Nguy cơ thiếu máu khiến bệnh viện đang phải “cầm cự” từng ngày

Nguy cơ thiếu máu khiến bệnh viện đang phải “cầm cự” từng ngày

“Cầm cự” những ngày phòng dịch Covid-19

Trao đổi với GD&TĐ, BS. Phạm Thị Ngọc Ánh, Trưởng khoa Huyết học - truyền máu (Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết, lượng máu lưu trữ tại Khoa hiện còn khoảng 690 đơn vị, trong khi mỗi ngày phải cung ứng về các khoa để phục vụ công tác khám chữa bệnh trung bình từ 50 đến 60 đơn vị.

Trước đây, khoa Huyết học- truyền máu đều đảm bảo mức lưu trữ ít nhất từ 1.000 đơn vị máu trở lên, thì nay có những ngày con số ấy nằm sát ở mức báo động. “ Nếu dưới 500 đơn vị máu thì rất đáng lo ngại vì cần đáp ứng kịp thời công tác cấp cứu, khám chữa bệnh. Chúng tôi phải tìm mọi cách duy trì nguồn máu dự trữ để đảm bảo cung ứng” – BS Phạm Thị Ngọc Ánh cho biết.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, buộc các trường đại học cho sinh viên nghỉ học kéo dài, người dân cũng được khuyến cáo không nên tụ tập đông người, khiến nhiều lịch lấy máu cộng đồng, hiến máu tình nguyện bị hủy.

Là một trong những người tiếp nhận, hướng dẫn người dân đến hiến máu tự nguyện tại khoa, Kỹ thuật viên Nguyễn Thị Oanh (khoa Huyết học- truyền máu – BV Đà Nẵng) cho biết, lượng người đến hiến máu giảm hơn nhiều so với trước, đặc biệt từ thời điểm có khuyến cáo về dịch Covid-19.

Người đến hiến máu được hướng dẫn tận tình, đảm bảo các thủ tục theo quy định.
 Người đến hiến máu được hướng dẫn tận tình, đảm bảo các thủ tục theo quy định. 

Theo Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện thành phố Đà Nẵng, trong tháng 2/2020 và dự kiến trong thời gian tới, sẽ có nguy cơ thiếu máu trầm trọng tại các bệnh viện như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Sản - Nhi, BV Ung bướu và một số bệnh viện khác do tâm lý e ngại hiến máu tình nguyện trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Nhiều đơn vị đã được giao kế hoạch vận động hiến máu tình nguyện theo lịch hàng tháng đã có văn bản xin tạm hoãn kế hoạch tổ chức thực hiện.

Trong khi đó, bình quân hàng tháng toàn địa bàn thành phố phải vận động 3.000 đơn vị máu để đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị bệnh của các bệnh viện. Khiến bài toán vừa phải đáp ứng đủ lượng máu dự trữ, vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 gặp khó hơn bao giờ hết.

Khẩn trương “lấp đầy” ngân hàng máu

Những ngày này ở khoa Huyết học- truyền máu (BV Đà Nẵng), các y bác sĩ, kỹ thuật viên phải liên tục tìm ra các phương án để “lấp” đầy lượng máu lưu trữ. Làm việc cả những ngày cuối tuần, trực đường dây nóng để sẵn sàng tư vấn, tiếp nhận những người đến hiến máu.

BS. Phạm Thị Ngọc Ánh cho biết, ngoài việc lấy máu cả những ngày cuối tuần, tiếp nhận lấy máu ngoài giờ và nhờ các tổ chức, câu lạc bộ máu nóng hỗ trợ, Khoa Huyết học- truyền máu còn tăng cường thực hiện đổi máu người nhà, nhằm đảm bảo duy trì lượng máu phục vụ cấp cứu, chữa bệnh.

Đảm bảo lượng máu dự trữ để phục vụ công tác cấp cứu, khám chữa bệnh.
 Đảm bảo lượng máu dự trữ để phục vụ công tác cấp cứu, khám chữa bệnh.

“Chúng tôi luôn phải tập trung tìm đơn vị máu, thực hiện đổi máu người nhà cũng như tăng cường công tác trực, tiếp nhận qua nhiều hình thức, hỗ trợ tối đa những người đến hiến máu” – BS Ánh chia sẻ.

Cũng phải nói thêm rằng, thông qua những tổ chức, những CLB máu nóng trên địa bàn, Khoa Huyết học- truyền máu đã kịp thời thông tin, kêu gọi đến người dân để nhanh chóng đảm bảo được nguồn dự trữ máu. Kịp thời xử lí các trường hợp cấp cứu bệnh nhân khi cần một lượng máu lớn. BS. Phạm Thị Ngọc Ánh cũng bày tỏ niềm vui, ghi nhận những người đã đến hiến máu tự nguyện, trong đó có rất nhiều bạn trẻ với tinh thần sẵn sàng hiến máu, khi chỉ cần đáp ứng đủ sức khỏe, điều kiện.

Lần đầu tiên hiến máu tự nguyện, anh Lâm Học (trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) được các y bác sĩ tại khoa Huyết học truyền máu hướng dẫn tận tình, làm đầy đủ các thủ tục. “ Mình thấy thông tin bệnh viện đang rất cần đơn vị máu nên tranh thủ vào giờ gần trưa mình ghé qua hiến máu, cũng với mục đích giúp đỡ, cứu người” – anh Học cho biết.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện thành phố Đà Nẵng cũng đã có công văn yêu cầu các đơn vị tổ chức các chương trình hiến máu tình nguyện theo kế hoạch đã được phê duyệt cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên người tham gia hiến máu tình nguyện.

Việc tạm hoãn kế hoạch hiến máu tình nguyện do sinh viên nghỉ học, cần phải có kế hoạch bố trí các đơn vị khác hiến máu thay thế. Sau khi sinh viên trở lại trường, sẽ tổ chức hiến máu theo kế hoạch được giao.

Ngoài ra, cần điều chỉnh quy mô và bố trí thời gian hợp lý cho người tham gia hiến máu để đảm bảo không tập trung quá đông người vào cùng thời điểm; lồng ghép tuyên truyền phòng chống dịch, cũng như hoãn các chương trình, sự kiện lồng ghép không cần thiết.

Bà Lê Thị Như Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi cũng hướng đến hiến máu quy mô nhỏ. Nếu như bình thường một đợt hiến máu có thể từ 100 - 500 người thì nay chỉ cần 10, 15 hay 30 người cũng sẽ tổ chức. Hội đang ra sức vận động hiến máu từ các câu lạc bộ, công chức, viên chức và sinh viên các trường khi các em đi học trở lại”.

Theo lịch dự kiến, vào sáng chủ nhật tới đây (16/2), sẽ có điểm tiếp nhận hiến máu tình nguyện tại Trường THCS Sào Nam (đường Lê Hồng Phong, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Người dân hiến máu tình nguyện cũng có thể đến trực tiếp Khoa Huyết học truyền máu (Bệnh viện Đà Nẵng) hoặc liên hệ qua số điện thoại 02363885300 để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ