Là một trong những nữ ca sĩ hàng đầu của làng nhạc Việt thập niên 60-70, người được mệnh danh “tiếng hát vàng mười”, một giọng hát được giới mộ điệu ví như một chuẩn mực về hát đẹp, phát âm đẹp.
Nguồn gốc của mệnh danh này được cho là từ một nhà văn tên Duyên Anh. Sau khi nhà văn nghe Lệ Thu ca “Ngậm Ngùi” ở phòng trà Queen Bee, đã viết một bài báo gọi cô là “Giọng hát vàng mười”, nghĩa là giọng hát quý như vàng không có pha trộn.
Trong một chia sẻ vào năm 2011, danh ca Lệ Thu hoài niệm con đường nghệ thuật: “Tôi rất tin vào định mệnh. Ca hát là cái nghiệp, bởi vì nghề thì đâu có lâu như vậy”.
Về biệt danh “giọng ca vàng mười, giọng ca vàng ròng”, bà bật cười và nói đó là danh xưng được các nghệ sĩ khác khen tặng.
Trong gần 60 năm ca hát, danh ca Lệ Thu luôn được khán giả nhắc đến với những bài hát buồn. Nhiều khán giả yêu mến giọng ca nhận xét, yêu tiếng hát của bà bởi cách hát chậm rãi, rõ lời của bà để lại nhiều cảm xúc.
Đặc biệt, khi hát ở các nốt cao, chất giọng khàn, có độ vang và ngân rung hiếm có làm người nghe có cảm giác như nỗi đau được đẩy lên đến tột cùng.
Lúc sinh thời, danh ca Lệ Thu từng chia sẻ: "Người nghe cảm nhận giọng của tôi có điều gì đó như uẩn ức. Thật ra, tôi là người biết làm chủ cảm xúc và diễn tả nó một cách tỉnh táo".
Còn khi nhắc đến cái tên Lê Thu, bà từng chia sẻ: "Tôi lấy tên Lệ Thu vì tôi giấu gia đình. Thật ra tên đó nó không có trong tiềm thức của tôi nhưng tự nhiên nó bật ra, tôi không hiểu từ đâu".
Lệ Thu vẫn được nhắc đến như “một trong những giọng hát tình khúc hay nhất của nền tân nhạc Việt Nam”.