NGƯT Phạm Việt Bình: Người truyền lửa và tri thức cho thế hệ trẻ

GD&TĐ - Không chỉ là người thầy tâm huyết với nghề, một cán bộ quản lý năng động, sáng tạo, thầy còn dành trọn tâm sức để chắp cánh ước mơ, thắp lên ngọn lửa và truyền cảm hứng CNTT&TT cho biết bao thế hệ học trò.

 NGƯT.PGS.TS Phạm Việt Bình - Phó Trưởng khoa thường trực khoa Công nghệ thông tin - Đại học Thái Nguyên (2005 - 2010), Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (2011-2015)
NGƯT.PGS.TS Phạm Việt Bình - Phó Trưởng khoa thường trực khoa Công nghệ thông tin - Đại học Thái Nguyên (2005 - 2010), Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (2011-2015)

Chữ duyên với ngành CNTT&TT

Gần 40 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, bằng tâm huyết, trách nhiệm của một người thầy, NGƯT.PGS.TS Phạm Việt Bình luôn trăn trở để tìm ra những phương pháp, giải pháp tốt nhất góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Thầy cũng chính là người đã đặt nền móng cho sự ra đời của ngôi trường đầu tiên đào tạo kiến thức, kỹ năng ngành CNTT&TT tại khu vực miền núi phía Bắc.

Năm 1977, sau khi tốt nghiệp bằng xuất sắc chuyên ngành Công nghệ chế tạo máy trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, với mong muốn trở về quê hương Thái Nguyên làm việc và cống hiến, thầy đã nhận công tác tại trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên).

Bén duyên với CNTT ở tuổi 35 thầy tham gia lớp đào tạo kỹ sư tin học văn bằng 2 tại trung tâm bồi dưỡng sau đại học do trường Đại học Bách khoa tổ chức, đây là khóa học đầu tiên đào tạo kiến thức về CNTT tại Việt Nam.

Song, với tư duy đột phá, sáng tạo, cùng tâm huyết mở một mô hình đào tạo kỹ sư tin học để phát triển ngành CNTT tại Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, thầy đã có những bước đi mang tính chiến lược nhằm đi trước, đón đầu xu hướng đổi mới và hội nhập quốc tế trong giáo dục đào tạo.

NGƯT.PGS.TS Phạm Việt Bình luôn trăn trở tìm ra những phương pháp, giải pháp tốt nhất góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học
NGƯT.PGS.TS Phạm Việt Bình luôn trăn trở tìm ra những phương pháp, giải pháp tốt nhất góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học

Trải qua bao ngày tháng miệt mài tìm hiểu, học hỏi, lĩnh hội kiến thức về lĩnh vực CNTT&TT – lĩnh vực công nghệ còn rất mới tại thời điểm đó. Năm 1996, Trung tâm tin học được thành lập tại trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, với vai trò Giám đốc trung tâm thầy đã cùng đội ngũ giảng viên xây dựng chương trình đào tạo trình độ cao đẳng và đại học về CNTT.

Năm 2000, thấy rõ nhu cầu nhân lực về CNTT cho phát triển kinh tế xã hội đất nước và hội nhập Quốc tế đã trở nên cấp bách, lãnh đạo Đại học Thái Nguyên đã triển khai đề án thành lập đơn vị đào tạo về lĩnh vực CNTT và quyết định điều động thầy đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng khoa thường trực, Khoa Công nghệ thông tin – Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2002 – 2005.

Cơ sở đào tạo CNTT&TT đầu tiên tại khu vực miền núi phía Bắc

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, thầy xúc động chia sẻ: Không thể nói hết những khó khăn, vất vả ban đầu khi trường mới thành lập, cơ sở vật chất lúc bấy giờ rất hoang sơ, phòng học tạm bợ, xuống cấp, thiết bị dạy học thiếu thốn. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất lại chính là thiếu đội ngũ cán bộ giảng viên cốt cán, đảm bảo cho việc đào tạo chất lượng.

Để giải bài toán nguồn nhân lực trình độ cao, với tư duy đột phá, sáng suốt và quyết định đúng đắn, chương trình Hợp tác cơ hữu giữa Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (khi đó là Khoa CNTT-ĐHTN) với Viện Công nghệ Thông tin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã được xây dựng.

Đây là bước đi khởi đầu mở ra mô hình hợp tác mẫu mực Viện nghiên cứu - Trường Đại học và cũng là nguyên nhân cốt lõi, sâu sắc nhất tạo nên thành công cho quá trình xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên nhà trường. Để rồi, những lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp ra trường đã được giữ lại, cử sang các nước Nhật, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Úc, Nga...để đào tạo Cao học, Tiến sĩ sau đó quay trở lại trường tiếp tục cống hiến.

Thầy đã dành trọn tâm huyết để chắp cánh ước mơ, thắp lên ngọn lửa và truyền cảm hứng CNTT&TT cho biết bao thế hệ học trò.
Thầy đã dành trọn tâm huyết để chắp cánh ước mơ, thắp lên ngọn lửa và truyền cảm hứng CNTT&TT cho biết bao thế hệ học trò.

Bằng tâm huyết, trách nhiệm, PGS.TS Phạm Việt Bình đã cùng các nhà khoa học từ Viện Công nghệ Thông tin lên nhiều ý tưởng xây dựng các ngành đào tạo CNTT mới gắn với các lĩnh vực trong hạ tầng KT-XH đất nước. Đây cũng chính là chiến lược phát triển các ngành học mới có tính chất liên ngành gắn kết với CNTT, tạo khác biệt nổi bật với các cơ sở đào tạo các ngành về CNTT thuần tuý.

Trong đó các ngành học như: Điện tử Truyền thông, Điều khiển tự động, Tin học Kinh tế, Thương mại Điện tử, Kỹ thuât Y sinh, Truyền thông đa phương tiện.. các ngành này đã gắn kết kiến thức và kỹ năng về CNTT&TT phù hợp cho sự phát triển và góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số hiện nay của đất nước.

Trải qua gần 40 năm công tác, chứng kiến mọi sự kiện diễn ra 20 năm qua của nhà trường, thầy trò cùng nhau vượt qua biết bao khó khăn, vất vả nhưng ngọn lửa nhiệt tình và lòng nhiệt huyết đối với công việc mình đã chọn không hề giảm sút. Xuất phát từ cái “Tâm” của nghề trồng người, NGƯT.PGS.TS Phạm Việt Bình luôn là một nhà giáo cần mẫn, sáng tạo, truyền thụ lửa nhiệt tình nghề nghiệp và tri thức cho biết bao thế hệ giảng viên, học viên và sinh viên, đóng góp lớn trong việc tạo dựng, phát triển và khẳng định thương hiệu Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ