Nguy cơ từ nước nhiễm xạ rò rỉ

Nguy cơ từ nước nhiễm xạ rò rỉ

(GD&TĐ) - Theo báo cáo của công ty Điện Tokyo (Tepco), công ty điều hành nhà máy điện nguyên tử bị sóng thần phá hủy ở Fukishima, khoảng 300 tấn nước có độ phóng xạ cao đang rò rỉ từ một trong hàng trăm bể chứa bằng thép ở nhà máy điện Dai-ichi. Tepco cho rằng có thể nước bị rò từ một mối hàn nối hoặc từ một van của bể nước.

Sự cố phóng xạ mức độ 1

Vì bể chứa này nằm cách bờ biển khoảng 100m nên nước phóng xạ không chảy thẳng vào biển, nhưng theo Hideka Morimoto, người phát ngôn của cơ quan Quản lý nguyên tử Nhật Bản, nước nhiễm xạ từ bể chứa có thể lan ra biển theo một mương dẫn. Năm ngoái cũng có 4 bể chứa có kết cấu tương tự bị rò rỉ, khiến nhiều người đặt câu hỏi về độ tin cậy của các bể chứa nước nhiễm xạ này. Đây là vụ rò rỉ nước nhiễm xạ lớn nhất so với 4 vụ trước đó, chỉ gây rò rỉ khoảng chục lít nước. Ông Morimoto đề nghị công ty Tepco nhanh chóng quyết định nguyên nhân của sự rò rỉ và những ảnh hưởng có thể gây ra. Cơ quan này đánh giá sự cố ở mức độ 1 (mức độ thấp thứ 2/8 của Thang đánh giá nguyên tử và phóng xạ thế giới).

Masayuki Ono, người phát ngôn của Tepco, cho biết lượng nước rò rỉ đã thấm xuống đất sau khi chảy qua bờ bao bằng xi măng được gia cố bằng các túi cát xung quanh bể nước. Công nhân tiếp tục bơm hút lượng nước rò rỉ với mực nước cao đến 50cm để ngăn chặn nước nhiễm xạ chảy ra biển trước nguy cơ những cơn mưa tràn đến khu vực Fukushima. Đến chiều 21/8, công nhân đã hút được 4 tấn nước để xử lý.

Nước nhiễm xạ: Cần 1 thập kỷ mới xử lý hết!

Nhà máy điện nguyên tử này đã chịu nhiều ảnh hưởng khi động đất – sóng thần quét qua hồi tháng 3/2011. Hàng trăm bể chứa đã được xây dựng quanh nhà máy để chứa lượng nước nhiễm xạ khổng lồ từ 3 lò phản ứng có lõi lò bị tan chảy, cùng nước ngầm được đưa vào lò phản ứng và turbine ở tầng hầm. Dù vậy, hàng ngày vẫn có hàng trăm tấn nước không thể thu gom được đã chảy vào Thái Bình dương, hầu hết là nước bề mặt lẫn với nước nhiễm xạ chưa được xử lý từ nhà máy.

Theo ông Ono, những bể nước bị rò này đều sử dụng các gioăng cao su có tuổi thọ 5 năm. Tepco đang xây dựng các bể chứa có sức bền cao hơn, tính đến năm 2015 sẽ chứa được thêm 800.000 tấn nước, nhưng vẫn phải phụ thuộc vào các bể cũ. Hiện nay, có khoảng 350 bể chứa cùng loại với bể bị rò rỉ quanh khu phức hợp, chứa gần 300.000 tấn nước nhiễm xạ đã được xử lý một phần. “Chúng tôi không có cách nào khác ngoài việc tiếp tục xây dựng các bể chứa, bởi không có chỗ nào để chứa nước nhiễm xạ cả”, ông Ono nói. Nước nhiễm xạ là nước có thể tái sử dụng để làm mát lò, nhưng lượng nước này tăng tới 400 tấn/ ngày do nước ngầm thẩm thấu. Ước tính phải cần đến 1 thập kỷ để xử lý hết lượng nước nhiễm xạ được sử dụng trong quá trình làm sạch.

Phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi tiếp tục rò rỉ ra môi trường - Ảnh: Reuters
Phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi tiếp tục rò rỉ ra môi trường - Ảnh: Reuters

Con tạo oái oăm

Các nhà chức trách đã phải mời Công ty Hanford Engineer Works (Mỹ) giúp giải quyết vấn đề. Oái oăm thay, chính công ty này là nơi sản xuất trái bom chứa 9kg plutonium đã phá hủy Nagasaki năm 1945, sau này tiếp tục sản xuất plutonium cho hầu hết các kho vũ khí nguyên tử Mỹ. Năm 1987, 9 lò phản ứng cuối cùng của Hanford đã được đóng cửa. Khu vực Hanford với diện tích hơn 1500 km, cách Seatle 320 km về phía đông nam, cũng là điểm có nhiều nước thải nhiễm xạ nhất thế giới. Tepco đã gửi kỹ sư đến Hanford để học tập kinh nghiệm “đương đầu” với nước thải nhiễm xạ trong nhiều thập kỷ qua. Hanford cũng là nhà tiên phong trong việc sử dụng phương pháp xây dựng “kén bê tông” để “khóa chặt” các lò phản ứng không sử dụng trong 75 năm – thời gian để chất phóng xạ tự phân hủy, trước khi có những biện pháp xử lý cuối cùng. Phương pháp này giảm thiểu 11 nghìn tỷ yên trong việc xử lý làm sạch nhà máy điện ở Fukushima.

Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố chính phủ Nhật sẽ nhờ tới sự giúp đỡ từ bên ngoài, và tài trợ cho quá trình khắc phục sự cố rò rỉ nước nhiễm xạ tại nhà máy Daiichi ở Fukushima. Tuy nhiên, bản thân Hanford cũng đang phải đối mặt với những thách thức riêng của mình: 6 trong số 177 bể chứa tại đây, bên bờ sông Columbia, cũng đang rò rỉ. Kể từ năm 1989, Bộ năng lượng Mỹ đã tiêu hơn 16 tỷ dollar để làm sạch Hanford. Quá trình sản xuất chất phóng xạ cho các kho vũ khí nguyên tử Mỹ đã làm sạch phát sinh 211 triệu lít nước nhiễm xạ.

Nguyên Sa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ