Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ý kiến: Khi ban hành Luật này, cần phải đáp ứng thực tiễn các vấn đề liên quan đến các dự án đầu tư công đang nổi lên hiện nay.
Bà Nga cho biết, qua theo dõi thực tế công tác phòng chống tham nhũng và theo dõi các vụ án thời gian vừa qua, các dự án đầu tư công nổi lên các đặc điểm chính.
Bên cạnh đa số các dự án được đánh giá chất lượng tốt thì nổi lên một số dự án chất lượng xuống cấp rất nhanh; tiến độ chậm; một số vụ án chứng minh rằng, thất thoát trong các dự án đầu tư công là lớn.
Các vụ án xảy ra thời gian vừa qua cho thấy rất rõ. Nguy cơ tham nhũng trong các dự án khu vực đầu tư công là khá lớn. Trong hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương cũng tập trung vào các dự án khu vực đầu tư công. Đây là một vấn đề khi sửa Luật này cần hết sức chú ý.
Một vấn đề tiếp là giữa các dự án đầu tư công và dự án đầu tư tư nhân có hai điểm lớn là chất lượng và tiến độ. Các dự án do các tập đoàn lớn thực hiện thì chất lượng dự án khá tốt. Nhưng chất lượng các dự án đầu tư công có vấn đề nhất là các dự án giao thông.
“Chúng tôi cho rằng, những vấn đề nổi lên thời gian vừa qua của các dự án đầu tư công phải được xem xét trong dự Luật. Phải xem chỗ nào dẫn đến thực trạng này. Tiếp đó là Luật Đầu tư công hiện hành có đời sống quá ngắn. Có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Tờ trình sớm nhất của Chính phủ ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng không được chấp nhận vào tháng 4/2018. Như vậy, vừa hết 3 năm chúng ta đã rục rịch sửa luật rồi” – bà Nga nói và đồng thời đề nghị:
Cần cân nhắc phạm vi sửa đổi Luật. Cái gì đã đáp ứng yêu cầu thực tế, cái gì lỗi do Luật. Không nhân cơ hội này để đổ tất cả cho Luật. Cái gì vướng mắc trong thực tiễn thì sửa. Nếu phạm vi rộng thì gọi tên là Luật sửa đổi còn nếu phạm vi không lớn thì gọi là Luật sửa đổi, bổ sung. Phạm vi không quan trọng bằng nội dung.
Băn khoăn về tiêu chí xác định công trình quan trọng quốc gia, bà Nga nêu ý kiến: Dường như các trình tự thủ tục đưa ra Quốc hội chặt chẽ nên thường khó thông qua.
“Tôi quan sát một số dự án lúc đầu thì đưa ra Quốc hội, sau đó thì chia nhỏ dự án ra. Căn cứ nào để điều chỉnh từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng. Điều chỉnh như thế thì trình tự đưa ra Quốc hội sẽ đơn giản hơn. Có xu hướng là không muốn đưa dự án qua Quốc hội” – bà Nga nói.