(GD&TĐ) - Xinh đẹp, dịu dàng, mất thị lực từ năm lên 6 tuổi, là học sinh giỏi xuất sắc suốt 12 năm học, đoạt nhiều giải cao trong các kỳ thi kiến thức, văn hóa văn nghệ với các bạn cùng trang lứa, vượt qua hàng trăm ứng viên khuyết tật xuất sắc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để giành học bổng toàn phần du học khóa “Kỹ năng lãnh đạo” tại Nhật Bản….
|
Chân dung chị Đỗ Thúy Hà (Ảnh: Kim Thoa) |
Đó là vài điểm khắc họa chân dung Đỗ Thúy Hà, một phụ nữ khiếm thị, tấm gương về sự tự lực, tự cường, không ngừng phấn đấu vươn lên, gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống.
Cuộc thi viết “Những tấm gương phụ nữ Việt Nam Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức vừa khép lại với những giải thưởng xứng đáng được trao cho các tác giả xuất sắc. Nhưng dư âm của nó còn đọng lại, gieo ấn tượng tốt đẹp trong lòng người tham dự, bởi thấy được tại đây những nhân vật bằng xương, bằng thịt, chân thực bước ra từ trang viết, lay động tâm khảm người chứng kiến với sự tự tin, tự tỏa sáng bằng nội lực.
Đỗ Thúy Hà xứng đáng cho danh hiệu Phụ nữ Việt Nam “Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang” được vinh danh dịp này. Hà mang lại cho những người tiếp xúc sự thân thiện, cởi mở, tự tin và thể hiện sâu sắc ý niệm về một con người “mắt tối, lòng trong”, nghị lực phi thường, lấy trái tim để nhìn đời thay cặp mắt.
Đỗ Thúy Hà năm nay 32 tuổi, đang công tác tại Quận hội người mù Đống Đa (Hà Nội), bị bệnh thoái hóa võng mạc làm mất thị lực từ khi lên 6 tuổi. Việc học tập bị dán đoạn cho đến khi lên 9 tuổi, Hà đi học lớp dự bị tại trường Nguyễn Đình Chiểu và tại đây 12 năm liên tục Hà đoạt danh hiệu Học sinh xuất sắc với điểm trung bình các môn đều trên 9.0, riêng tiếng Anh thì luôn đạt điểm 10.
Trong năm học lớp 9, Hà đã xuất sắc dành giải Ba cuộc thi Olympic Tiếng Anh toàn miền Bắc trong cuộc so tài với các bạn sáng mắt cùng trang lứa.
Đáng nể hơn, Hà thi đỗ lớp 10 vào những trường chuyên công lập rất khó như Amstecdam, khối chuyên THPT tại các trường Đại học. Tuy vậy, cánh cửa những trường này không sẵn sàng đón em theo học bởi chưa có tiền lệ.
Vượt lên mọi khó khăn và những rào cản, Hà tiếp tục phấn đấu khẳng định mình bằng những giải thưởng và chinh phục học bổng từ nước ngoài. Khi đang học năm thứ 2, khoa Tiếng Anh, ĐH Mở - Hà Nội, Hà đã vượt qua 3 vòng thi cam go, xuất sắc nằm trong danh sách 7/350 ứng viên khuyết tật khu vực Châu Á – Thái Bình Dương giành học bổng toàn phần khóa học 2 năm về “Kỹ năng lãnh đạo” tại Nhật Bản.
Trong thời gian du học, Hà tự nấu nướng, tự chăm lo bản thân, tự di chuyển đến những nơi cần thiết mà không cần bất cứ sự trợ giúp nào.
Bên cạnh nghị lực phi thường, dễ nhận thấy ở người phụ nữ này một tư duy nhạy bén, sắc sảo để thu nạp kiến thức cùng với một nhiệt huyết vươn lên, một tấm lòng biết yêu thương, chia sẻ. Với cái nền tảng ấy, Hà đã vượt mọi khó khăn để biến những ước mơ thành hiện thực với vốn tiếng Nhật lưu loát sau 3 tháng học tiếng Nhật bằng tiếng Anh và kết thúc khóa học 2 năm tại Nhật với tấm bằng Xuất sắc.
“Em không còn đôi mắt nhưng em nhìn bằng tim…” câu hát ấy vẫn như phảng phất đâu đây mỗi khi nhớ lại hình ảnh Hà tại Lễ tôn vinh những tấm gương phụ nữ Việt Nam “Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Như bao người phụ nữ Việt Nam bình dị khác, Hà giản dị, chịu thương chịu khó, yêu lao động và sống lạc quan.
Một gia đình nhỏ – một tổ ấm cùng chồng và cậu con trai hơn 1 tuổi. Đó là động lực giúp Hà không ngừng phấn đấu để chinh phục những thành công mới trong cuộc sống. Thật cảm phục khi đôi mắt không còn sáng nhưng Hà tự tay chăm sóc con mà không thuê người giúp việc, luôn nỗ lực tối đa để cùng chồng vun vén cuộc sống riêng…
Tất cả những tham số ấy về một phụ nữ khiếm thị khiến mỗi chúng ta lắng lại, cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị của cuộc sống. Và thêm những bài học mới về sự tự cường, tự lực, tự tin vượt lên chính mình trong mọi hoàn cảnh của người phụ nữ Việt Nam thời hiện đại.
Bảo Minh