Hiện nay, dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc có nguy cơ bùng phát thành đợt dịch mới. Số mắc có xu hướng lan rộng từ các tỉnh phía Bắc xuống các tỉnh phía Nam, gần biên giới Việt Nam.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, 3 tuần đầu của tháng 1/2015, Trung Quốc ghi nhận 16 ca mắc, 3 ca tử vong.
Dịch cúm trên gia cầm diễn biến rất phức tạp và nguy cơ xâm nhập các trường hợp nhiễm cúm gia cầm vào Việt Nam là rất lớn, đây là nhận định của Bộ Y tế tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm ở người.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kết quả xét nghiệm trên đàn thủy cầm cho thấy, cứ 100 con vịt thì có 4 con dương tính với cúm A/H5N1 nhưng không có biểu hiện.
Ban chỉ đạo Phòng chống dịch cúm trên người nhận định, dịch cúm gia cầm ở Việt Nam đã trở thành dịch địa phương với các ổ dịch xuất hiện rải rác. Ngoài 10 điểm giám sát cúm Quốc gia, Bộ Y tế sẽ triển khai thêm 11 điểm giám sát tại các đơn vị điều trị để phát hiện sớm ca bệnh cúm A/H7N9 đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam.
Về ổ dịch rubella tại Bình Dương với gần 150 công nhân mắc bệnh, Bộ Y tế đã cấp 2.000 liều vaccine sởi -rubella để tiêm cho hơn 1.000 công nhân.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, tất cả những người chưa có miễn dịch với rubella đều có nguy cơ mắc bệnh. Nhóm có nguy cơ cao là trẻ em, thiếu niên và thanh niên.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, một nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng phát và quay trở lại một số dịch bệnh truyền nhiễm như sởi và ho gà là do người dân bỏ tiêm chủng.