Ca sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng cao, chuyên gia lưu ý nguy cơ biến chứng

GD&TĐ - Ca sốt xuất huyết tại Hà Nội đang tăng cao, kết quả giám sát tại các quận huyện chỉ số truyền bệnh cao vượt ngưỡng, ở mức nguy cơ bùng phát dịch.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính từ đầu năm 2022 đến ngày 9/9, toàn thành phố ghi nhận 2.263 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2021) với 240 ổ dịch tại 27 quận, huyện.

Trong đó đã có 3 trường hợp tử vong tại 3 quận, huyện: Long Biên, Đan Phượng và Thanh Trì. Số ca mắc đang tăng nhanh theo từng tuần.

Tính từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9/2022, số ca mắc sốt xuất huyết tăng khoảng 20%/tuần đến hơn 46%/tuần. Một số quận, huyện có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao, như: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Trì, Đan Phượng, Thường Tín, Thanh Oai…

Biểu đồ phân bố số ca mắc/nghi mắc sốt xuất huyết theo tuần, năm 2021- 2022 ở Hà Nội. Ảnh: CDC Hà Nội.

Biểu đồ phân bố số ca mắc/nghi mắc sốt xuất huyết theo tuần, năm 2021- 2022 ở Hà Nội. Ảnh: CDC Hà Nội.

Những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tiếp tục gia tăng và dự báo, dịch bệnh diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Kết quả giám sát nhiều nơi cho thấy, chỉ số truyền bệnh sốt xuất huyết cao vượt ngưỡng, ở mức nguy cơ bùng phát dịch.

Tại khu vực miền Bắc chỉ số BI (số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes) theo đúng quy định là từ 20 trở lên là nơi đang có yếu tố nguy cơ cao với khả năng dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát.

Theo báo cáo của CDC Hà Nội, kết quả điều tra, giám sát trong những tuần gần đây, nhiều nơi có chỉ số BI cao 2-5 lần yếu tố nguy cơ bùng phát dịch.

Kết quả giám sát từ tháng 8 đến ngày 9/9 cho thấy, một số nơi cũng ghi nhận chỉ số BI cao vượt ngưỡng: Phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) BI=25; xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) BI=46; phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) BI=54; xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh) BI=100, tại thị trấn Phùng huyện Đan Phượng kết quả BI=45.

3 trường hợp tử vong đều do phát hiện bệnh muộn

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn thông tin trên báo chí cho biết, vi rút gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau, là: Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4.

Type vi rút gây bệnh sốt xuất huyết được phát hiện trong năm 2022 trên địa bàn thành phố là Dengue 1 và Dengue 2. Nếu một người đã nhiễm với chủng vi rút nào thì có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời.

Theo CDC Hà Nội, 3 ca mắc sốt xuất huyết tử vong từ đầu năm đến nay tại 3 quận, huyện trên địa bàn thành phố, nguyên nhân ban đầu được xác định là 3 trường hợp này đều được phát hiện bệnh muộn. Ngoài ra, cả 3 trường hợp trên có các bệnh lý nền kèm theo tương đối nặng như: Tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường…

Những người có nguy cơ dễ biến chứng do sốt xuất huyết là những người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh lý nền. Bên cạnh đó, những trường hợp sốt cao, mệt mỏi, ăn uống kém (không ăn uống được), bệnh nhân sốt cao, nhưng hạ sốt đột ngột... cần chú ý theo dõi.

Khi người bệnh sốt cao liên tục trong nhiều ngày, phát ban, đau cơ và khớp… cần đến khám tại cơ sở y tế. Không được tự ý điều trị bằng thuốc giảm đau, hạ sốt dẫn tới biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Để hạn chế đến mức thấp nhất dịch bùng phát trên địa bàn, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu CDC Hà Nội bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại các quận, huyện, thị xã. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế, đội xung kích kỹ năng giám sát dịch bệnh, hướng dẫn vệ sinh môi trường, bảo đảm phun hóa chất đúng kỹ thuật...

Đối với các bệnh viện cần tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, điều trị, tránh tình trạng bệnh nhân không được cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ