấu hiện nay? Các đại học có thực sự gặp khó khăn về tài chính? Điều gì khiến nhiều đại học lo lắng là trợ cấp của chính phủ không đủ bù đắp tài chính thiếu hụt do học phí không tăng được?

Thậm chí nếu chính phủ giữ đúng lời hứa tăng trợ cấp đại học thì sự ủng hộ của các nghị sĩ là hết sức cần thiết vì nếu Quốc hội không đồng ý sửa đổi ngân sách, lời hứa của chính phủ cũng khó trở thành hiện thực.

Ông Nick Hillman, Giám đốc Viện chính sách giáo dục đại học (Higher Education Policy Institute), cựu cố vấn đặc biệt của bộ trưởng đại học cho biết: “Theo tính toán, muốn cắt giảm 1.000 bảng Anh học phí đại học, chính phủ phải trợ cấp cho hệ thống đại học 1 tỉ bảng Anh. Nếu cắt giảm mạnh hơn sẽ vượt quá sức chịu đựng của ngân sách”.

Ngoài áp lực phải giảm học phí để thu hút sinh viên, các đại học còn phải đối mặt với “trận bão hoàn hảo” (perfect storm) khi thành phần dân số đến tuổi đại học (18 tuổi) giảm và “đám mây Brexit” phủ lên kỳ vọng tuyển được nhiều sinh viên từ các nước khác ở châu Âu.

Vậy sinh viên muốn Bộ trưởng Tài chính Philip Augar đưa ra mức giảm học phí đến đâu trong đợt thẩm tra học phí đại học lần này? Hiện phân nửa học phí đại học được chi cho hoạt động giảng dạy.

Có nhiều đại học đã ở ngưỡng đóng cửa do nợ nần xây dựng cơ sở hạ tầng mới nhưng vẫn không thu hút được thêm sinh viên. Nếu đầu vào không được như kỳ vọng thì trong những năm tiếp theo của khóa sinh viên vừa tuyển, nhiều đại học chắc chắn sẽ gặp khó khăn về tài chính.

 
 

Các đại học đang ăn vào vốn và giết lẫn nhau

TS Greg Walker, Giám đốc điều hành của tổ chức MillionPlus gồm các đại học mới mở, cảnh báo nếu trợ cấp cho giáo dục đại học bị cắt giảm hay vẫn như cũ, hệ thống giáo dục đại học sẽ bị tổn thương nghiêm trọng.

“Chọn lựa nào cũng khó khăn, vì vậy tài chính đại học phải được chính phủ xem là ưu tiên quốc gia. Ngay cả khi học phí không giảm, nhiều đại học đã tự ăn vào vốn liếng của chính mình” - ông nói.

Anthony Seldon, Phó chủ tịch Đại học Buckingham và là nhân vật có ảnh hưởng về chính sách giáo dục nhận định: “Một số đại học đang thực sự bị đẩy vào bước đường cùng và sắp phải ngưng hoạt động. Các khoản trợ cấp cấp cứu là không đủ”.

Ông cảnh báo là việc xuất hiện các đại học “ăn xổi ở thì” và “mị” sinh viên càng đẩy những đại học có bề dày giảng dạy vào bế tắc hơn nữa. Số sinh viên trong nước và ngoài nước giảm dẫn đến việc các đại học phải chia nguồn thu học phí đang ít dần với nhau.

Anthony cũng công kích “tư duy tham lam” trong giáo dục đại học, một nguy cơ lớn cho hệ thống giáo dục đại học Anh. Số liệu của cơ quan thống kê giáo dục đại học (HESA) cho thấy trong khi một số đại học tăng được lượng sinh viên tuyển đầu vào nhờ dùng “thủ thuật” thì các đại học khác trở thành nạn nhân với lượng sinh viên giảm rõ rệt.

Nếu xu hướng này tiếp tục, Anthony tin rằng một số đại học sẽ phải đóng cửa vì không tuyển đủ số sinh viên cần thiết để có thể tiếp tục hoạt động. Đại học Exeter có ý kiến khác: “Chúng tôi hãnh diện đã tuyển thêm được nhiều sinh viên nhờ mở rộng thêm cơ sở hạ tầng.

Nếu không có đủ cơ sở hạ tầng giảng dạy, sinh viên sẽ ra đi. Các đại học khác cũng nên làm như thế thay vì chỉ trích”.

Một câu hỏi đặt ra là có nên để một số đại học “chết” tự nhiên thay vì can thiệp để chúng sống lay lất? Có những đại học tên tuổi quá lẫy lừng nên không thể để xảy ra trường hợp này?

Cho đến nay, các bộ trưởng và những người chịu trách nhiệm về giáo dục vẫn giữ vững nguyên tắc không can thiệp quá sâu vào hoạt động đại học, kể cả tài chính theo nguyên tắc tự trị đại học. Sinh viên và phụ huynh chính là những người kiểm tra chất lượng giáo dục đại học.

Giữa tháng 2/2019, Bộ trưởng Đại học Chris Skidmore tuyên bố: “Sẽ có một số đại học phải chia tay với cuộc chơi trong một môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt”.

Vai trò của đại học trong nền kinh tế địa phương

Sheffield nay được xem là “thành phố sinh viên” hơn là thành phố thép như trước trong nền kinh tế địa phương. Ông Nick Hillman nhận định: “Khủng hoảng tài chính trong giáo dục đại học không được chia sẻ đồng đều và đại học nào thu hút được nhiều sinh viên nhất sẽ thắng. Chỉ những kẻ đuối sức mới thất bại!”.

Các đại học lớn thường được xem là chỗ dựa của nền kinh tế địa phương nên việc để nó phải đóng cửa là điều tối kỵ. Nhưng nuôi sống nó cũng không dễ nếu không có bàn tay của chính phủ. Một báo cáo mới của Ủy ban đại học tư thuộc hội UPP Foundation cho thấy các đại học vẫn giữ vị trí quan trọng trong nhiều nền kinh tế địa phương.

Báo cáo cho thấy, tại Sheffield năm 1978 chỉ có 4.000 sinh viên so với gần 45.000 công nhân thép nhưng nay số sinh viên tăng lên 60.000 trong khi số người làm việc trong kỹ nghệ thép chỉ còn… 3.000!

Nhiều nhà quan sát giáo dục tin rằng sáp nhập và mua lại là tốt hơn đóng cửa để sinh viên có thể tiếp tục học tập dưới tên đại học mới. Theo cam kết bảo vệ sinh viên của các đại học với cơ quan Vụ Sinh viên (OfS) thì dù đóng cửa hay hủy bỏ môn học, các đại học vẫn phải tìm phương án giúp sinh viên học nốt phần còn lại ở đại học khác dù có gặp khó khăn tài chính.

“Cách giải quyết có thể khác nhau nhưng đây là điều bắt buộc” - nhà phân tích Louis Coiffait nói.

 

Một số đại học đang tính đến việc bán bớt đất đai để có tiền vượt qua giai đoạn khó khăn và cải tổ để phát triển. Tiến sĩ Walker tin rằng kế hoạch mới của Bộ Đại học có thể giúp đảo ngược đà sụt giảm của các học sinh sinh viên bán thời gian (part-time student) và cũng là tin vui cho các đại học mới thành lập.

“Tạo điều kiện linh hoạt cho sinh viên học đại học theo kiểu vừa học vừa làm sẽ giúp tăng đầu vào, tức là tăng doanh thu từ học phí” - ông nói.

Mức trợ cấp của chính phủ cần tương đối để các đại học có thêm nguồn tài chính vận hành ngay cả khi đầu vào giảm. Nhưng từ nay đến khi học phí giảm vào mùa thu 2020 hoặc sau đó, đang xuất hiện nỗi lo sinh viên mới sẽ chờ đến khi học phí giảm mới ghi danh khiến nguồn thu của đại học tiếp tục giảm.

Chính phủ cũng phải xem xét yếu tố này khi đưa ra các cải tổ tài chính đại học. Công đảng hứa sẽ không để cho các đại học bị vỡ nợ do vay mượn không trả được. Một kế hoạch mới vừa công bố để bảo vệ giáo dục đại học và sinh viên trước sự cạnh tranh khốc liệt đầu vào giữa các đại học.

Kế hoạch này là phản ứng trước mối quan tâm của OfS về tương lai sinh viên. OfS có quyền lực lớn trong việc giám sát và đưa ra những qui định trong giáo dục đại học.

Theo The Independent và Daily Mail

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.