Theo giới truyền thông Nga, Quân đội Ukraine (AFU) đã thực hiện một nỗ lực khác nhằm tấn công các khu vực trong lãnh thổ của Nga bằng máy bay không người lái (UAV).
Khác với những lần trước, lần này AFU đã sử dụng một chiếc UAV với động cơ phản lực UJ-25 Skyline, do chính Ukraine sản xuất.
Mặc dù cuộc tấn công của chiếc máy bay không người lái đã bị các hệ thống phòng không Nga đẩy lùi nhưng giới chuyên gia Nga cho rằng, sự xâm nhập của UJ-25 Skyline không nhằm mục đích tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, mà ẩn chứa một tính toán nguy hiểm hơn nhiều.
Qua nghiên cứu về chiếc UJ-25 Skyline, các chuyên gia quân sự Nga tin rằng, mục đích của Quân đội Ukraine là cố gắng phát hiện và xác định chính xác vị trí của các hệ thống phòng không Nga.
Thực tế là UAV UJ-25 Skyline được thiết kế đặc biệt để tiến hành công tác trinh sát. Với sự trợ giúp của nó, vị trí của các hệ thống tên lửa phòng không của Nga nằm gần đường chiến tuyến và ở độ sâu phòng thủ nhất định sẽ bị lực lượng trinh sát Ukraine phát hiện và xác định.
Động cơ phản lực lắp trên UAV UJ-25 Skyline có hình dạng tương tự như động cơ máy bay phản lực hoặc tên lửa hành trình, đồng thời cho phép nó bay với vận tốc tương đương tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu nên được chú ý trên radar của hệ thống phòng không Nga.
Đương nhiên, mục tiêu như vậy ngay lập tức trở thành ưu tiên tính toán của các hệ thống tên lửa phòng không tầm cao/tầm xa của Nga như S-300 Favorit, S-400 Triumph hay thậm chí là S-500 Prometey.
Lưu ý rằng UAV UJ-25 Skyline có tốc độ tối đa 800 km/h, trong khi hầu hết các máy bay chiến đấu và tên lửa hành trình đều bay trong phạm vi tốc độ tương tự.
Ngoài ra, trọng tải mà chiếc máy bay không người lái này có thể mang được rất nhỏ, chỉ khoảng 10 kg nên nếu có mang theo chất nổ thì hiệu quả sát thương hay phá hủy của vụ tấn công cũng không cao.
Đây có thể được coi là bằng chứng khác cho thấy mục đích của Lực lượng Vũ trang Ukraine là tiến hành trinh sát các hệ thống phòng không quan trọng nhất của Nga bằng máy bay không người lái UJ-25 Skyline.
Việc sử dụng UAV giả làm chiến đấu cơ hay tên lửa hành trình có thể cho phép Lực lượng Vũ trang Ukraine không chỉ xác định các vị trí phòng không mà còn tìm kiếm các phương án vượt qua các lỗ hổng trong hệ thống phòng không ở các khu vực, để áp dụng cho việc sử dụng vũ khí tấn công quan trọng hơn sau này.
Thậm chí là sau này Lực lượng Vũ trang Ukraine có thể tung đòn tấn công kết hợp, bằng cách phóng trước các UAV loại này để các hệ thống phòng không Nga bộc lộ vị trí, sau đó phóng tên lửa chống bức xạ (tên lửa chống radar) AGM-88 HARM của Mỹ để phá hủy đài radar hoặc dùng các tên lửa tấn công mặt đất như Storm Shadow hay Taurus Kepd 350 để phá hủy các bệ phóng tên lửa phòng không của Nga.