Khảo sát mới đây do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện trên 600 gia đình thành thị cho thấy, 88% ông chồng đổ việc bếp núc lên vai phụ nữ. Tuy nhiên, không khó để biến căn bếp thành chốn chung của 2 phái nếu chị em thử những cách dưới đây.
Thẳng thắn bày tỏ với chồng
Mặc dù nữ giới vẫn xem công việc bếp núc là niềm vui, nấu món ngon cho chồng con là niềm hạnh phúc, nhưng không chị em nào thấy thoải mái khi ôm trọn việc nội trợ cả năm.
Tuy nhiên, điểm chung của nữ giới trong quan hệ vợ chồng là ít chịu bày tỏ, chia sẻ thẳng thắn mong muốn và áp lực của mình với chồng. Nếu muốn bạn đời cảm thông, gánh vác việc bếp núc, bí quyết đầu tiên là tâm sự cùng chồng thay vì thầm trách móc hoặc "đá thúng đụng niêu".
Cải tạo không gian bếp
Căn bếp bừa bộn, đầy mùi thức ăn là một trong những lý do ngăn các ông chồng vào bếp. Tuy nhiên, nếu cấp quyền cải tạo không gian bếp cho phái mạnh, họ có thể thay đổi thái độ.
Áp dụng chiêu này, chị Huệ (TP HCM) bàn với chồng ốp lại toàn bộ gạch lát tường, làm sàn gỗ, sắm bếp gas và vật dụng nhà bếp mới. Ông xã đặc biệt thích khám phá các tính năng mới của lò nướng, máy xay, thậm chí còn tự tay làm sinh tố cho vợ.
Ông xã sẵn sàng vào bếp làm món ngon cùng vợ nếu được khơi gợi cảm hứng. |
Khen chồng nấu ngon dù đồ ăn dở
Vì chưa bao giờ vào bếp, nên anh chồng vụng về nhà chị Lan (Hà Nội) nấu ăn dở tệ. Cơm không sống thì rớt, rau xào vừa mặn vừa khét mùi tỏi cháy, cá kho đen sạm vì đổ quá nhiều nước hàng... Thế nhưng, chị Lan chưa bao giờ chê chồng.
Cơm nấu tệ mấy chị Lan vẫn ngồi ăn, tuyệt nhiên không dè bỉu. Song lần sau anh vào bếp, chị sẽ khéo léo hướng dẫn cách nấu ngon hơn. Chỉ cần chồng chế biến khá hơn một chút, vợ đã tấm tắc khen ngon. Theo chị, đàn ông thích thể hiện bản lĩnh trong mọi lĩnh vực, kể cả gian bếp. Còn nếu trót buông lời chế giễu, anh ta sẽ không bao giờ vào bếp nữa.
Rủ chồng làm đồ nhậu
Giống như phụ nữ đẹp, đồ nhậu ngon cũng có sức hút đặc biệt với phái mạnh. Chị Lan năng mua nguyên liệu làm món nhậu chiều chồng nhưng thường kiếm cớ không biết cách nấu rượu mận, ngan quay, lòng dồi... ngon để kéo chồng vào bếp. Ông xã là người sành ăn, nên sẵn sàng chế biến món nhậu yêu thích cùng vợ.
Phân công lao động
Thời gian chị Lan nghỉ ở nhà sinh con, ông xã không phải nấu ăn nữa nhưng vẫn vào bếp phụ vợ nhặt rau, không ngần ngại chia sẻ việc nhà. Những lúc bận rộn, chị thường cho chồng lựa chọn: nấu ăn hoặc trông con, vì vợ không thể làm cùng lúc cả hai. Thông thường, các ông bố chọn việc nhàn nhã là trông con, nhưng khi bé quấy khóc hoặc đại tiện, họ lại xung phong vào bếp.
Ăn mặc đẹp khi vào bếp
Đây là tuyệt chiêu mà chị Hà Anh (TP HCM) thường áp dụng mỗi cuối tuần, thời vợ chồng còn son. Thấy vợ vận trang phục gợi cảm hơn ngày thường, ông xã dù đang mải xem bóng đá cũng bỏ đó, tiến tới ôm eo vợ.
Tận dụng khoảnh khắc mật ngọt, chị Hà Anh thủ thỉ nhờ chồng công việc nhà. Không chờ vợ sai lần thứ 2, anh chồng răm rắp làm theo với tâm trạng vui vẻ. Chị bật mí, chiêu này không chỉ sai khiến chồng dễ như trở bàn tay, mà còn làm mới "cuộc yêu" giữa hai người. Tuy nhiên, chị Hà Anh lưu ý, chiêu nay chỉ dành cho gia đình vợ chồng trẻ, chưa có con và ở riêng. Đây là quan điểm mới, không phải ai cũng sẵn sàng thử.