Nguy cơ ung thư do thuốc kháng sinh

GD&TĐ - Một nghiên cứu được thực hiện trên 40 nghìn trường hợp ung thư ở Thụy Điển cho thấy, dùng thuốc kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng từ 5 đến 10 năm.

Những đợt sử dụng kháng sinh ngắn cũng có nguy cơ gây ung thư.
Những đợt sử dụng kháng sinh ngắn cũng có nguy cơ gây ung thư.

Nguy cơ cao hơn 17%

Các nghiên cứu trước đây đã gợi ý rằng, thuốc kháng sinh có thể gây ra những thay đổi lâu dài đối với hệ vi sinh vật đường ruột. Chúng là cộng đồng vi sinh vật sống trong đường tiêu hóa. Những thay đổi này có thể liên quan đến nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng.

Mới đây, trong nghiên cứu dịch tễ học lớn nhất nhằm khám phá mối liên hệ này, các nhà nghiên cứu báo cáo, nguy cơ ung thư có thể lớn hơn ở phần đầu và giữa  của ruột kết. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Viện Ung thư Quốc gia.

Tác giả nghiên cứu Sophia Harlid - chuyên gia về ung thư tại Đại học Umea (Thụy Điển), cho biết: “Rất rõ ràng, khi chúng tôi xem xét dữ liệu, nó giới hạn trong phần đầu và giữa, hoặc bên phải của ruột kết. Thực tế, nguy cơ ung thư liên quan đến kháng sinh cao nhất khi bắt đầu xuất hiện ở ‘đại tràng lên’, kéo dài từ bụng dưới đến phần trên bên phải”.

Theo nghiên cứu, những người dùng thuốc kháng sinh trong hơn 6 tháng có nguy cơ ung thư cao nhất. So với những người không dùng thuốc kháng sinh, nhóm này có nguy cơ phát triển ung thư đại tràng cao hơn 17%.

Những phát hiện mới này lặp lại kết quả của một nghiên cứu tương tự, nhưng với quy mô nhỏ hơn tại Vương quốc Anh. Nghiên cứu được công bố vào năm 2019 trên tạp chí Gut.

Tiến sĩ Cynthia Sears - tác giả cấp cao của nghiên cứu ở Vương quốc Anh, người không tham gia vào công trình mới đây, chia sẻ: “Nghiên cứu của Thụy Điển phù hợp với các dữ liệu khác được đưa ra... Điều này thực sự cải thiện niềm tin rằng, có một mối liên hệ giữa kháng sinh và ung thư”.

Bà Sears - đồng thời là Giáo sư y khoa và ung thư tại Đại học Y khoa Johns Hopkins, kiêm Giáo sư vi sinh phân tử và miễn dịch học tại Trường Y tế Công cộng Bloomberg nhấn mạnh, điều quan trọng cần lưu ý là những nghiên cứu này chỉ xác định mối tương quan.

Nghiên cứu không chỉ ra rằng, kháng sinh trực tiếp gây ra ung thư đại trực tràng. Thực tế, nghiên cứu đưa ra những giả thuyết về việc làm thế nào các loại thuốc có thể khiến phần ruột dễ bị tổn thương hơn do sự phát triển của ung thư.

“Suy nghĩ của chúng tôi là bạn đang phá vỡ sự cân bằng của hệ vi sinh vật. Điều này có thể cho phép các loại vi khuẩn truyền nhiễm như Escherichia coli và Klebsiella pneumoniae trở nên nổi bật ở nơi chúng thường bị các vi khuẩn khác lấn át”, Giáo sư Sears chia sẻ.

Hiện tượng này có thể làm tăng tình trạng viêm ruột kết. Từ đó, tạo ra những hóa chất phản ứng có thể làm hỏng ADN và xuất hiện các khối u. Ngoài ra, lớp niêm mạc bên trong của ruột sau đó có thể trở nên mỏng hơn.

Tình trạng này cho phép vi khuẩn xâm nhập vào thành ruột kết và liên kết với nhau trong các cấu trúc gọi là màng sinh học. Giáo sư Sears dẫn chứng, các nghiên cứu cho thấy, hầu hết các bệnh ung thư đại tràng gần (gần 90%) đều có liên quan đến những màng sinh học như vậy.

Theo Giáo sư Sears, phần đầu và giữa ruột kết có thể đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những thay đổi này. Tuy nhiên, cơ chế tiềm năng này vẫn cần được nghiên cứu thêm. Theo bà Sears, nghiên cứu mới đã củng cố mối liên hệ giữa kháng sinh và ung thư đại trực tràng.

Kháng sinh ảnh hưởng hệ vi sinh vật đường ruột

Nghiên cứu mới đã củng cố mối liên hệ giữa kháng sinh và ung thư đại trực tràng.

Nghiên cứu mới đã củng cố mối liên hệ giữa kháng sinh và ung thư đại trực tràng.

Nhóm nghiên cứu phát hiện, ngay cả những đợt kháng sinh ngắn cũng có nguy cơ gây ung thư. Song, nguy cơ này nhỏ hơn nhiều so với người sử dụng kháng sinh theo phác đồ kéo dài hàng tháng. Bà Harlid nhận định, dữ liệu này có thể cung cấp một lý do khác để ngăn tình trạng kê đơn quá nhiều thuốc kháng sinh. Đồng thời, có thể ngăn chặn sự xuất hiện của siêu vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

Nghiên cứu mới sử dụng dữ liệu từ Cơ quan đăng ký ung thư đại trực tràng Thụy Điển. Sau đó, các nhà khoa học xác định hàng chục nghìn bệnh nhân ung thư đại trực tràng đã được chẩn đoán từ năm 2010 - 2016.

Dữ liệu từ Cơ quan đăng ký thuốc theo toa của Thụy Điển cho phép nhóm nghiên cứu theo dõi việc sử dụng kháng sinh của những bệnh nhân này từ năm 2005 - 2016. Họ cũng so sánh những bệnh nhân ung thư với hơn 200.000 người Thuỵ Điển khoẻ mạnh.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ rõ ràng giữa việc sử dụng kháng sinh và ung thư đại trực tràng. Song, không tìm thấy mối liên hệ nào với bệnh ung thư trực tràng hoặc các phần khác.

Các nhà khoa học muốn xác định nguyên nhân các loại thuốc này có thể gây ung thư ở đại trực tràng. Họ đã phát hiện methenamine hippurate trong số thuốc được kê đơn. Đây là một loại thuốc giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.

Mặc dù có tác dụng kháng khuẩn, nhưng thuốc không làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột. Bởi, thuốc chỉ có thể được kích hoạt bởi nồng độ axit cao của nước tiểu. Vì vậy, methenamine hippurate được cho là không liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư.

Khi sàng lọc tất cả dữ liệu, nhóm nghiên cứu phát hiện, kháng sinh ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột có khả năng gây ung thư đại trực tràng. Những kết quả này hỗ trợ thêm cho mối liên hệ giữa kháng sinh và ung thư.

Song, nghiên cứu vẫn còn những hạn chế. Ví dụ, dữ liệu không bao gồm bất kỳ thông tin nào về chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc hoặc sử dụng rượu của các cá nhân. Bởi, tất cả yếu tố này đều có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Ngoài ra, Cơ quan Đăng ký Thuốc kê đơn của Thụy Điển không phản ánh liệu các cá nhân đã hoàn thành liệu trình kháng sinh hay chưa.

Theo Live Science

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.