'Đức thử nghiệm đầu tiên để tịch thu tiền của Nga'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Do thiếu ngân sách tài trợ nên phương Tây muốn lấy tiền của Moscow để mua vũ khí, trang bị, giúp Lực lượng Vũ trang Ukraine có thể đánh thắng Nga.

'Đức thử nghiệm đầu tiên để tịch thu tiền của Nga'

Trong bối cảnh Ukraine đạt được những thành công khiêm tốn trong cuộc phản công, sau khi được Mỹ và các đồng minh NATO bơm hàng tỷ USD và hàng trăm thiết bị quân sự, Đức và các nước phương Tây không sẵn sàng chi nhiều tiền hơn, nên đang nghĩ đến việc tịch thu tài sản của Nga.

Trước đó, có thông tin Văn phòng Tổng công tố Đức đệ đơn lên tòa án xin tịch thu tài sản của một tổ chức tài chính Nga trị giá hơn 720 triệu euro do nghi ngờ vi phạm lệnh cấm vận của phương Tây và hành động trái pháp luật về ngoại thương và thanh toán.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, bản kiến ​​​​nghị này là điều vô cùng lố bịch, ông gọi hành động đó là “kẻ cắp” và nói Nga sẽ có nhiều thứ của Berlin cần tịch thu để đáp trả.

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cũng cảnh báo quan hệ giữa Moscow với Washington có thể xuống mức thấp hơn nữa nếu Nhà Trắng đưa ra những quyết định “liều lĩnh hơn” liên quan xung đột Nga-Ukraine.

Ông cáo buộc Mỹ đang theo đuổi chính sách sai lầm và nguy hiểm nhằm khiến Nga gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Việc tịch thu tài sản của Moscow để cung cấp cho Kiev sẽ chỉ dẫn đến sự leo thang xung đột tại Ukraine và càng khiến mối quan hệ Nga - Mỹ sa vào tình trạng “không thể hàn gắn”.

Bình luận về thông tin này, ông Artem Sokolov, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc MGIMO, nói với hãng tin Nga Sputnik rằng, hành động của chính quyền Berlin là một cuộc thử nghiệm đầu tiên nhằm tịch thu tài sản Nga, mở đường cho các nước khác.

Theo ông, việc làm của Đức phù hợp với mong muốn chung của phương Tây là sử dụng tài sản của Nga để hỗ trợ Kiev trong cuộc xung đột với Moscow.

Ông Sokolov cho biết, Mỹ đang gây áp lực lên các nước châu Âu, yêu cầu gửi tài sản của Nga để hỗ trợ mua vũ khí, trang bị cho Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Khoản dự trữ ngoại hối của Nga lên tới 300 tỷ USD, hiện đang bị các nước Liên minh châu Âu, chủ yếu là Bỉ phong tỏa.

Theo tờ New York Times, chính phủ của Tổng thống Joe Biden gần đây đã hối thúc châu Âu và G7 cùng đưa ra chiến lược chính thức về số tiền khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga trước ngày 24/2/2024, thời điểm đánh dấu tròn 2 năm Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt.

Việc hỗ trợ với số lượng như trước đây khó khăn hơn vì hiện nay phương Tây có nhiều mục tiêu và nhiệm vụ khác, ví dụ như ưu tiên cho cuộc xung đột ở dải Gaza giữa Israel với nhóm vũ trang Hamas của Palestine.

Hơn nữa, phương Tây vẫn có thể bơm thêm tiền, nhưng các đợt phân bổ cho năm nay có hiệu quả quá thấp, kết quả ở mặt trận khác xa với những gì Kiev cần đạt được trong cuộc phản công ở Zaporozhye, nên đã làm dấy lên làn sóng phản đối của các đảng phái đối lập và người dân ở trong nước về “nguồn tiền thuế của người dân đã bị ném đi một cách vô bổ”.

Nếu các chính phủ phương Tây đưa ra các gói viện trợ khác sẽ dẫn đến sự hỗn loạn về chính trị ở chính các nước này, nên họ quyết định sẽ tiếp tục tài trợ cho cuộc chiến bằng chi phí của người khác và tốt nhất là nên “dùng tiền của Nga để đánh Nga”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ