Số lượng trẻ dậy thì sớm gấp 35 lần so với cách đây 10 năm, nữ bị dậy thì sớm gấp 20 lần nam
Theo TS.BS Bùi Phương Thảo, Phó trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương: Những năm gần đây, khoa tiếp nhận trên 350 trẻ/năm đến khám và điều trị vì dậy thì sớm. Trong khi trước đó 10 năm thì con số này chỉ là 10 trẻ/năm.
TS Thảo cũng cho biết tuổi dậy thì ở cả nam và nữ ngày càng giảm. 100 năm trước, nữ giới thường xuất hiện kinh nguyệt vào năm 15-16 tuổi. Đến nay, tuổi dậy thì của bé gái là 8-13 tuổi, bé trai 9-14 tuổi.
Dậy thì sớm ở trẻ em được chia làm 2 loại: Ngoại biên và trung ương.
- Dậy thì sớm ngoại biên có bất thường và u nang buồng trứng, bệnh lý di truyền gây tiết hormone sinh dục.
- Dậy thì sớm trung ương có sự bất thường hoặc khối u trong não, gây kích thích tuyến sinh dục.
Độ tuổi nhỏ nhất được chẩn đoán và điều trị dậy thì sớm là vài tháng tuổi, những bệnh nhi này đều mắc bệnh lý di truyền. Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã từng điều trị cho nhiều bé gái 3-4 tuổi có khối bất thường trong não dẫn đến việc có kinh nguyệt.
Cũng theo bác sĩ, ở nước ta tình trạng trẻ gái dậy thì sớm chiếm tỷ lệ cao hơn trẻ nam. Ở dậy thì sớm trung ương, tỷ lệ nữ bị dậy thì sớm gấp 20 lần nam.
Để có hướng giải quyết đúng đắn nhất, các bác sĩ khẳng định bố mẹ nên phát hiện kịp thời những dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ.
Bố mẹ nên chú ý những dấu hiệu bất thường này của con để sớm phát hiện dậy thì sớm
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết dậy thì sớm ở trẻ nhỏ được phân ra theo độ tuổi: ở bé gái là trước 8 tuổi và ở bé trai là trước 10 tuổi.
Dấu hiệu dậy thì ở trẻ theo từng loại như sau:
- Ngoại biên (dậy thì sớm giả):
Ở dậy thì giả, bé gái có ngực phát triển to, có lông vùng kín… nhưng tử cung lại không phát triển, không rụng trứng và không có kinh.
Với bé trai, tiếng nói ồm ồm, mọc ria mép và mọc lông bộ phận sinh dục, tinh hoàn phát triển nhưng không sản xuất được tinh trùng. Tình trạng dậy thì giả có thể là do mắc các bệnh u não, viêm não, các bệnh ở thận, thượng thận…
- Trung ương (dậy thì sớm thật):
Trẻ dậy thì sớm thật sẽ có những dấu hiệu nhận biết tương tự dậy thì giả nhưng ở bé gái sẽ xuất hiện thêm tình trạng có kinh nguyệt, tử cung, buồng trứng phát triển, ở bé trai xuất hiện hiện tượng xuất tinh…
Tuy nhiên, dù là dậy thì sớm thật hay giả thì lời khuyên chung vẫn là nên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt sau khi phát hiện những dấu hiệu.
Dậy thì sớm có thể khiến trẻ phải đối mặt với những hậu quả như thế nào?
- Ngại ngùng, tự ti: Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, những đứa trẻ gặp tình trạng dậy thì sớm khi lớn lên sẽ có cảm giác ngại ngùng, thiếu tự tin so với các bạn cùng trang lứa... Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển toàn diện của trẻ, khả năng hòa đồng, học tập và vui chơi...
- Có xu hướng quan hệ tình dục sớm trước tuổi trưởng thành: Dậy thì sớm sẽ dẫn đến chuyện yêu sớm và xu hướng quan hệ tình dục sớm trước tuổi trưởng thành. Điều này có thể gây nên những hậu quả đáng sợ như mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai nhiều lần...
- Bé gái dậy thì sớm có thể gặp ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: Bé gái bị dậy thì sớm do ảnh hưởng rối loạn nội tiết sớm gây ra hội chứng buồng trứng đa nang sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bé sau này.
- Dậy thì sớm có thể ảnh hưởng đến chất lượng học tập của trẻ nếu bé mải mê yêu đương, hẹn hò và không chú tâm đến chuyện học hành.
Dù dậy thì sớm có thể gây ra những hệ lụy đáng sợ nhưng vẫn có cách để ngăn chặn. Theo bác sĩ, khi phát hiện con có dấu hiệu dậy thì sớm, bố mẹ không nên hốt hoảng, trách mắng mà hãy đưa con đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Đồng thời, cha mẹ cần quan tâm, động viên tránh để ảnh hưởng đến tâm sinh lý của bé, theo dõi sát sao sinh hoạt của con để kịp thời điều chỉnh những bất thường...