Liệu điểm chuẩn xét tuyển các ngành “hot” năm nay có tăng mạnh?
Chỉ tiêu tăng nhẹ
Thống kê từ ĐHQG TPHCM, năm 2021 số trường đăng ký sử dụng kết quả thi ĐGNL của ĐHQG làm phương thức xét tuyển tương đương năm ngoái với khoảng 70 trường ĐH - CĐ (10 đơn vị trong ĐHQG và 60 đơn vị ngoài). Tuy nhiên, số chỉ tiêu xét tuyển dành cho phương thức này tăng lên, nhất là từ 10 đơn vị thành viên của ĐHQG TPHCM. Đơn cử, Trường ĐH Kinh tế - Luật và Trường ĐH KHXH&NV TPHCM dành 50% tổng chỉ tiêu; Trường ĐH Bách khoa TPHCM dành 70% chỉ tiêu xét vào trường. Các trường ngoài ĐHQG TPHCM phần lớn đều giữ nguyên tỉ lệ xét tuyển phương thức này từ 5 - 10%/tổng chỉ tiêu của đơn vị.
Là hai đơn vị công bố mở cổng và nhận hồ sơ xét tuyển cho phương thức xét điểm thi ĐGNL, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) và ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) tiếp tục dành 5% trên tổng số hơn 10.000 chỉ tiêu của hai đơn vị với mức điểm xét tuyển từ 650 điểm trở lên (bằng năm ngoái). Riêng ngành Dược của HUTECH điểm xét là 725 điểm trở lên.
Trường ĐH Ngân hàng TPHCM năm nay dành khoảng 10% tổng chỉ tiêu cho phương thức này. Ngưỡng điểm nhận hồ xét tuyển từ 700 điểm trở lên với điều kiện phụ cần phải có là điểm học bạ 3 học kỳ (2 học kỳ lớp 11, 1 học kỳ lớp 12) đạt từ 6,5 trở lên.
Trường ĐH Kinh tế TPHCM năm nay dành khoảng 10% tổng chỉ tiêu (giảm 10%) cho phương thức này. Ngưỡng điểm xét tuyển nhà trường chưa công bố nhưng theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng phòng Đào tạo, tiêu chí phụ xét theo ưu tiên nguyện vọng sẽ tiếp tục được áp dụng để sàng lọc được nguồn tuyển chất lượng nhất.
Đánh giá về phổ điểm kỳ thi năm nay, TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TPHCM cho biết, thuận lợi cho các trường thực hiện xét tuyển ở ngưỡng điểm tối thiểu từ 650 - 700 điểm.
Đừng bỏ qua tiêu chí phụ
Ghi nhận thực tế tuyển sinh từ nhiều đơn vị sử dụng phương thức xét tuyển điểm thi ĐGNL, nhất là các trường thuộc khối ĐHQG TPHCM cho thấy, tỉ lệ thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển và nhập học từ phương thức này đạt từ 30 - 55% trên tổng số chỉ tiêu.
TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho hay: Năm 2020, trường dành 70% (3.500 chỉ tiêu) cho kết quả thi ĐGNL, nhưng chỉ gọi được khoảng 45% và cuối cùng nhập học là 30% (1.500 thí sinh). Tương tự, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM dành 50% tổng chỉ tiêu cho phương thức này nhưng tỉ lệ nhập học cũng chỉ trên 35%.
Mức điểm chuẩn cao nhất vào trường bằng điểm ĐGNL của hai đơn vị này cũng dao động từ 700 đến hơn 900 điểm. Trong đó, ngành Khoa học máy tính của Trường ĐH Bách khoa TPHCM có điểm cao nhất với 907 điểm.
ThS Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM trao đổi: Thực tế số thí sinh chọn xét tuyển vào các ngành phần lớn rơi vào những ngành học “hot”, có thương hiệu nên số lượng nhập học ở phương thức này không cao.
Là đơn vị thực hiện thêm tiêu chí phụ đi kèm mức điểm tối thiểu xét tuyển vào trường là trên 700 điểm, ThS Nguyễn Anh Vũ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hợp tác Quốc tế, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM chia sẻ: Trường đưa ra tiêu chí phụ nhằm đánh giá một cách tổng quát nhất quá trình học tập của thí sinh bên cạnh kết quả điểm thi đạt được. Bởi thực tế đối sánh số liệu năm ngoái cho thấy, khá nhiều thí sinh có điểm thi ĐGNL cao nhưng kết quả học bạ THPT lại không tương ứng. Vì vậy, thí sinh hết sức lưu ý các tiêu chí và yêu cầu mà trường đưa ra trước khi nộp hồ sơ xét tuyển.
Theo PGS.TS Quốc Bảo, Bộ GD&ĐT cho phép các trường được tự chủ về phương thức tuyển sinh để chọn được thí sinh phù hợp nhất cho mình, mặt khác tăng thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh.
“Việc đánh giá học sinh cần phải được xem xét một cách toàn diện. Đánh giá thành quả học tập của học sinh giỏi phải dựa trên một quá trình liên tục. Bởi thực tế kết quả của một kỳ thi chưa thể nói lên mọi điều. UEH dự kiến vẫn có tiêu chí phụ bổ sung đi kèm ngưỡng điểm tối thiểu thí sinh phải đạt được từ kỳ thi ĐGNL. Nhưng ngưỡng điểm bao nhiêu, nhà trường chưa thể công bố vì còn phải đợi các bộ phận tính toán phổ điểm và số thí sinh năm nay” - PGS.TS Quốc Bảo nói.
TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM nêu quan điểm: Với phổ điểm trung bình thí sinh đạt được năm nay rõ ràng, khả năng một số ngành “hot” của trường sẽ có điểm chuẩn trúng tuyển nhích lên. Năm nay, trường dành 10% (800 chỉ tiêu) cho phương thức này, trong đó có nhiều ngành học năm ngoái thí sinh quan tâm rất đông, nếu năm nay hồ sơ nộp về tăng hơn năm ngoái thì điểm sẽ tăng. Tuy nhiên, việc điểm trúng tuyển tăng giảm cũng chưa thể nói được điều gì vì nếu số thí sinh nộp cho phương án này quá đông, nhà trường sẽ tăng chỉ tiêu ở phương thức này và giảm chỉ tiêu ở phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT để điều tiết phổ điểm cho phù hợp.