Nguồn nhân lực tại TPHCM: Muốn chất lượng cao phải tái cấu trúc hệ thống đào tạo

GD&TĐ - Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định để tăng lợi thế cạnh tranh, đẩy nhanh tốc độ phát triển, hội nhập và thu hút đầu tư của TPHCM.

Một công nhân kỹ thuật cao đang vận hành máy tại một đơn vị sản xuất trong KCN Quận 9, TPHCM.
Một công nhân kỹ thuật cao đang vận hành máy tại một đơn vị sản xuất trong KCN Quận 9, TPHCM.

Muốn vậy, TP phải chuẩn bị tốt nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. 

Chuyển dịch cơ cấu

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng vốn FDI vào Việt Nam đến ngày 20/3/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,1 tỷ USD, tăng 18,5% so cùng kỳ năm trước. Trong số 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong quý I/2021, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,2 tỷ USD, chiếm 59,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ...

Dòng vốn FDI không ngừng đổ vào Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã giúp gia tăng đáng kể số lượng việc làm cho người lao động. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, số lượng lao động làm việc trong doanh nghiệp (DN) có vốn FDI năm 1995 chỉ khoảng 330.000 người, đến năm 2020 lên khoảng 6,5 triệu người. Ðáng chú ý, ngoài việc gia tăng nhu cầu tuyển dụng lao động địa phương, nguồn lao động đã có sự chuyển dịch cơ cấu rất rõ từ các ngành sử dụng lao động tay nghề thấp sang các ngành sử dụng nhiều lao động chất lượng cao.

Thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng cho thấy tỉ trọng lao động trong một số ngành sản xuất áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ hỗ trợ, logistics, điện tử, cơ khí… gia tăng nhanh chóng. Nếu năm 2000 gần 65,3% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp thì năm 2020 đã giảm xuống còn 37,2%. Tức là lượng lao động đã chuyển sang lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp khá lớn.

Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch EuroCham nhìn nhận: Nhiều DN châu Âu có dự định đầu tư vào Việt Nam. Ngoài những trung tâm lớn như Hà Nội và TPHCM, một vài địa phương đã đáp ứng khả năng để đón nhận nguồn vốn này như Đà Nẵng, Quảng Ninh và Bắc Ninh. Ngoài chính sách, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là yếu tố then chốt.

“Về nhân lực, đặc điểm DN từ châu Âu là dùng công nghệ cao, tính công nghiệp hóa cao nên chúng tôi không nhắm vào nhân lực giá rẻ. Địa phương đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng sẽ là nơi chúng tôi hướng tới”, ông Minh chia sẻ.

Trường ĐH phải đóng vai trò chủ đạo trong việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Sinh viên ĐH Mở TPHCM tham gia ứng tuyển tại một DN chuyên về công nghệ.
Trường ĐH phải đóng vai trò chủ đạo trong việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Sinh viên ĐH Mở TPHCM tham gia ứng tuyển tại một DN chuyên về công nghệ.

Hệ thống đào tạo nhân lực phải thay đổi

Theo ông Đỗ Thanh Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, để đón đầu cơ hội từ xu thế chuyển dịch của làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bên cạnh việc cải cách đổi mới thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng tốc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần phải tập trung vào vấn đề mang tính mấu chốt là gia tăng chất lượng nguồn nhân lực.

“Thực tế thời gian qua cho thấy rõ vấn đề này. Tính đến đầu tháng 6/2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu nhân lực trên địa bàn TPHCM giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều DN phải áp dụng các giải pháp tạm thời như cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ việc không lương, cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm lương lao động… Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao tại khối FDI vẫn rất lớn, chiếm khoảng 33% tổng nhu cầu lao động”, ông Vân nói.

Theo GS Nguyễn Trọng Hoài, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, khi hội nhập, yêu cầu đối với người lao động chắc chắn sẽ cao hơn, tiêu chí tuyển dụng khắt khe hơn. Nguồn nhân lực ngoài việc phải có chuyên môn còn buộc phải có nhiều kỹ năng khác như giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo hay trình độ tin học. Như vậy, muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, lao động Việt Nam phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, áp dụng công nghệ mới, không ngừng phát triển kỹ năng… Nếu không ý thức được điều này, chúng ta sẽ thua ngay trên “sân nhà”.

Nhằm đạt mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao, thời gian qua các trường ĐH-CĐ tại Việt Nam đã có sự dịch chuyển rất rõ nét. “Ngoài việc thay đổi toàn bộ chương trình, phương thức đào tạo, nhiều đơn vị còn hướng đến đào tạo nguồn lao động theo đặt hàng của DN, nhập khẩu chương trình, máy móc, đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh…để nâng chất nguồn nhân lực”, GS Hoài cho biết.

Bà Tiêu Yến Trinh - Tổng Giám đốc Công ty TalentNet, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TPHCM nhìn nhận: Phát triển nguồn nhân lực công nghệ, nhân lực chất lượng cao cần có chiến lược cụ thể. “TPHCM có thể lập một ngân sách phát triển nguồn nhân lực. Doanh nghiệp và các trường đại học cần có sự kết nối chặt chẽ. Bên cạnh đó, TP cũng có thể mượn, thu hút nhân tài từ nước ngoài muốn đến TPHCM làm việc. Chúng ta phải thay đổi tư duy và phương thức trong việc đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng”,  bà Trinh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ThS Lê Thị Kim Chi - Trường ĐH An Giang cho rằng: TP cần nhanh chóng hoàn chỉnh công tác quy hoạch và phát triển giáo dục nghề nghiệp. TP tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng đơn vị được lựa chọn là trường chất lượng cao, có nghề trọng điểm và gắn với các nghề mũi nhọn trong thời gian tới như Công nghệ thông tin - Truyền thông - Trí tuệ nhân tạo, Tự động hóa - Robot, Y tế, Quản trị doanh nghiệp, Tài chính - Ngân hàng và Du lịch.

“TP phải tập trung đẩy mạnh công tác “đào tạo kép”, thu hẹp dần khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng lao động; hình thành tư duy, ý thức khởi nghiệp cho học sinh sau đào tạo nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo ở các cơ sở GD nghề nghiệp; tổ chức thường xuyên các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, tin học, ngoại ngữ là việc cần TP tính đến. Đặc biệt, các trường cần gia tăng đàm phán, hợp tác, chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới, hoàn thiện công tác tự đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo làm cơ sở kiểm định chất lượng đào tạo”, ThS Lê Thị Kim Chi nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ