Bệnh gặp chủ yếu ở các nước thuộc vùng Đông Nam Á và Bắc Australia, đặc biệt là sau những trận mưa lớn hoặc lũ lụt.
Bệnh nhân mắc Whitmore “tăng vọt”
Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11, số lượng bệnh nhân mắc Whitmore nhập viện tăng đột biến. Cụ thể, có 28 người mắc Whitmore đến bệnh viện trong hơn một tháng, sau khi các tỉnh miền Trung hứng chịu bão liên tiếp.
Giữa tháng 10, sau khi cơn bão số 9 ập vào các tỉnh miền Trung, ông Phan Thanh Miên - Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã cùng lực lượng chức năng giải cứu nhiều hộ gia đình.
Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Miên phát hiện mắc bệnh Whitmore và được điều trị tại Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (Đồng Hới, Quảng Bình). Sau đó, ông được chuyển đến Bệnh viên Trung ương Huế. Do bệnh tình quá nặng, ông đã tử vong vào ngày 11/11.
Đáng lo ngại là, không ít bệnh nhân nhập viện khi nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng... Việc nhập viện muộn khiến quá trình điều trị khó khăn, chi phí cao, nhưng kết quả không khả quan.
Theo thống kê tại Bệnh viện Trung ương Huế, từ năm 2014 - 2019, có 83 trường hợp mắc Whitmore. Từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, bệnh viện ghi nhận 11 ca mắc Whitmore.
Ủ bệnh... vài năm
TS.BS Nguyễn Kiên Cường - Viện Y học Dự phòng Quân đội, cho biết: “Vi khuẩn gây bệnh Melioidosis có tên là Burkholderia pseudomallei. Đây là loại trực khuẩn gram âm, có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh thường được sử dụng một cách tự nhiên. Điều này khiến bệnh khó điều trị”.
Do đó, nếu không được điều trị, 10 người mắc bệnh sẽ có 9 người tử vong. Khi được điều trị bằng các loại kháng sinh phù hợp, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân mắc Whitmore là khoảng dưới 40%.
“Bệnh Witmore hay còn gọi Melioidosis, là một bệnh truyền nhiễm có thể lây sang người hoặc động vật. Bệnh gặp chủ yếu ở các nước thuộc vùng Đông Nam Á và Bắc Australia, đặc biệt là sau những trận mưa lớn hoặc lũ lụt”, TS Cường lý giải.
Vi khuẩn gây bệnh Melioidosis được tìm thấy trong nước và đất bị ô nhiễm. Con người và động vật có thể nhiễm bệnh do uống nước bị nhiễm khuẩn, hoặc tiếp xúc với đất ô nhiễm, đặc biệt là qua các vết trầy xước trên da. Bệnh hiếm khi lây truyền từ người sang người. Tình trạng này chỉ xảy ra khi các vết xước trên cơ thể tiếp xúc với máu và dịch tiết của người mắc bệnh.
TS Cường cảnh báo, bệnh Melioidosis có các dấu hiệu và triệu chứng dễ bị nhầm với bệnh khác như: Lao, cúm hoặc viêm phổi. Thời gian ủ bệnh (từ khi nhiễm khuẩn đến khi khởi phát triệu chứng) thường không rõ ràng. Có thể từ vài ngày đến vài năm, nhưng phổ biến là sau 2 - 4 tuần.
Trường hợp nhẹ chỉ nhiễm trùng khu trú. Các triệu chứng có thể bao gồm: Đau hoặc sưng ở một vùng khu trú, như sưng đau tuyến mang tai, sốt, vết loét trên da hoặc áp xe dưới da. Ban đầu, những nốt này có thể cứng, màu xám hoặc trắng. Sau đó, chúng trở nên mềm và bị viêm, giống như những vết thương do vi khuẩn ăn thịt gây ra.
Vi khuẩn “ưa” người mắc bệnh mạn tính
Vi khuẩn từ da xâm nhập vào máu, gây tổn thương các cơ quan. Tổn thương phổi là thường gặp nhất và gây ra bệnh cảnh lâm sàng, từ viêm phế quản nhẹ đến viêm phổi nặng.
Sự khởi phát của bệnh Melioidosis điển hình biểu hiện với các triệu chứng: Sốt cao, nhức đầu, chán ăn, đau nhức cơ, ho, đau tức ngực… Những người trên 40 tuổi mắc bệnh Whitmore có nguy cơ cao bị nhiễm trùng máu. Họ cũng có thể phát triển các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với người trẻ.
Bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn là người bị tiểu đường, suy gan, suy thận. Hoặc có thể mắc các bệnh mạn tính gây suy giảm miễn dịch như ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Những trường hợp này khi mắc Whitmore có nhiều khả năng tiến triển thành nhiễm khuẩn huyết. Từ đó, dẫn đến sốc nhiễm trùng, tổn thương đa tạng và tử vong.
Việc tiếp xúc với đất hoặc nước nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei có thể khiến mọi người mắc bệnh Melioidosis. Hiện nay, chưa có vắc-xin phòng bệnh. Do đó, TS Cường khuyến cáo, những người sống hoặc công tác ở vùng có dịch bệnh lưu hành nên ăn chín, uống sôi. Ngoài ra, cần thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch. Thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường.
“Những người có vết thương hở trên da, mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận mãn tính, bệnh mạn tính gây suy giảm miễn dịch, hoặc sử dụng thuốc cortiocid dài ngày có nguy cơ mắc bệnh Melioidosis. Do đó, cần tránh tiếp xúc với đất và nước đọng. Nên ở nhà trong suốt thời kỳ mưa gió, tránh hít phải bụi ô nhiễm với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei”, chuyên gia nhấn mạnh.
Ngoài ra, người làm nông nên đi ủng, ngăn ngừa nhiễm trùng qua bàn chân và cẳng chân.