Mua bán, sử dụng kháng sinh quá dễ dãi
Nhận xét về tình hình sử dụng thuốc kháng sinh ở Việt Nam, TS Momoe Takeuchi - Trưởng nhóm phát triển hệ thống y tế của WHO cho rằng, mặc dù từ năm 2013 Việt Nam đã xây dựng hệ thống quản lý kháng sinh nhưng vẫn chưa có con số thống kê các chỉ số kháng kháng sinh.
Thống kê của WHO cũng cho thấy, 90% nhà thuốc tại Việt Nam bán thuốc kháng sinh không kê đơn, 87% người dân có thể đến nhà thuốc mua kháng sinh cho thấy tình trạng mua bán, sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi vẫn đang diễn ra.
Đơn thuốc có ý nghĩa quan trọng đối với cả bệnh nhân và bác sĩ. Tuy nhiên, có một thực trạng đang diễn ra rất phổ biến hiện nay là người bán thuốc tự ý bán thuốc cho người bệnh.
Theo đó, bệnh nhân chỉ cần đến hiệu thuốc, nói tên thuốc cần mua hoặc kể ra một vài triệu chứng đang gặp phải, người bán ngay lập tức bán thuốc, thậm chí còn tư vấn cho bệnh nhân dùng thuốc ngoại hay thuốc nội.
Ở nước ta, dù nhiều bệnh viện đã thiết lập hệ thống quản lý kháng sinh và đã giảm đáng kể tình trạng sử dụng kháng sinh không đúng nhưng vẫn chưa kiểm soát được việc bán, chỉ định điều trị kháng sinh bừa bãi của các nhà thuốc và phòng khám tư nhân.
Thực tế hiện nay, rất ít người dùng đơn thuốc để mua và bán thuốc kháng sinh. Một cuộc khảo sát trước đây của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho thấy, cứ 10 người dân thì có 9 người mua thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc của bác sĩ. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở nông thôn.
Tại Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013 - 2020, do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống kháng thuốc cho biết đã nhấn mạnh: “Việc sử dụng thuốc bừa bãi, mua thuốc không theo chỉ định sẽ góp phần làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh, gây hại tới cá nhân người mua và cả cộng đồng”.
Ông Tiến cũng đưa ra nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc kháng thuốc đến từ việc mua, bán kháng sinh quá dễ dàng, không theo đơn, việc quản lý mua, bán thuốc còn lỏng lẻo.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, hiện có 6 nguyên nhân gây kháng thuốc tại Việt Nam gồm: Kê đơn và cấp phát kháng sinh không hợp lý như kê đơn kháng sinh với liều quá thấp hoặc quá cao, không kê đơn theo kết quả vi sinh, tiếp tục điều trị lâu hơn cần thiết; bệnh nhân sử dụng kháng sinh không kê theo đơn hoặc không đủ liệu trình; sử dụng kháng sinh quá mức cần thiết hoặc sử dụng không đúng cách trong chăn nuôi trồng thủy sản; kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tốt trong các cơ sở y tế và nông trại; thiếu các nhà vệ sinh, xử lý chất thải nhựa chưa thích hợp; thiếu các kháng sinh mới được sáng chế.
Cần nâng cao nhận thức về kháng sinh
Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2013 - 2020 đang được xem xét, đánh giá và các cuộc thảo luận về xây dựng kế hoạch hành động tiếp theo đang được trao đổi giữa lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, với sự hỗ trợ của WHO, FAO (Tổ chức Nông Lương thế giới)… và các đối tác khác làm về kháng thuốc ở Việt Nam.
WHO cũng đang phối hợp với Bộ Y tế tăng cường triển khai hoạt động quản lý thuốc kháng sinh trong bệnh viện (AMS), đây là cách tiếp cận có hệ thống và được phối hợp để tối ưu hóa việc sử dụng kháng sinh nhằm nâng cao tính hiệu quả cho người bệnh và giảm thiểu các hậu quả bất lợi, bao gồm kháng thuốc kháng sinh.
TS Kidong Park - Trưởng Đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam nhấn mạnh: “Sức khỏe của người dân có thể bị ảnh hưởng nặng nề do hiệu lực của kháng sinh không còn để điều trị.
Sức khỏe của những người bình thường có thể bị đe dọa khi tiếp xúc với những người mang vi khuẩn kháng thuốc. Do vậy, WHO kêu gọi các hành động mạnh mẽ hơn từ chính quyền các cấp, tỉnh thành và Trung ương, từ các đối tác phát triển và cộng đồng nhằm giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh không cần thiết và giảm tối đa các mối đe dọa về kháng thuốc”.
Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng, mỗi người dân cần nêu cao nhận thức về việc sử dụng thuốc hiệu quả cho chính bản thân và cộng đồng; nhận thức rõ kháng kháng sinh nguy hiểm với cộng đồng như thế nào; đồng thời khi mua thuốc kháng sinh nhất thiết phải theo đơn và có chỉ dẫn của bác sĩ.
Bên cạnh đó, cần nêu cao trách nhiệm của những người được quyền sử dụng thuốc bao gồm bác sĩ, dược sĩ để kiểm soát chặt việc kê đơn, bán thuốc… Khi đã giám sát chặt chẽ, người dân muốn tự mua thuốc cũng không thể mua được.
Cụ thể, với bác sĩ khám chữa bệnh, nếu thấy chưa cần thiết, chưa nên cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh hoặc hạn chế sử dụng kháng sinh đến mức tối đa. Bởi vì, khi cơ thể có bệnh nhiễm khuẩn đang ở mức độ nhẹ, trước tiên hãy để cho cơ thể tự chống đỡ bằng cách sinh kháng thể để chống lại các tác nhân nhiễm trùng, mặt khác bệnh đường hô hấp thể nhẹ, hầu hết do virus gây ra nên không phải dùng tới kháng sinh để điều trị.
Về phía người dân cần có kiến thức nhất định về sử dụng kháng sinh. Chỉ dùng kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh tự ý dùng, dùng không hết liều, không đủ thời gian… làm gia tăng tình trạng nhờn thuốc kháng sinh trong cộng đồng.