Người vợ “mưu cao“

GD&TĐ - Không ít người chồng hay la cà về muộn, chẳng hiểu vợ con ở nhà chờ đợi sốt ruột thế nào. Nhưng khi về tới nhà, thấy vợ con tản đi hết, mâm cơm còn phần mỗi mình thì chán nản, dễ sinh tình ngoài.

Người vợ “mưu cao“

Chị lấy anh đã mười năm. Công việc của anh thì không phải bận rộn nhưng anh thường xuyên về muộn vì thích cà kê chén trà, cốc bia với bạn bè sau giờ làm. Thậm chí ngang qua nhà hàng xóm thấy họ đang làm gì, anh ghé vào giúp, chẳng quan tâm đã tối muộn. Thế nên, anh chẳng đáng ghét bỏ gì, ngoài cái tội cứ về muộn để vợ con phải mong ngóng sốt ruột, phải chờ cơm khi cơn đói đã qua.

Chị lại sống theo chuẩn vợ ngoan. Thế là mỗi bận anh về muộn, chị nấu cơm xong rồi đợi, đợi tới khi chồng về mới ăn, có hôm gần mười giờ tối, con cái đã ngủ, chị vẫn ngồi đợi. Nhiều khi con đói bụng, vòi ăn cơm trước, chị vẫn động viên: “Đợi bố về ăn cùng cho vui”.

Mẹ chị thường dạy “Đàn ông như cánh chim bay muôn phương, nhưng luôn cần một chốn về. Nó về, thấy mình đợi, nhất là cả con đợi thì nó mủi lòng mà nhớ quay về. Đàn bà thì phải lạt mềm buộc chặt, chứ lạnh lùng, nó đi”.

Nhiều lần, trở về nhà, con ùa ra hỏi: “Bố về muộn thế, chúng con đói lắm” thì anh cũng thấy hối lỗi. Nhưng thói quen khó bỏ. Anh vẫn hay về muộn, dù chẳng bận công chuyện. Chị vừa lo vì chẳng biết có chuyện gì xảy ra trên đường đi không, vừa mong ngóng cơm tối.

Và chính chị đợi nhiều thành quen, không quen ăn cơm trước chồng. Nhưng người ta đói có cơn, qua cơn đói thì không muốn ăn nữa. Với trẻ nhỏ, bữa ăn càng cần phải có giờ giấc. Thế nên nhiều lần, khi anh về, chị và bọn trẻ cũng chỉ ăn qua quýt vì không còn cảm giác ngon miệng.

Biết chuyện, bạn chị liền bảo: “Dở hơi à, ông ấy về muộn thì cứ cho con ăn trước, phần cơm ngon nghẻ là tốt lắm rồi”. Một số người thì bảo: “Lúc còn yêu thì cũng cố đợi, nhưng làm vợ rồi thì khác. Sao phải đợi, nhẫn nhịn quá, chồng nó coi thường, về muộn đến nỗi thành bản chất mà không cho nhịn là may rồi”. Chị bảo: “Không đợi, ăn một mình, ổng chán, chẳng ăn. Còn mình đã mất công đợi rồi, cứ đợi nốt cho biết mình đợi”.

Bạn chị liền bảo: “Nhưng con cái thì đói không được, phải cho chúng nó ăn có bữa để còn phát triển chứ. Và mình nữa, phải yêu chính mình. Em cứ đợi nhưng đừng đợi với cái bụng đói”. Và đó cũng chính là lúc bạn chị chia sẻ “mưu cao” trong kế sách chờ chồng.

Bạn chị kể, mỗi lần chồng về muộn, chị vẫn đợi cơm. Nhưng để chống lại cơn đói cồn cào hoặc cảm giác ăn mất ngon khi đã qua cơn đói, chị sẽ ăn trước một thứ gì đó. Còn các con, chị cho chúng ăn đúng bữa, để còn đi học, để đảm bảo dinh dưỡng cho con.

Và thế là khi chồng về, chị vẫn đợi, nhưng trong lòng chẳng run vì đói. Còn về các con, chị bảo: “Các con ăn trước rồi, chúng đói. Mình muốn bữa cơm sum họp, ăn cùng các con thì cố gắng về sớm nhé. Các con nhắc bố suốt”.

Còn chị, khi chồng hỏi sao ăn ít thì chị phụng phịu: “Có lẽ qua cơn đói rồi, nên em không đói lắm”. Mủi lòng quá đi chứ! Thế mới nói, ai mềm mỏng muốn đợi chồng cứ đợi nhưng đừng hành hạ bản thân mình, và đừng bắt những đứa trẻ chịu thiệt thòi theo vì “cái lỗi chưa sửa được” của bố chúng nó. Thế cũng mới nói, làm vợ cũng phải có nghệ thuật, có “thủ đoạn” ngọt ngào thì chồng mới cảm động.

Có rất nhiều người vợ khi cơn đói cồn cào thì phản xạ tự nhiên kích thích não bộ dễ gây nóng giận. Người xưa đã nói không có gì khó chịu như ngồi đợi nồi cơm. Thế nên cố đợi được chồng rồi, lúc chồng về thì sẽ sẵn sàng la hét như bà chằn, một phần vì giận cái tội cà kê của chồng, một phần vì chính cơn đói làm nổi nóng đó thôi.

Trong trường hợp này thì rõ ràng kế sách “ăn lót dạ” mà giả vờ như chưa ăn gì thật là thuận cả đôi đường, vừa giảm cơn hậm hực, giảm nếp nhăn, vừa đảm bảo chức năng của dạ dày, vừa là yêu mình, vừa là ngăn chặn một sự đổ vỡ có thể diễn ra. Thế thì cớ gì không ủ mưu như của bạn chị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ