Diễn biến bệnh nhanh
Bé L.T.T.L – 6 tuổi, Phú Thọ vào viện trong tình trạng sốt cao, vùng mắt bị sưng, có nốt phỏng trên vùng mặt. Chỉ sau 2 tiếng vào viện cháu đã rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn huyết.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hiền – Khoa Nhi, Bệnh viện Hùng Vương cho biết trẻ có biểu hiện kích thích, nói nhảm, nhịp thở nhanh, nhịp mạch nhanh hơn so với lứa tuổi, rơi vào tình trạng hôn mê.
Dù chưa có kết quả cấy máu nhưng các bác sĩ đã cấp cứu cháu theo phác đồ của nhiễm khuẩn huyết tiêm kháng sinh và thuốc vận mạch cho bé rồi nhanh chóng đưa lên khoa hồi sức cấp cứu để cứu bé.
Trong 6 ngày đầu điều trị, bệnh nhi có nhiều diễn biến phức tạp có lúc tưởng bé không qua khỏi. May mắn, sau 10 ngày điều trị tình trạng cháu đỡ dần và trẻ đã được ra viện.
Theo bác sĩ Hiền nhiễm khuẩn huyết nhất là ở trẻ nhỏ không phải là hiếm. Bác sĩ Hiền thường xuyên gặp các bệnh nhi bị nhiễm khuẩn huyết mà thủ phạm chính là vi khuẩn ngay trên da có thể là tụ cầu vàng, vi khuẩn gram (-) và nhiều vi khuẩn khác.
Ảnh minh hoạ.
Bình thường vi khuẩn này sống trên da và hoàn toàn an toàn nhưng vì một lý do nào đó cộng thêm vết thương hở trên da vi khuẩn này xâm nhập vào máu và nhanh chóng gây nhiễm khuẩn huyết.
Bác sĩ Hiền cho biết trường hợp của bé L sau khi nhập viện bác sĩ đã nghi ngờ nhiễm khuẩn huyết và cấy máu nhưng kết quả cấy máu không lên rõ vi khuẩn gì mà bác sĩ nghi ngờ có thể do tụ cầu vàng đã xâm nhập vào vết thương hở trên vùng mắt của bé.
Nếu bé L không cấp cứu kịp thời có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của bé vì bệnh nhi này diễn biến nhanh.
Hay như trường hợp của bệnh nhi T.H.M 12 tuổi nhập viện do sốt cao và mụn thủy đậu chảy mủ. Bác sĩ nhận định cháu bị nhiễm khuẩn huyết. Cấy máu dương tính với tụ cầu vàng. Bé M. nhanh chóng được đưa vào hồi sức tích cực.
Bác sĩ cho biết trường hợp của cháu may mắn nhiễm khuẩn huyết nhẹ do các nốt phỏng của bệnh thủy đậu bội nhiễm.
Mụn nhọt nguy hiểm
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cho biết ông cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị nhiễm trùng huyết.
Có trường hợp bệnh nhân nặn mụn ở vùng đùi và ba ngày sau nhập viện vì sốt, vùng mụn mưng mủ. Nhập viện được vài giờ bệnh nhân nhanh chóng bị sốc nhiễm khuẩn, hôn mê. Sau đó bệnh nhân tử vong vì suy đa tạng.
Nhiễm khuẩn huyết sẽ phải cấy máu tìm vi khuẩn.
Nhiều bệnh nhân bị thủy đậu, tay chân miệng cũng bị biến chứng nhiễm trùng huyết do vi khuẩn xâm nhập từ các vết thương hở vùng da đặc biệt là tụ cầu vàng.
Nhiễm trùng huyết xảy ra khi vi trùng xâm nhập vào cơ thể, tiết ra chất độc dẫn đến suy đa cơ quan, rối loạn đông máu hoặc suy gan, suy thận... Khi xác định nhiễm trùng máu, bác sĩ sẽ xác định "ngõ vào" của vi khuẩn, ví dụ nhiễm trùng máu hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, vết thương hở trên da.
Nhiễm trùng cấp tính có nguyên nhân từ vi khuẩn lưu hành ở trong máu, chúng gây ra các triệu chứng lâm sàng đa dạng, làm suy đa phủ tạng, sốc nhiễm khuẩn với tỉ lệ tử vong rất cao có thể từ 20 - 50% các trường hợp. Trong đó sốc nhiễm khuẩn là một tình trạng biểu hiện trầm trọng của nhiễm trùng máu.
Trên thực tế, có một số yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến bệnh lý nhiễm trùng máu bao gồm: người cao tuổi, trẻ sơ sinh, trẻ sinh non, người có sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, thuốc corticoid kéo dài, thuốc chống thải ghép, đang điều trị hóa chất và tia xạ.
Các loại vi khuẩn thường gây nhiễm trùng máu gồm vi khuẩn gram âm, vi khuẩn gram dương và vi khuẩn kỵ khí. Vi khuẩn gram (-) chủ yếu là vi khuẩn đường ruột họ Enterobacteriacae như: Salmonella, Escherichia coli, Klebsiella, Serratia và các vi khuẩn Enterobacter...
Đặc biệt là ở trẻ nhỏ gây nhiễm trùng huyết do tụ cầu vàng. Loại vi khuẩn này lại có khả năng kháng lại nhiều loại thuốc kháng sinh, kể cả những loại rất mạnh thuộc thế hệ mới.
Chính vì thế, bác sĩ Hiền khuyến cáo khi có các mụn nhọt ở vùng mặt hay gọi là mụn đinh râu, hậu bối không nên bóp hay nhể mụn vì rất dễ gây nhiễm trùng huyết. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ.