Vi khuẩn “ăn thịt người” gây bệnh whitmore xâm nhập vào cơ thể bằng cách nào?

GD&TĐ - Vi khuẩn B. pseudomallei không truyền trực tiếp từ người sang người. Nó sống trong bùn đất và nước, đi vào cơ thể theo vùng da bị tổn thương tiếp xúc với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn.

Gần đây bệnh Whitmore có dấu hiệu gia tăng, khiến người dân lo ngại.
Gần đây bệnh Whitmore có dấu hiệu gia tăng, khiến người dân lo ngại.

Thông tin về số ca nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” gây bệnh whitmore xuất hiện tại một số địa phương như: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Nguyên... Tại Bệnh viện Bạch Mai hiện cũng có hàng loạt ca bệnh whitmore nhập viện, đã gây tâm lý lo ngại trong cộng đồng.

Ông Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Whitmore được ghi nhận rải rác từ những năm 1950 nhưng số lượng ít, 5 - 10 năm có khoảng 20 ca, và được xếp vào nhóm “căn bệnh bị lãng quên”.

Gần đây bệnh này có dấu hiệu gia tăng, riêng Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 20 ca bệnh, trong đó riêng tháng 8 vừa qua có 12 ca bệnh, 4 người trong đó đã tử vong.

Cũng theo ông Cường, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư tiếp nhận 10-20 bệnh nhân/năm, chưa kể bệnh nhân vào các bệnh viện ở Nghệ An, Hà Tĩnh... Số trường hợp mắc bệnh có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt vào tháng 7-11 là thời điểm mưa nhiều hằng năm.

Whitmore là gì?

Whitmore là tên khoa học của bệnh "vi khuẩn ăn thịt người" (hay melioidosis), là một bệnh "nhiễm trùng gây chết người" từ khuẩn Burkholderia pseudomallei, gây ảnh hưởng đến cả người và động vật.

Các tác nhân gây bệnh

Bệnh có khả năng lây lan qua tiếp xúc với nước và đất bị nhiễm khuẩn, thường xuất hiện ở nơi khí hậu nhiệt đới gió mùa.

Con người hoặc động vật có thể bị nhiễm bệnh khi hít phải bụi bẩn hoặc các giọt nước bị nhiễm vi khuẩn; Khi uống nước bị nhiễm mà không được khử trùng; Khi sờ vào đất bị nhiễm bằng tay hoặc chân trần, đặc biệt là nếu có trầy xước trên da. Vi khuẩn Whitmore sống rất dai, có thể sống nhiều năm liền trong môi trường đất và nước đã bị nhiễm khuẩn.

Triệu chứng khi nhiễm khuẩn Whitmore

Bệnh có thể xuất hiện ở vị trí khác nhau và có các triệu chứng khác nhau nên dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của nhiễm trùng thông thường khác như quai bị, áp xe, viêm tấy..

Tỉ lệ tử vong của Whitmore là 40 - 60%, bệnh nhân có thể tử vong trong 1 tuần với các trường hợp nặng bị nhiễm khuẩn cấp.

Nhiễm trùng phổi: Các triệu chứng bao gồm ho (có đờm hoặc không), đau ngực khi thở, sốt cao, đau đầu và đau cơ, sụt cân.

Nhiễm trùng máu: Các triệu chứng bao gồm sốt cao rét run, đau đầu, đau họng, khó thở, đau vùng bụng trên, tiêu chảy, đau khớp và đau cơ, mất phương hướng, vết loét có mủ trên da.

Nhiễm trùng khu trú: Đau hoặc sưng ở một vùng nhất định (khu trú), chẳng hạn như tuyến mang tai, nơi thường liên quan nhất với quai bị và nằm bên dưới và phía trước tai.

Sốt, loét hoặc áp xe trên, hoặc ngay bên dưới da - có thể bắt đầu như những nốt u cục cứng chắc màu xám hoặc trắng, trở nên mềm và viêm; sau đó trông giống như vết thương do vi khuẩn ăn thịt gây ra.

Nhiễm trùng rải rác: Vết loét hình thành ở nhiều cơ quan khác nhau rải rác trên cơ thể, sụt cân, đau đầu, co giật, đau ở các bộ phận khác nhau (ngực, dạ dày, cơ, khớp).

Nghệ An có 3 ca trẻ em mắc bệnh Whitmore.
Nghệ An có 3 ca trẻ em mắc bệnh Whitmore. 

Phương pháp điều trị

Hiện tại chưa có vaccine phòng và điều trị bệnh Whitmore. Khi nhiễm bệnh chỉ có thể điều trị qua hai giai đoạn.

Giai đoạn 1: Tối thiểu 10 đến 14 ngày dùng kháng sinh truyền tĩnh mạch (IV). Điều trị bằng kháng sinh này có thể kéo dài tới 8 tuần.

Giai đoạn 2: Là 3 đến 6 tháng của một trong hai kháng sinh đường uống.

Cách phòng bệnh

Do bệnh không có triệu chứng điển hình, chưa có phác đồ điều trị hiệu quả và tỷ lệ tử vong cao. Bởi vậy, chủ động phòng bệnh là cách tốt nhất bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình.

Nên hạn chế tiếp xúc với bùn, đất hoặc các vùng nước có khả năng bị ô nhiễm. Đảm bảo vệ sinh thân thể sạch sẽ. Rửa tay, chân thường xuyên đặc biệt sau khi ra ngoài về.

Xịt khuẩn và giữ vệ sinh môi trường xung quanh. Khi có các triệu chứng như sốt cao, viêm phổi, áp xe, nổi cục nhiễm trùng ở các vùng khác nhau trên cơ thể, cần đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Xâm nhập vào cơ thể bằng cách nào?

Bệnh Whitmore rất nguy hiểm, do vi khuẩn gram âm B. pseudomallei gây ra. Nó được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1911 và ca mắc bệnh đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào năm 1936.

Khi vào cơ thể, vi khuẩn B. pseudomallei sẽ tấn công nhiều cơ quan của cơ thể dẫn đến suy đa tạng rồi sốc, tử vong. Chính vì vậy, nó còn có tên khác là vi khuẩn “ăn thịt người”. Những người đang có sẵn các bệnh lý như tim mạch, tiểu đường... thi nguy cơ bị tổn thương khi nhiễm vi khuẩn này càng lớn và khả năng tử vong càng cao.

Vi khuẩn B. pseudomallei không truyền trực tiếp từ người sang người. Nó sống trong bùn đất và nước, đi vào cơ thể theo vùng da bị tổn thương tiếp xúc với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn.

Khi đã đi vào cơ thể, diễn biến của bệnh Whitmore rất nhanh và có thể khiến con người tử vong chỉ sau 48h nhập viện. Đặc biệt là các triệu chứng của bệnh hiện tại rất mơ hồ khiến người ta thường nhầm lẫn sang các bệnh khác nên việc chủ quan dẫn đến không nhập viện kịp thời là có thể xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Hoàng Thị Hương ân cần với học trò.

'Mầm xuân' ở vùng đất khó

GD&TĐ - Những cô giáo ở Mù Cang Chải (Yên Bái) ngày đêm miệt mài gieo hạt giống tri thức cho những học trò vùng cao gian khó...

Tuyết rơi tại xã Thượng Phùng sáng 26/1.

Hà Giang có tuyết rơi

GD&TĐ - Một số địa phương tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang) có tuyết rơi vào sáng 26/1.