Biểu hiện lâm sàng đa dạng
Sáng 19/9 trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lê Đăng Khoa - Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa - cho biết, bệnh nhi mắc bệnh Whitmore ở xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương đã tử vong.
Bệnh nhi sinh năm 2008, điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa từ ngày 4/9. Theo điều tra dịch tễ của Trung tâm Y tế huyện Quảng Xương, từ ngày 22 - 30/8, bệnh nhi có biểu hiện đau họng, ho, sốt cao, uống nhiều nước, sụt 7 kg trong vòng 10 ngày. Gia đình tự mua thuốc cho trẻ điều trị tại nhà nhưng không đỡ.
Ngày 1/9, gia đình đưa bệnh nhi đến Phòng khám An Phúc (xã Tiên Trang) để khám và lấy thuốc theo đơn về điều trị, nhưng bệnh diễn biến ngày càng nặng với biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, ăn uống kém...
Tiếp đó, bệnh nhi được người nhà đưa đến Bệnh viện 71 Trung ương (đóng tại xã Quảng Tâm, thành phố Thanh Hóa) để khám và điều trị. Tại đây, bệnh nhi được làm các xét nghiệm cơ bản có chỉ số đường huyết cao, đi tiểu tiện không tự chủ, co giật toàn thân 2 cơn, mỗi cơn kéo dài 5 - 10 phút.
Ngày 4/9, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa trong tình trạng nguy kịch, suy tuần hoàn hô hấp, thở nấc, đồng tử 2 bên 3 mm, nhịp tim không đều, nhanh, có nhịp ngoại tâm thu...
Sau khi tiến hành các xét nghiệm, bệnh nhi được phát hiện các chỉ số về bạch cầu, hồng cầu, định lượng Pro-calcitonin máu... đều tăng cao. Xét nghiệm cấy máu phát hiện bệnh nhi có vi khuẩn gây bệnh Brukholderia pseudomallei (bệnh Whitmore).
Theo đánh giá ban đầu, bệnh nhi bị viêm phổi nặng, suy gan, suy thận; có bệnh lý kèm theo là tiểu đường và béo phì. Bệnh nhi được điều trị hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, điều trị kháng sinh, điều chỉnh đường huyết. Tuy nhiên, diễn biến bệnh ngày càng nặng. Bệnh nhi tử vong trong tình trạng suy đa tạng, phải lọc máu nhiều lần.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh Melioidosis (Whitmore) do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Con người có thể mắc bệnh Melioidosis khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng bao gồm sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng.
Không gây dịch lớn
TS.BS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, tại bệnh viện, hằng năm vẫn có những ca bệnh rải rác phù hợp với đặc điểm chung của nhóm bệnh là nhiễm vi khuẩn Whitmore.
Thông thường, Whitmore không gây dịch lớn. Tuy nhiên, vi khuẩn vẫn tồn tại trong đất và khi điều kiện thuận lợi sẽ gây bệnh với từng cá thể, xâm nhập vào cơ thể. Ví dụ, ở những vùng đất nông nghiệp, người dân hay đi chân đất và tiếp xúc với bùn đất ở những khu vực ngập lụt. Sau một thời gian tiếp xúc kéo dài và có những tổn thương ở bề mặt da, lúc đó, người dân sẽ bị vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Một số trường hợp sẽ gây bệnh.
Bệnh Whitmore có nhiều thể khác nhau. Trong đó, nặng nhất là tình trạng nhiễm trùng máu. Nếu có tình trạng nhiễm trùng máu, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30 - 40%. Ở trẻ em, chủ yếu là trường hợp viêm hạch do Whitmore. Nếu trẻ chỉ gặp viêm hạch thường tiên lượng tốt, thời gian điều trị 4 - 6 tuần.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, biểu hiện lâm sàng ở trẻ em có thể là thể bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhưng không thường xuyên. Ngược lại, trẻ thường gặp các tổn thương da hoặc viêm mủ, áp xe tuyến mang tai.
Tất cả trường hợp nhiễm B. pseudomalei từ nhẹ đến nặng đều cần được điều trị ban đầu bằng kháng sinh tĩnh mạch ít nhất hai tuần. Sau đó, điều trị duy trì kháng sinh đường uống trong tối thiểu ba tháng.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), bệnh Whitmore thường khó phát hiện. Trong khi đó, vi khuẩn gây bệnh này thường kháng nhiều loại kháng sinh. Quá trình điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng liều kháng sinh cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 - 6 tháng nữa mới phòng được tái phát.
Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, gây suy kiệt sức khỏe. Đồng thời, chi phí điều trị cũng là một gánh nặng cho các bệnh nhân bởi phải dùng các loại kháng sinh đắt tiền trong dài ngày.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo, người nhiễm cần cảnh giác với bệnh khi nhập viện trong khoảng thời gian từ tháng 6 - 11, ở độ tuổi từ 35 trở lên. Đồng thời, cần cảnh giác nếu nhập viện với tình trạng viêm phổi, sốt, đa áp xe; có tiền sử đái tháo đường, nghiện rượu, thận mạn, người sử dụng corticoid hoặc ung thư…
Hiện, bệnh Whitmore chưa có vắc-xin. Để chủ động phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm. Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn.
Ngoài ra, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng. Thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.
Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng, cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh. Những người có bệnh tiểu đường, gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch… cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.