Nguy cơ mai một lứa cầu thủ U20 mới

GD&TĐ - Đội tuyển U20 Việt Nam đã để lại ấn tượng tại Vòng chung kết U20 châu Á và mang đến sự kỳ vọng về một thế hệ trẻ tài năng.

Quốc Việt (14) ghi 2 bàn tại Vòng chung kết U20 châu Á.
Quốc Việt (14) ghi 2 bàn tại Vòng chung kết U20 châu Á.

Thế nhưng lứa cầu thủ được “quy hoạch” cho World Cup 2030 đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó có khả năng “không được thi đấu” dẫn đến nguy cơ thui chột tài năng.

Chia tay trong sự tiếc nuối

Tại sân chơi châu lục, đội tuyển U20 Việt Nam đã khởi đầu ấn tượng khi thắng liên tiếp Australia (1-0) và Qatar (2-1) và trận cuối vòng bảng, thầy trò huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn thất bại 1-3 trước U20 Iran.

Sau 3 lượt trận, bảng B U20 châu Á 2023 có 3 đội cùng giành được 6 điểm. Theo điều lệ giải, thứ hạng các đội sẽ được sắp xếp dựa trên kết quả đối đầu, hiệu số bàn thắng đối đầu, tổng số bàn thắng ghi được trong các trận đối đầu giữa các đội bằng điểm nhau.

Với cách tính này, U20 Việt Nam bị loại vì hiệu số bàn thắng thua đối đầu so với U20 Australia và U20 Iran là 2-3 (-1), trong khi U20 Iran dẫn đầu với tổng hiệu số 6-3 (+3) và U20 Australia đứng Nhì bảng với tổng hiệu số là 3-3 (+0).

Huấn luyện viên trưởng Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Tôi rất tiếc nuối. Các cầu thủ U20 Việt Nam đã thể hiện rất tốt ở 2 trận trước. Chỉ tiếc là thể hình khá nhỏ và thể lực bị bào mòn sau những trận đấu căng thẳng đã không thể giúp chúng ta làm tốt hơn. Các cầu thủ đã nỗ lực rất nhiều nhưng hết sức nghiệt ngã vì điều lệ giải”.

Việc U20 Việt Nam đánh rơi tấm vé vào tứ kết rõ ràng là tiếc nuối bởi các tuyển thủ trẻ của chúng ta chơi không tệ và sở hữu lợi thế lớn trước lượt trận cuối, chỉ cần hòa là giành vé vào vòng trong. Ngay cả trong trận thua U20 Iran 1-3, nếu Văn Khang không sút phạt dội cột dọc và U20 Việt Nam có bàn mở tỉ số ở những phút đầu hiệp 1 thì chưa biết điều gì có thể xảy ra.

Nhưng U20 Việt Nam đã không tận dụng cơ hội để làm nên bất ngờ trước Iran để rồi dừng cuộc chơi trong nước mắt.

Văn Trường (giữa) tập luyện trong màu áo đội tuyển U23 Việt Nam.

Văn Trường (giữa) tập luyện trong màu áo đội tuyển U23 Việt Nam.

Mặc dù vậy, nhìn tổng thể, các cầu thủ trẻ Việt Nam bước ra sân chơi châu lục với phong thái chững chạc, tự tin, thi đấu trách nhiệm.

Đương đầu với đội bóng hàng đầu châu Á như Iran, xét về mọi mặt, đội tuyển U20 Việt Nam chỉ chịu thua kém về mặt thể hình và thể lực ở những phút cuối trận. Còn về tinh thần thi đấu, kỹ thuật, chiến thuật, sự tinh khôn, chúng ta không hề thua kém.

Ra về với số điểm ngang bằng U20 Iran, U20 Australia, thầy trò huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn xứng đáng vào vòng sau.

Năm 2016, lứa cầu thủ sinh năm 1997 - 1999 bắt đầu một chu kỳ thành công với việc giành vé dự Vòng chung kết World Cup U20. Thế hệ đó với Hồ Tấn Tài, Đoàn Văn Hậu, Trần Đình Trọng, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Hoàng Đức, Hà Đức Chinh, Nguyễn Tiến Linh… đã trưởng thành rất nhanh. Họ đã mang đến sức sống mới giúp U23 Việt Nam giành ngôi Á quân U23 châu Á ở Thường Châu (Trung Quốc), đồng thời kết hợp với những cầu thủ tài năng như thủ môn Văn Lâm, trung vệ Quế Ngọc Hải, Duy Mạnh… tạo ra một “thế hệ vàng” cho bóng đá Việt Nam, giành vô số chiến công trong nhiệm kỳ 5 năm của huấn luyện viên Park Hang Seo.

Chính vì thế, lứa U20 hiện nay được kỳ vọng sẽ trở thành thế hệ cầu thủ kế cận, đủ tài năng để tiếp tục chinh phục các đỉnh cao mới. Văn Khang là cầu thủ hiếm hoi chưa thi đấu trận nào ở cấp độ chuyên nghiệp có bàn thắng ra mắt đội tuyển quốc gia.

Ở vòng chung kết U20 châu Á, anh lập siêu phẩm vào lưới U20 Iran và được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất 2 trận liên tiếp. Quốc Việt sau thành tích vua phá lưới U19 Đông Nam Á năm ngoái đã ghi 2 bàn ở sân chơi châu Á năm nay. Văn Trường chơi đĩnh đạc, cứng cỏi trong vai trò một nhạc trưởng đa năng và khiến các người hâm mộ liên tưởng tới tuyển thủ quốc gia Nguyễn Hoàng Đức…

Văn Khang (10) ăn mừng bàn thắng vào lưới U20 Iran.

Văn Khang (10) ăn mừng bàn thắng vào lưới U20 Iran.

Nỗi lo thường trực

Một thế hệ cầu thủ trẻ tài năng đang được định hình sau Vòng chung kết U20 châu Á. Tuy nhiên, hầu hết những gương mặt triển vọng của U20 Việt Nam trở về câu lạc bộ khó có thể được trao cơ hội, hoặc cạnh tranh vị trí để thi đấu thường xuyên. Vị trí quen thuộc của họ sắp tới là băng ghế dự bị và điều đó sẽ khiến lứa U20 đang độ tuổi phát triển không thể tiến bộ, thậm chí tài năng sẽ bị thui chột.

Đội trưởng Văn Khang gần như không có cơ hội trước những đàn anh dạn dày kinh nghiệm ở tuyến giữa Viettel là Hoàng Đức, Đức Chiến và đặc biệt ngoại binh Jaha. Văn Trường khi về Hà Nội FC cũng thật khó chen chân vào tuyến giữa đội bóng Thủ đô, bởi hiện tại ngoài suất ngoại binh mặc định của Marcao thì còn đó Văn Toàn, Hùng Dũng, Hai Long.

Trong khi đó, tiền đạo số 1 của U20 Việt Nam là Quốc Việt cũng khó chen chân vào đội hình chính của HAGL, bởi tuyến trên của đội bóng này có cặp tiền đạo ngoại Brandao - Paulo, chưa kể còn có Thanh Bình.

Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn cũng rơi vào tình thế “thất nghiệp”. Vào tháng 12/2022, ông Tuấn ký hợp đồng dẫn dắt U20 Việt Nam. Nhưng từ nay đến hết năm 2023, U20 Việt Nam không thi đấu và cũng không có kế hoạch tập trung, bởi phần lớn những gương mặt tiềm năng được đưa lên “tập huấn” và tìm kiếm cơ hội ở đội tuyển U23 quốc gia. Nhiều khả năng, ông Tuấn sẽ dẫn dắt U17 Việt Nam.

Điều đó để thấy rằng, bóng đá Việt Nam đang thiếu một chương trình hành động tổng thể, liền mạch cho các đội tuyển trẻ, nhất là lứa U20 vốn là “sân sau” cho U23 và đội tuyển quốc gia. Những đợt tập trung ngắt quãng sẽ không mang đến cái gạch nối cần thiết giữa các thế hệ cầu thủ, các đội tuyển.

Mới đây, trong phát biểu về mục tiêu giành vé dự World Cup, huấn luyện viên Philippe Troussier muốn các cầu thủ của đội tuyển quốc gia Việt Nam thi đấu từ 40 đến 50 trận mỗi mùa giải. Theo ông thầy người Pháp, cầu thủ Việt Nam chưa đủ tầm để cạnh tranh ở trình độ cao như World Cup.

Vị trí hiện tại của đội tuyển Việt Nam là top 16 châu Á và top 95 thế giới (thực ra là hạng 17 châu Á và 96 thế giới). Chỉ 48 đội mạnh nhất thế giới, trong đó có 8 đội mạnh nhất châu Á mới góp mặt ở vòng chung kết World Cup 2026. Do vậy, bóng đá Việt Nam cần chiến lược chuẩn bị dài hạn.

“Tôi thấy có 2 yếu tố cần cải thiện với bóng đá Việt Nam. Thứ nhất, chúng ta cần gia tăng tính cạnh tranh, tăng cường nhịp thi đấu của cầu thủ, đặc biệt ở các giải trong nước như V-League. Tôi mong cho các cầu thủ đội tuyển quốc gia được đá khoảng 40 đến 50 trận trong mỗi mùa giải, và mùa giải V-League có thể kéo liên tục khoảng 10 tháng.

Thứ hai, đội tuyển Việt Nam cần đá giao hữu với các đội tuyển mạnh hơn, nằm trong Top 50 hoặc 60 trên bảng xếp hạng FIFA. Thông qua các trận đấu này, các cầu thủ Việt Nam sẽ được cọ xát để trưởng thành hơn và có thêm nhiều bài học kinh nghiệm hơn” – ông Philippe Troussier nói.

Trên thực tế, mong muốn của ông Philippe Troussier rất khó thực hiện, hay đúng hơn là không thể vào thời điểm hiện tại. Cứ lấy giải đấu cao nhất của bóng đá quốc nội để đánh giá thì trong 1 mùa giải, nếu các tuyển thủ thi đấu trọn vẹn tất cả các trận, họ sẽ có 26 trận tại V-League. Cộng cả 5 trận tại Cúp Quốc gia (nếu vào chung kết), đội tuyển quốc gia tập trung và đá đủ số trận ở đợt FIFA Days (tối đa 10 trận), cầu thủ đá nhiều nhất sẽ có 41 trận mỗi mùa. Thêm cả AFF Cup hay các giải trong khu vực, số trận đấu cũng gần chạm ngưỡng 50.

Thế nhưng, thực tế thì có bao nhiêu cầu thủ của đội tuyển Việt Nam đảm bảo được con số này? Rất ít, nếu không muốn nói là không có. Đội tuyển quốc gia còn khó đạt đến ngưỡng như huấn luyện viên Philippe Troussier đặt ra huống chi các tuyển thủ U20, những người đang xếp hàng chờ đến lượt lọt vào danh sách đăng ký thi đấu và đội hình đá chính ở cấp câu lạc bộ.

Khoảng cách giữa U20 Việt Nam và Australia hay Iran không lớn. Nhưng việc thiếu ý thức chiến thuật và kinh nghiệm quốc tế khiến Việt Nam chưa đạt đẳng cấp của những đối thủ này.

Ở trận đấu chênh lệch giữa kỹ thuật và thể lực, các đội thường dùng chiến thuật để hạn chế những điểm khác biệt. Cầu thủ Việt Nam cần thêm kinh nghiệm để làm tốt chiến thuật, tránh mắc sai lầm. Họ cần được chơi bóng nhiều hơn trước những đối thủ mạnh để tiến bộ.

Bóng đá Việt Nam cần có chương trình hành động mạnh mẽ, rõ ràng hơn cho các đội trẻ. Nhất là sau khi U20 Việt Nam đã ra mắt dàn cầu thủ trẻ chất lượng và có tiềm năng phát triển hơn nữa.

Đội tuyển U23 Việt Nam đã bổ sung lực lượng cho giai đoạn tập huấn thứ hai hướng đến SEA Games 32, trong đó có 9 cầu thủ vừa trở về từ Uzbekistan sau khi hoàn thành nhiệm vụ cùng U20 Việt Nam tại vòng chung kết U20 châu Á 2023. Danh sách các cầu thủ U20 lên tuyển U23, gồm: Quốc Việt, Đức Việt, Văn Khang, Văn Trường, Vĩ Hào, Xuân Tiến, Văn Cường, Văn Bình và Đình Bắc. Đặc biệt, huấn luyện viên Troussier tiết lộ rằng, có 6-7 tuyển thủ U20 Việt Nam hiện nay có thể cạnh tranh được vị trí ở đội tuyển Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ