Theo các chuyên gia, sau Covid-19, tình hình tiêm chủng vắc-xin nói chung và bại liệt nói riêng đều giảm. Song, trong bối cảnh giao lưu nhiều, nguy cơ lây bệnh là rất cao. Do đó, duy trì miễn dịch bại liệt thông qua vắc-xin là vô cùng cần thiết.
Hai loại vắc-xin bại liệt
Tại tọa đàm “Vì sao phải tiêm bổ sung vắc-xin bại liệt?”, TS.BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn - Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) chia sẻ: “Bại liệt là một bệnh nhiễm trùng cấp tính, lây qua đường tiêu hóa, phân - miệng. Bệnh do virus Polio gây ra.
Virus thải qua phân của người bệnh, hoặc người lành mang trùng. Sau đó, virus đi vào niêm mạc miệng, đường ruột, tiêu hóa của trẻ. Virus phát triển trong niêm mạc ruột, phóng thích vào máu, đi vào hệ thần kinh, vào tế bào thần kinh vận động của tủy sống hoặc tế bào vận động của não. Từ đó, dẫn đến nguy cơ gây liệt”.
Ngoài ra, bệnh bại liệt cũng có thể gây viêm màng não không nhiễm trùng, hoặc gây nhiễm trùng nhẹ như sốt, tiêu chảy, buồn nôn, ói... TS Nhàn cảnh báo, người lành mang trùng có thể sẽ khiến bệnh lây lan ra cộng đồng. Bệnh có thể để lại di chứng, như liệt tứ chi, hoặc một số trường hợp dẫn đến tử vong.
“Trước đây, chúng ta sử dụng vắc-xin OPV để phòng cả 3 tuýp gây bệnh bại liệt. Sau một thời gian triển khai, Việt Nam không còn bệnh bại liệt và đã được công nhận là thanh toán bệnh”, TS Nhàn cho biết.
Trong khi đó, ThS Trương Thị Thanh Lan - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), hiện nay, Việt Nam có 2 loại vắc-xin bại liệt. Trong đó, vắc-xin được sử dụng theo dạng đường uống (OPV) được trung tâm nghiên cứu vắc-xin và sinh phẩm của Việt Nam sản xuất. Vắc-xin có thành phần là tác nhân sống, nhưng không còn khả năng gây bệnh sau khi sử dụng.
Có 3 tuýp virus gây bệnh bại liệt. Vắc-xin đường uống OPV có thể phòng bệnh bại liệt do tuýp 1, 2, 3 gây ra. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam, vắc-xin OPV chỉ còn lại dạng phòng được tuýp 1 và 3 gây ra.
Ngoài ra, vắc-xin dạng tiêm IPV do công ty của Pháp sản xuất. Đây là vắc-xin bất hoạt, chứa 3 tuýp huyết thanh để phòng bại liệt do virus tuýp 1, 2, 3. Vắc-xin được đăng ký và lưu hành sử dụng tại Pháp từ năm 1982 và trên 110 quốc gia với hàng trăm triệu liều.
“Từ năm 2012, vẫn ghi nhận bệnh bại liệt tuýp 1 ở các nước. Trong bối cảnh giao lưu nhiều, nguy cơ lây bệnh là rất cao. Do đó, duy trì miễn dịch bại liệt thông qua vắc-xin là vô cùng cần thiết”, ThS Lan nhấn mạnh.
Lý do cần sử dụng cả vắc-xin đường uống và tiêm
Nhờ triển khai uống vắc-xin phòng bại liệt và nhiều năm duy trì tỷ lệ uống vắc-xin ở mức cao trên 90%, bệnh đã dần được khống chế. Ca bệnh cuối cùng được ghi nhận tại Việt Nam là từ năm 1997.
Việt Nam đã chính thức được WHO công nhận thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000. Theo WHO, trên thế giới, việc thanh toán bệnh bại liệt cũng đã giúp chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí điều trị và phục hồi chức năng các di chứng do bệnh bại liệt gây ra.
Theo ThS Lan, vắc-xin OPV được dùng qua được uống, không gây xâm lấn hay đau. Khi đưa vào cơ thể, vắc-xin còn tạo đáp ứng miễn dịch dịch thể, đường ruột. Sau khi vào cơ thể, virus nhân lên, được đào thải ra môi trường bên ngoài. Một lợi thế là với người chưa tiêm chủng, khi tiếp xúc với virus từ vắc-xin, họ vẫn tạo ra miễn dịch để phòng bệnh.
Tuy nhiên, một số khu vực trên thế giới duy trì sử dụng vắc-xin này lâu dài đã ghi nhận sự biến đổi về virus có nguồn gốc từ vắc-xin. Do đó, điều quan trọng là phải loại bỏ cả virus có nguồn gốc hoang dại và từ vắc-xin.
“Vì vậy, Việt Nam chuyển sang sử dụng vắc-xin đường uống 2 tuýp là 1 và 3. Tuy nhiên, trẻ thiếu miễn dịch với tuýp 2. Do đó, cần tiêm thêm vắc-xin IPV”, ThS Lan giải thích.
Đồng quan điểm, TS Thanh Nhàn, năm 2016 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát hiện trường hợp mắc bệnh do nguồn gốc virus xuất phát từ vắc-xin tại một số quốc gia.
Đó là chủng tuýp 2 từ vắc-xin đường uống gây ra. Khi đó, thế giới bắt đầu chuyển sang vắc-xin còn tuýp 1 và 3. Nếu trẻ uống vắc-xin này, chỉ có thể phòng 2 tuýp gây bệnh bại liệt.
“Đặc biệt, sau Covid-19, tình hình tiêm chủng vắc-xin nói chung và bại liệt nói riêng đều giảm. Tỷ lệ tiêm chủng đủ vắc-xin bại liệt giảm từ hơn 90% xuống 82%. Việc tiêm vắc-xin bại liệt cho trẻ đã uống OPV là vô cùng cần thiết. Qua đó, tăng hàng rào bảo vệ trước sự xâm nhập bất kỳ lúc nào của bại liệt. Với trẻ chưa chủng ngừa đủ 2 liều IPV, cần tiêm đủ”, TS Nhàn khuyến cáo.
Theo chuyên gia này, bất kỳ loại vắc-xin nào cũng có những tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này, trẻ được theo dõi tại điểm tiêm trong 30 phút. Bởi, phản ứng, bao gồm nặng, thường xảy ra trong 30 phút sau tiêm chủng. Tuy nhiên, theo TS Nhàn, IPV là vắc-xin rất “hiền”. Do đó, các phụ huynh không nên quá lo lắng.
Theo thống kê của WHO, bệnh bại liệt chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi. Cứ 1 trong 200 ca nhiễm bệnh sẽ dẫn đến tê liệt không hồi phục. Trong số những người bị tê liệt, 5 - 10% ca tử vong do cơ hô hấp ngừng hoạt động. Ở Mỹ, vào cuối những năm 1940, dịch bệnh bại liệt đã làm tê liệt trung bình hơn 35.000 người mỗi năm.
Tại Việt Nam, những năm trước khi có vắc-xin, bại liệt trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và để lại di chứng nặng nề ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh gây ra các vụ dịch lớn vào năm 1957 - 1959. Trong đó, tỷ lệ mắc bại liệt năm 1959 là 126,4/100.000 dân.