Căn bệnh viêm não Nhật Bản khiến trẻ hôn mê, ảnh hưởng trí tuệ - gia tăng ngày nắng nóng

GD&TĐ - Tại khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương) từ đầu mùa nóng đến nay tiếp nhận 37 ca viêm não Nhật Bản. Rất nhiều bệnh nhi nặng biểu hiện liệt tứ chi, thở máy kéo dài, với độ tuổi mắc bệnh rơi vào nhóm trẻ lớn 10 - 12 tuổi do chưa tiêm phòng vắc xin đầy đủ.

Căn bệnh viêm não Nhật Bản khiến trẻ hôn mê, ảnh hưởng trí tuệ - gia tăng ngày nắng nóng

TS. BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, trong số 37 ca nhập viện vì viêm não Nhật Bản đầu hè đến nay, có rất nhiều ca nặng. Số bệnh nhân đang điều trị tại viện là gần 10 ca, với nhiều ca nặng trẻ hôn mê, thở máy.

Đặc biệt hè năm nay, số bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản có xu hướng rơi vào trẻ lớn, 10 - 12 tuổi, bệnh nhân lớn nhất là 15 tuổi. Các năm, bệnh nhân viêm não Nhật Bản nhập viện chủ yếu rơi vào lứa tuổi 2 - 8 tuổi. Hầu hết các ca mắc viêm não đều không nhớ tiền sử tiêm phòng.

Viêm não Nhật Bản diễn biến nhanh, nguy hiểm.
Viêm não Nhật Bản diễn biến nhanh, nguy hiểm.

TS Lâm cảnh báo, di chứng do viêm não Nhật Bản là rất nặng nề, ảnh hưởng đến vận động, trí tuệ của trẻ. Trong số 37 ca điều trị tại viện đã có những ca liệt tứ chi, hôn mê thở máy kéo dài. Bởi T viêm não Nhật bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt và thường để lại di chứng rất nặng nề cho trẻ, với tỉ lệ di chứng từ 25-35%", TS Lâm nói.

Ths.Bs Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi Trung ương lưu ý thêm, bệnh viêm não Nhật Bản dễ để lại di chứng nặng nề vì đa phần là phát hiện muộn.

Bởi rất khó để phát hiện sớm bệnh lý do ở những ngày đầu, khi mà triệu chứng bệnh rất giống với những viêm nhiễm khác với biểu hiện đầu tiên là sốt. Rồi bệnh diễn biến rất nhanh, khiến người nhà không kịp phản ứng đưa bệnh nhân đến viện sớm. Bởi chỉ ngày thứ hai, thứ ba sau sốt, bệnh nhân sẽ xuất hiện các dấu hiện sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, lúc nào vào viện bệnh nhi đã có phản ứng lờ đờ, chậm chạp, cứng gáy, có dấu hiệu thần kinh trung ương bị thương tổn như co giật, run giật tự nhiên ở ngón tay, mi mắt.

“Viêm não Nhật Bản diễn tiến rất nhanh, có thể sau 3 ngày, thậm chí 1 ngày, bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê, phải thở máy, có thể chỉ 1-2 ngày là trẻ tử vong", Bác sĩ Hải cho hay.

Vì tính chất phát hiện sớm khó, di chứng cao, viêm não Nhật Bản trở nên rất nguy hiểm. Căn bệnh có thể cướp đi tính mạng của đứa trẻ khỏe mạnh; có thể để lại di chứng khiến một em bé đang thông minh, học giỏi bị ảnh hưởng trí tuệ, vận động... hoàn toàn.

Vì thế hiện nay, tiêm vắc xin vẫn là biện pháp chủ động tốt nhất để phòng ngừa viêm não Nhật Bản. Vắc-xin viêm não Nhật Bản đã có trong chương trình tiêm chủng quốc gia do đó các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ đi tiêm ngừa đầy đủ để phòng căn bệnh nguy hiểm cho trẻ.

Các mũi tiêm được thực hiện như sau: Mũi 1 tiêm khi trẻ 1 tuổi; Mũi 2 tiêm sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; Mũi 3 tiêm 1 năm sau khi tiêm mũi 2.

Bác sĩ Hải nhấn mạnh, ba mũi tiêm này có khả năng bảo vệ trẻ trong khoảng 5-7 năm, sau đó nồng độ kháng thể trong máu giảm dần, nguy cơ mắc bệnh lạ tăng lên. Do đó khuyến cáo các bậc phụ huynh sau khi tiêm mũi 3, cần tiêm nhắc lại cho trẻ sau 3-4 năm, đến khi trẻ được 15 tuổi.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu. Nên ngủ màn, không cho trẻ chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Khi trẻ sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo Dantri.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ