Nguy cơ lây lan do thời tiết

GD&TĐ - Nhiệt độ ấm lên kết hợp với nước lũ có thể khiến nhiều người có nguy cơ bị viêm não Nhật Bản hơn.

Muỗi là loài trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản. Ảnh minh họa: INT
Muỗi là loài trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản. Ảnh minh họa: INT

Nhiệt độ ấm lên kết hợp với nước lũ có thể khiến nhiều người có nguy cơ bị viêm não Nhật Bản hơn. Đây là kết quả của nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Bệnh truyền nhiễm lâm sàng.

Nâng cao cảnh giác

Các nhà khoa học cảnh báo rằng, bất kỳ ai sống trong phạm vi 4 km từ một trang trại lợn bị nhiễm bệnh đều có nguy cơ mắc viêm não Nhật Bản. Lý do là muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản - Culex annulirostris có khả năng bay xa vài km.

Tác giả cấp cao của bài báo và người đứng đầu Phòng thí nghiệm kiểm soát muỗi QIMR Berghofer (Australia), PGS Greg Devine cho biết, những người sống gần quần thể chim nước cũng có thể gặp rủi ro. Các loài chim nước, đặc biệt như diệc, là nguyên nhân chính gây bệnh viêm não Nhật Bản.

Bởi, những loài này chứa lượng virus trong máu đủ để lây nhiễm cho muỗi tới bảy ngày. “Thời tiết ẩm ướt và ấm áp tạo môi trường thích hợp cho muỗi sinh sôi. Đồng thời, có thể khuyến khích những thay đổi trong sự phân bố của các loài chim hoang dã vốn duy trì virus trong những tháng mùa Đông”, chuyên gia giải thích.

Đặc biệt, tại Australia, hầu hết người dân chưa từng tiếp xúc với virus trước đây nên không có khả năng miễn dịch. Do đó, các nhà khoa học khuyến cáo, mọi người cần nâng cao cảnh giác. Cách bảo vệ bản thân khỏi viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là tiêm chủng.

Biện pháp bảo vệ tốt tiếp theo là tránh bị muỗi đốt. Viêm não Nhật Bản chủ yếu là một căn bệnh lưu hành ở nhiều nơi tại châu Á. Tuy nhiên, nhiều trường hợp mắc bệnh không gây ra triệu chứng. Thậm chí, nhiều trường hợp bị bệnh sẽ có các triệu chứng nhẹ tương tự cảm lạnh.

Trong khi đó, chuyên gia côn trùng y tế của Bệnh viện Y tế New South Wales (Australia), Tiến sĩ Cameron Webb cho biết, nguy cơ dịch bệnh lây lan do lũ lụt khó có thể xảy ra ngay lập tức.

Lý do là muỗi phát triển mạnh ở những vùng nước nông, tù đọng và trong thời tiết ấm hơn. Tuy nhiên, nguy cơ sẽ tăng cao khi nước lũ rút và thời tiết ấm lên. Với những điều kiện môi trường như vậy, viêm não Nhật Bản và các bệnh do muỗi truyền khác có thể xuất hiện.

“Điều quan trọng cần nhớ là nhiều muỗi cũng không chắc chắn sẽ gây bùng phát dịch bệnh lớn hơn. Muỗi thường đốt động vật nhiễm virus trước khi truyền sang chúng ta. Do đó, nó trở thành một câu đố rất phức tạp cần giải khi chúng ta cố gắng dự đoán thời điểm bùng phát”, TS Webb chia sẻ.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, lũ lụt cung cấp nhiều nước vào môi trường. Đó là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển và sinh sản của muỗi. Vì vậy, điều quan trọng là người dân cần phải cảnh giác.

Ông Webb khuyến cáo, mọi người cần thực hiện mọi bước có thể để tránh bị muỗi đốt. Đồng thời, cũng cần lưu ý nếu thực hiện các công việc dọn dẹp. Bởi, ngoài muỗi, còn có tất cả các loại bệnh và mầm bệnh lây truyền qua đường nước khác mà người dân có thể có nguy cơ tiếp xúc.

Phòng tránh muỗi đốt

Khi có các triệu chứng bao gồm sốt, nhức đầu, lú lẫn hoặc co giật, người dân cần tìm tới cơ sở y tế để thăm khám. Đặc biệt lưu ý nếu đã tiếp xúc với muỗi ở những khu vực có nguy cơ cao.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu trên khắp châu Á cũng tìm thấy mối liên hệ tương tự giữa biến đổi khí hậu và các bệnh do muỗi truyền. Một bài nghiên cứu năm 2013 về “Biến đổi khí hậu và các bệnh do muỗi truyền ở Trung Quốc” cũng liên kết sự biến đổi về nhiệt độ, lượng mưa, gió và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt với việc truyền bệnh do muỗi truyền ở một số vùng của Trung Quốc. Nghiên cứu do các tác giả Li Bai, Lindsay Carol Morton và Liu Qiyong thực hiện.

Các nhà khoa học cho biết: “Sự nóng lên toàn cầu có thể thay đổi mô hình nhiệt độ và lượng mưa. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và khả năng lây nhiễm của cả muỗi và virus gây viêm não Nhật Bản. Độ ẩm tương đối cũng rất quan trọng trong việc gây viêm não Nhật Bản. Bởi, muỗi có thể tồn tại lâu hơn và phân tán xa hơn ở những khu vực có độ ẩm thích hợp…”.

Nghiên cứu lưu ý rằng, viêm não Nhật Bản đã lan sang các khu vực mới của Trung Quốc, bao gồm cả nơi có độ cao lớn ở Tây Tạng. Những thay đổi trong mô hình trồng trọt hoặc nông nghiệp cũng ảnh hưởng tới sự lây lan của viêm não Nhật Bản. Các nghiên cứu từ Assam (Ấn Độ) cho thấy, hoạt động trồng lúa, khu dân cư xung quanh với vùng nước lân cận, nhiệt độ và độ ẩm cao ảnh hưởng đến sự phong phú của vectơ muỗi.

Trong những trường hợp nghiêm trọng này, virus lây truyền qua muỗi có thể gây ra bệnh thần kinh với các biểu hiện như đau đầu, co giật, giảm ý thức. Thậm chí, một số trường hợp có thể tử vong. Trẻ em dưới 5 tuổi có thể có nguy cơ mắc các bệnh thần kinh nghiêm trọng hơn. Thật không may, loại virus này hiện chưa có phương pháp điều trị cụ thể.

Để tránh bị muỗi đốt, người dân được khuyến cáo tránh ra ngoài trời vào lúc bình minh và hoàng hôn. Bởi, đây là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất, đặc biệt là gần các khu vực đất ngập nước và rừng rậm. Lưu ý mặc áo dài tay và quần dài khi ra ngoài (giảm tiếp xúc với da). Ngoài ra, hãy mang giày và tất nếu có thể. Cần bôi thuốc chống côn trùng lên tất cả các vùng da hở.

Phụ huynh chú ý bảo vệ trẻ sơ sinh dưới ba tháng tuổi bằng cách sử dụng màn chống muỗi. Với trẻ em và người lớn, thoa lại thuốc chống côn trùng sau khi bơi. Thời gian bảo vệ khỏi thuốc chống côn trùng cũng giảm đi khi đổ mồ hôi.

Hầu hết các loại thuốc bôi ngoài da đều an toàn khi sử dụng cho trẻ từ ba tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên, một số sản phẩm chỉ được khuyến nghị cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Do đó, cha mẹ cần kiểm tra sản phẩm trước khi cho trẻ sử dụng.

Theo The Guardian; The Thirdpole

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.