Phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết cần lưu ý gì?

GD&TĐ - Phụ nữ mang thai có hệ miễn dịch yếu hơn bình thường do đó, khi nhiễm sốt xuất huyết=thai phụ có nguy cơ cao hơn nếu gặp triệu chứng nặng.

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, sốt xuất huyết có thể gây tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu.
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, sốt xuất huyết có thể gây tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu.

Số ca mắc tăng cao

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tuần 38 ghi nhận 11.472 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong đó, có 3 ca tử vong. Tuần trước, số ca mắc là 11.740, với 4 ca tử vong. So với tuần trước, số ca mắc trong tuần giảm 2,3%, số nhập viện giảm 4,8%.

Tích luỹ từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 224.771 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 92 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc và tử vong đều tăng.

Khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong ở mức cao. Khu vực miền Bắc tại Hà Nội đã ghi nhận sự gia tăng trong số ca mắc và đã có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Tại hội thảo “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết dengue vì sức khỏe cộng đồng” do Viện Pasteur TPHCM tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM - cho biết, sốt xuất huyết dengue do 4 tuýp huyết thanh của virus dengue gây ra. Nhiễm virus dengue thứ phát có thể làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn.

“Nói một cách khác, những lần nhiễm virus về sau sẽ khiến người bệnh có thể diễn biến nặng hơn so với lần nhiễm trước đó. Tuy nhiên, sốt xuất huyết có nặng hơn hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị có kịp thời và đúng phác đồ hay không. Hơn hết, công tác phòng chống sốt xuất huyết cần thường xuyên, lâu dài và rất cần sự chung tay góp sức của người dân, cộng đồng và xã hội”, ông Nguyễn Vũ Trung nhấn mạnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, sốt xuất huyết được xếp vào 10 thách thức y tế toàn cầu. Có 40% dân số trên thế giới sống trong vùng nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết dengue, tỉ lệ mỗi lúc mỗi tăng.

Hệ miễn dịch yếu khi mang thai

Đặc biệt, phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết được coi là nhóm có nguy cơ gặp những biến chứng. Chia sẻ về vấn đề này, ThS.BS Trần Thị Ngọc - Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) cho biết, sốt xuất huyết ở người bình thường hay phụ nữ mang thai đều gây nguy cơ như nhau. Vấn đề là phụ nữ mang thai cần hiểu biết và nắm triệu chứng bệnh nhờ đó, có thể đến cơ sở y tế gần nhất, cũng như xử trí tình trạng khi mắc sốt xuất huyết.

“Phụ nữ mang thai có hệ miễn dịch yếu hơn bình thường. Do đó, khi nhiễm sốt xuất huyết sẽ nguy hiểm, nguy cơ cao hơn nếu có triệu chứng nặng. Biểu hiện bị sốt xuất huyết trong thời gian đầu tương tự cảm cúm, gồm: Sốt cao 39 - 40 độ C, sốt liên tục khó hạ, đau đầu, đau mỏi cơ, vai, gáy”, ThS Ngọc chia sẻ.

Theo bác sĩ Ngọc, triệu chứng nặng có thể đe doạ sức khoẻ thai phụ thường xuất hiện từ ngày 3 - 7 kể từ khi bệnh khởi phát. Mẹ bầu cần nhận ra dấu hiệu cảnh báo để kịp thời tới cơ sở y tế khám và xử trí. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, sốt xuất huyết có thể gây tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu.

Bệnh cũng tăng nguy cơ sinh non ở giai đoạn cuối của thai kỳ. Đặc biệt, phụ nữ mắc sốt xuất huyết vào cuối thai kỳ có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ. Bác sĩ Ngọc giải thích, lý do là vì sốt xuất huyết gây tình trạng rối loạn đông máu, không cầm máu được. Khi thai phụ phẫu thuật trong quá trình sinh nở, có thể khó cầm máu.

“Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, có sự lây truyền sốt xuất huyết từ mẹ qua bé, nhưng rất hiếm. Phương thức lây truyền chính là qua muỗi vằn Aedes. Muỗi chích người bị sốt xuất huyết và truyền bệnh qua người khác. Những bé có mẹ sốt xuất huyết vào giai đoạn cuối thai kỳ nên được theo dõi sát sau sinh. Từ đó, xem có tình trạng truyền bệnh sốt xuất huyết từ mẹ sang con không”, ThS.BS Trần Thị Ngọc lưu ý.

Bác sĩ Ngọc khuyến cáo, không chỉ sốt xuất huyết mà với tất cả các bệnh, mẹ bầu cũng không nên tự ý mua thuốc uống. Các thuốc sử dụng trong quá trình mang thai đều cần sự chỉ định của bác sĩ.

Nếu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, mẹ bầu nên đến cơ sở y tế. Trường hợp mắc bệnh nhẹ, bác sĩ có thể kê toa thuốc cho mẹ bầu điều trị tại nhà. Trường hợp gặp triệu chứng cảnh báo như chảy máu chân răng, nôn ói nhiều... thai phụ cần tới ngay cơ sở y tế.

Khi sốt xuất huyết, phụ nữ mang thai thường mệt mỏi, sốt cao, mất nước. Do đó, điều quan trọng là cần bồi hoàn nước, uống nhiều nước. Trong đó, có thể sử dụng nước uống, nước ép trái cây, nhằm tăng sức đề kháng và vitamin C, hoặc sữa bầu.

Ngoài ra, theo bác sĩ Ngọc, người mắc sốt xuất huyết cũng có thể chán ăn, mệt mỏi. Do đó, mẹ bầu nên dung nạp đồ ăn lỏng, ít dầu mỡ, giúp tiêu hoá tốt hơn, nhất là sản phụ nôn ói nhiều trong quá trình mắc bệnh.

Để phòng tránh sốt xuất huyết trong quá trình mang thai, bác sĩ Ngọc khuyến cáo cần lưu ý dọn dẹp môi trường sống, dùng vật che thùng chứa nước, tránh ao tù nước đọng quanh nhà. Đồng thời, diệt muỗi, lưu ý mặc áo dài tay, mắc màn khi ngủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.