Hàng trăm bác sĩ đau đầu tìm chất độc khiến nữ sinh viên xuất sắc bỗng thành bại liệt

Chu Linh sinh vào tháng 11/1973 trong một gia đình trí thức ở Bắc Kinh là hình mẫu con nhà người ta chính hiệu. Cô vừa thông minh lại có năng khiếu nghệ thuật, biết chơi nhiều loại nhạc cụ, tính cách cũng rất cởi mở, thân thiện.

Năm 1992, Chu Linh được nhận vào khoa Hóa của trường Đại học Thanh Hoa. Khi đi học, Chu Linh cũng tích cực tham gia các hoạt động như trở thành thành viên trong ban nhạc của trường, tham gia câu lạc bộ bơi lội và giành được một số giải thưởng trong Hội thao của trường Đại học Thanh Hoa. Tài năng, xinh đẹp nên Chu Linh được không ít người mến mộ.


Chu Linh từ nhỏ đã thể hiện là đứa trẻ có năng khiếu nghệ thuật.

Cuộc sống đầy màu hồng của cô sinh viên xuất sắc cứ tưởng sẽ mãi tốt đẹp nhưng tháng 12/1994, Chu Linh cảm thấy sức khỏe ngày càng yếu. Cô gái trẻ có những biểu hiện như mắt mờ dần, chán ăn, đau bụng và rụng tóc, toàn thân đau nhức không ngừng.

Đến ngày 31/1/1995, toàn bộ mái tóc đen nhánh của Chu Linh rụng hết, cô phải nằm viện theo dõi một tuần nhưng bác sĩ không phát hiện được nguyên nhân. Dù vậy, bệnh tình của Chu Linh cũng có những tiến triển tốt hơn nên cô gái quay trở lại trường học. 

Vào ngày 20/2/1995, Chu Linh bị đau dữ dội ở chân sau đó sức khỏe ngày càng xấu.

Lúc này, bố mẹ đưa Chu Linh đến một bệnh viện phía Bắc để điều trị và giáo sư Trần Chấn Dương đã nhận định tình trạng của cô rất giống bị nhiễm độc Thallium. 

Ngày 9/3/1995, bố mẹ Chu Linh lại đưa con gái đến phòng khám chuyên khoa thần kinh của Bệnh viện Hiệp Hòa, giáo sư Lý Thuấn Vỹ gần như khẳng định Chu Linh nhiễm độc Thallium nhưng cô gái cho biết chưa từng tiếp xúc với hóa chất này nên các bác sĩ không dám chắc chắn nguyên nhân.

Chu Linh là cô sinh viên xinh xắn, hòa đồng và học rất tốt nên được nhiều người mến mộ.

Sau lần này, bệnh tình của Chu Linh ngày càng nghiêm trọng, xuất hiện tình trạng co rút cơ mặt, cơ mắt tê cứng, mất tự chủ trong việc hô hấp. Lúc này, bệnh viện Hiệp Hòa đã chữa trị theo bệnh án viêm đa dây thần kinh cấp tính. 

Không lâu sau, cơ quan hô hấp của cô cũng bị suy thoái, bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật mở khí quản. Dù làm mọi cách nhưng các bác sĩ vẫn không thể xác định được nguyên nhân gây bệnh. 

Cuối tháng 3/1995, Chu Linh rơi vào trạng thái hôn mê sâu,  5 tháng sau cô mới tỉnh lại.

Bạn bè của Chu Linh đã chia sẻ về trường hợp của cô lên mạng, hàng trăm bác sĩ giáo sư đều nhận định khả năng cao Chu Linh bị ngộ độc Thallium.

Giáo sư Trần Chấn Dương từng viết trong bức thư sau khi biết về trường hợp của Chu Linh rằng: “Hàm lượng Thallium trong cơ thể Chu Linh cao gấp 10.000 lần so với người bình thường, thậm chí đã chạm đến ngưỡng có thể gây chết người. Có thể kết luận là bị đầu độc Thallium, hơn nữa còn bị chia thành 2 lần đầu độc riêng biệt”.

Các bác sĩ nghi ngờ Chu Linh bị nhiễm độc Thallium dẫn tới một loạt biểu hiện rụng tóc, đau bụng, mắt mờ...

Sau khi nhận được hàng loạt sự quan tâm của các chuyên gia lẫn phác đồ trị liệu của cả bác sĩ trong và ngoài nước, cuối cùng hàm lượng Thallium trong cơ thể Chu Linh cũng trở về con số 0. 

Tuy nhiên, chất độc ngấm vào quá lâu khiến Chu Linh liệt 2 chân, mắt gần như mù, không thể tự thở vì hệ thống hô hấp bị suy thoái phải nhờ đến máy trợ thở, ảnh hưởng đến chức năng não của Chu Lệnh, khiến cô từ thành đứa trẻ bại liệt, mất khả năng sinh hoạt hằng ngày và phải cần người hỗ trợ.

Dựa theo điều tra của cảnh sát, nghi can lớn nhất là bạn cùng phòng với Chu Linh, Tôn Duy. Tôn Duy lại còn là sinh viên duy nhất được nhà trường cấp quyền sử dụng hóa chất trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu cho mình. 

Cảnh sát lúc đó đã mời Tôn Duy về hợp tác điều tra nhưng sau đó nghi phạm đã được thả ra do không đủ bằng chứng buộc tội.

Sau 1 thời gian không tìm ra nguyên nhân, cảnh sát tuyên bố vụ án kết thúc. Sau này, Tôn Duy đã sang Mỹ sinh sống và có tin cho rằng cô đã đổi tên thành Tôn Dịch Nhan.

Do ảnh hưởng của Thalium quá lâu nên Chu Linh bị bại liệt, ảnh hưởng chức năng não bộ, thị lực suy yếu. 

Chất độc Thallium đáng sợ thế nào?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm, các ngành công nghiệp trên thế giới sử dụng hàng chục tấn thallium. Mấy năm gần đây, đã có khoảng 1.000 tấn chất này được phát tán vào môi trường, hòa tan trong nước...

Ở những vùng không tập trung, hàm lượng thallium trong không khí thường rất thấp, dưới 0,001 microgram/m3 (1 microgram bằng 1 phần triệu gam). Trong nước, hàm lượng chất này cao hơn hàng triệu lần (tới 1.000 microgram/m3). Còn trong trầm tích, hàm lượng thallium khá lớn (tới 1.000 microgram/kg), đặc biệt là than đá (có thể lên tới 1 g/kg)

Trong thức ăn của động vật, hàm lượng thallium thường ở mức dưới 1.000 microgram mg/kg khô. Ở chế độ ăn uống của con người, chất thallium được hấp thụ mỗi ngày dưới 5 microgram. Ngoài ra, chúng ta còn tiếp nhận qua hệ thống hô hấp khoảng 0,005 microgram thallium mỗi ngày.

Triệu chứng ngộ độc và mức độ nguy hại

Những biểu hiện này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tuổi tác và liều sử dụng, thường xuất hiện sau khi vào cơ thể khoảng 8 đến 10 giờ.

- Dấu hiệu đầu tiên: Viêm ruột, dạ dày và rụng tóc. Đây cũng là các dấu hiệu đặc trưng của ngộ độc thallium. Một số dấu hiệu khác là buồn nôn, nôn, đau bụng, chảy nước bọt và chảy máu đường ruột. Sau đó, các triệu chứng táo bón xuất hiện, sức đề kháng của cơ thể giảm đi, cần có sự can thiệp bằng các biện pháp giải độc.

- Sau 2 đến 5 ngày: Các biểu hiện rối loạn sẽ chậm dần. Chất độc bắt đầu ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên. Dấu hiệu đặc trưng là sự nhạy cảm ở chân, kéo theo cảm giác bất thường ở các ngón chân. 

Xuất hiện ảo giác, hôn mê, mê sảng và co giật. Bệnh nhân bị tăng huyết áp, tim đập nhanh và loạn nhịp tim.

- Sau 2 tuần: Rụng tóc và lông hàng loạt trên cơ thể.

- Sau 3 đến 4 tuần: Sự loạn dưỡng sẽ làm xuất hiện các đốm trắng tạo thành vệt trên móng tay người bệnh.

Người bị nhiễm độc thallium cũng có thể bị mù hoặc tử vong trong vòng vài giờ đến vài tuần, thông thường là khoảng 10 đến 12 ngày. 

Nguyên nhân tử vong chủ yếu là do tổn thương thận, thần kinh và tim. Nếu bị nhiễm độc nặng nhưng chưa đến mức tử vong, bệnh nhân phải mất vài tháng mới hồi phục. 

Trường hợp bị đầu độc với liều nhẹ trong một thời gian dài, nếu lượng thallium tích lại đủ liều thì ở bệnh nhân cũng xuất hiện các triệu chứng kể trên nhưng nhẹ hơn so với ngộ độc cấp. 

Nếu khám nghiệm tử thi hoặc sinh thiết tế bào những người bị ngộ độc thallium, người ta sẽ phát hiện được những tổn thương ở nhiều cơ quan nội tạng.

Theo thoidaiplus.giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ