Người Xê Đăng chống dịch

Người Xê Đăng chống dịch

Tượng thần đeo khẩu trang

Mặc dù là vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum nhưng giáp ranh với tỉnh Quảng Nam nên lượng người qua lại xã Ngọk Lây (huyện Tu Mơ Rông) luôn đông đúc, nhộn nhịp. Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Xê Đăng, nhận thức còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bà con chủ động đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người.

Chị Y Blúc – Trưởng thôn Măng Rương 1 cho hay: Dịch Covid-19 bùng phát, trên loa truyền thanh của làng đều phát thông báo bằng tiếng Xê Đăng để người dân có ý thức bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng. Khi loa thông báo số người mắc bệnh ngày một tăng, dân làng vô cùng lo lắng. Trong thời gian này, xã thường xuyên mời trưởng thôn về họp nắm tình hình dịch để tuyên truyền cho người dân trong làng.

Từ xã trở về, nữ trưởng thôn tìm đến các già làng cùng bàn bạc tìm giải pháp. Cuộc họp hội đồng làng được tiến hành ngay sau đó. Kết thúc cuộc họp, Blúc đến bên nhà Rông đánh kẻng. Chẳng mấy chốc cả làng tập trung đông đủ để nghe chị thông báo tình hình dịch bệnh và đưa ra ý kiến dựng cổng ở cửa ngõ ra vào làng để phòng chống dịch bệnh. Mọi người tán thành và bắt tay vào thực hiện. Không phân biệt già trẻ, gái trai, cùng kéo nhau đi chặt nứa, chuối rừng, cu ly... để làm cổng, tượng thần. Số còn lại đi bắt tôm, tép, cá suối... để về làm đồ cúng tế.

Chị Y Blúc chia sẻ: Trước đây mỗi khi có nhiều người ốm đau, bệnh tật hay có người mất, làng đều dựng cổng để cầu sức khỏe cho người dân. Khi đó, những thanh niên trai tráng sẽ đảm nhận nhiệm vụ chặt nứa, chuối rừng, cu ly về dựng cổng. Còn phụ nữ đi bắt cá, tép suối để dâng lên các vị thần, mong người phù hộ cho dân làng sức khỏe, an lành. Tuy nhiên sau này khi làng có việc, người dân cùng chung sức, mỗi người một việc để công việc nhanh chóng hoàn thành.

Theo tập tục của người Xê Đăng, 2 cây bắt buộc phải có khi làm cổng là nứa và chuối rừng. Riêng cây cu ly được dùng làm tượng dựng 2 bên cổng. Tượng càng gớm ghiếc sẽ dễ dàng đuổi dịch bệnh và những điều xấu tránh xa dân làng.

Khi Mặt trời dần khuất sau dãy núi, người dân nhanh chóng dựng cổng. Những thanh nứa chẻ nhỏ, vuốt nhẵn ghép thành chiếc bàn nhỏ đựng đồ cúng (cá, tép suối). Người dân Xê Đăng quan niệm đồ cúng các vị thần linh phải là đồ tự nhiên mới được thần phù hộ. Bên cạnh đó, 2 bức tượng thần dựng 2 bên cổng được người dân đeo khẩu trang và đội mũ bảo hiểm chỉn chu. Riêng thanh nứa uốn cong bên trên được dân làng khéo léo quấn lá xung quanh để ngăn cản ma quỷ, điều xui xẻo có thể xâm nhập vào làng.

“Người dân đeo khẩu trang và đội mũ bảo hiểm cho 2 tượng để bảo đảm sức khỏe cho thần giữ cổng, xua đuổi dịch bệnh. Bên cạnh đó, cũng nhắc nhở người dân ý thức về việc đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy để bảo vệ sức khỏe”, chị Y Blúc nói.

Cách ly cả làng sau 5 giờ chiều

Khi cổng làng hoàn thiện, đêm đầu tiên người dân thay phiên nhau ra cổng đốt lửa, canh không cho người lạ vào làng. Những ngày sau đó, ngôi làng được “cách ly” sau 5 giờ chiều. Theo đó, người dân trong làng nếu đi nương rẫy hoặc ra ngoài phải về trước giờ giới nghiêm, người lạ nếu vào làng cũng phải ra trước thời gian đó. Nếu không tuân thủ phải cách ly 3 ngày mới được rời đi hoặc nộp phạt vạ một con heo. Quy định của làng đã đề ra, mọi người đều nghiêm chỉnh tuân thủ.

“Khi hay tin dịch bệnh cướp đi hàng nghìn sinh mạng trên thế giới, người dân trong làng vô cùng lo lắng. Do đó, mọi người tuân thủ các quy định để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Ai nấy đều hy vọng dịch bệnh mau chóng kết thúc để có thể trở lại cuộc sống thường ngày”, chị Y Blúc thông tin.

Theo thầy A Phum, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Tu Mơ Rông, đối với người Xê Đăng, tượng thần có khả năng bảo vệ làng, chống lại tà ma về gây nhũng nhiễu cho người dân. Bên cạnh đó, thần làng là biểu tượng sức mạnh của cả làng. Do đó, tượng canh giữ ở cổng làng được xem là một biểu tượng thiêng liêng và ăn sâu vào tiềm thức bao thế hệ người Xê Đăng.

“Việc cúng thần làng đã biến mỗi ngôi làng của người Xê Đăng trở thành một khu cách ly đặc biệt. Người dân dựng tượng cổng góp phần tuyên truyền để mọi người phòng chống, đẩy lùi dịch Covid-19”, thầy Phum nói.

Ông Đặng Quốc Dũng - Chủ tịch UBND xã Ngọk Lây trao đổi: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chính quyền thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, hạn chế di chuyển và tụ tập nơi đông người. Bên cạnh đó, xã cũng thành lập chốt kiểm tra y tế và đo thân nhiệt cho người khi di chuyển nơi này sang nơi khác.

Người dân dựng cổng làng mỗi khi có dịch bệnh là phong tục tập quán lâu đời của người Xê Đăng. Việc làm này giúp người dân có ý thức bảo vệ sức khỏe cá nhân và gia đình. Đồng thời giúp mọi người an tâm hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Ông A Hơn - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.