Người Việt tiêu thụ 410.000 tấn gà nhập siêu rẻ

Chỉ trong vòng 3 năm (2014 - 2017) người Việt Nam đã tiêu thụ hết 410.000 tấn gà nhập từ các nước về.

Không cạnh tranh được với gà nhập ngoại, giá gà công nghiệp trong nước chỉ còn 15.000-17.000 đồng/kg.
Không cạnh tranh được với gà nhập ngoại, giá gà công nghiệp trong nước chỉ còn 15.000-17.000 đồng/kg.

Giá gà ngoại rẻ hơn rất nhiều so với giá gà sản xuất trong nước. Điều này đã dẫn đến hậu quả, hàng loạt các trang trại chăn nuôi gia cầm đang chịu lỗ nặng. Trong khi đó, người tiêu dùng hoang mang không biết thực hư chất lượng của gà công nghiệp được nhập khẩu về

Theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố, trong đó nhấn mạnh giá thịt gà khai báo nhập khẩu vào nước ta hiện ở mức rất rẻ, chỉ khoảng 18.000 - 20.000 đồng/kg, trong đó đùi gà là mặt hàng được nhập khẩu phổ biến.

Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước nhập khẩu 22.500 tấn thịt gà các loại, trị giá 19,8 triệu USD. Tính chung từ năm 2014 đến nay, tổng lượng thịt gà nhập khẩu về Việt Nam đạt 410.000 tấn, với kim ngạch hơn 322 triệu USD. Nguồn gốc các loại thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ (nguồn gốc) từ Hoa Kỳ, Brazil và Hàn Quốc.

Về chủng loại, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan năm 2016, trong 86.500 tấn thịt gà nhập từ Mỹ, mặt hàng đùi gà là 82.000 tấn, chiếm khoảng 94% lượng nhập từ Mỹ và 60% tổng lượng thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2016.

Tại các siêu thị trên toàn quốc, đùi tỏi gà đông lạnh có xuất xứ từ Mỹ có giá chỉ 30.000 - 32.500 đồng/kg; giá cánh gà công nghiệp có xuất xứ trong nước ở mức trung bình 75.900 đồng/kg, thì giá cánh gà tây đông lạnh nhập từ Mỹ lại rẻ hơn hẳn, chỉ có 64.900 đồng/kg.

Với mức giá rẻ “không thể tin nổi” của gà ngoại, dư luận cho rằng, có thể đùi gà Mỹ nhập khẩu đã bị “lọt” khâu kiểm dịch, là sản phẩm không đảm bảo chất lượng hoặc gần hết thời hạn sử dụng.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) - khẳng định: “Thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ các nước nhập khẩu vào Việt Nam đã được kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và còn hạn sử dụng mới được phép tiêu thụ trong nước”.

Ông Đông cho biết, thịt và sản phẩm thịt từ các nước nhập khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định tại Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 8-4-2010 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu.

Theo đó, từng cơ sở giết mổ và chế biến thịt của các nhà máy sản xuất thịt phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thẩm định, kiểm tra, đánh giá, nếu đạt yêu cầu thì mới được đưa vào danh sách các nhà máy được phép nhập khẩu vào Việt Nam.

“100% các lô hàng thịt đông lạnh từ các nước nhập khẩu vào Việt Nam đều được lưu giữ tại khu vực cửa khẩu nhập, sau đó các cơ quan thú y cửa khẩu lấy mẫu để xét nghiệm các chỉ tiêu lý hóa, cảm quan, vi sinh vật gây ô nhiễm thực phẩm và gây bệnh theo quy định của Bộ Y tế.

Nếu kết quả xét nghiệm bảo đảm yêu cầu mới được phép làm thủ tục nhập khẩu để tiêu thụ nội địa. Nếu sản phẩm kém chất lượng, không đạt yêu cầu thì buộc phải tiêu hủy, tái xuất hoặc chuyển mục đích sử dụng” - Đại diện Cục Thú y nhấn mạnh.

Số liệu do Cục Thú y công bố cho thấy, từ đầu năm đến nay, các cơ quan thú y cửa khẩu đã tổ chức lấy mẫu kiểm tra chất tồn dư (chất kháng sinh, chất cấm) đối với thịt nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam để kiểm tra các chỉ tiêu chất tồn dư chất kháng sinh, chất cấm...

Tổng số mẫu đã lấy để xét nghiệm chất tồn dư là 60 mẫu. Kết quả có 2 mẫu thịt bò nhập khẩu (từ Hoa Kỳ) phát hiện có Ractopamin nhưng ở dưới ngưỡng cho phép theo quy định của Bộ Y tế.

Trong khi nghi vấn thịt gà nhập khẩu giá rẻ còn chưa được làm rõ, nhiều hộ chăn nuôi gà đã lỗ tiền tỷ, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.

Theo ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ (đồng thời cũng là chủ một trang trại gà), gần một tháng qua, giá gà liên tục “rớt”, chỉ còn 15 nghìn đồng/kg. Chính ông Quyết cũng đã lỗ hơn 1 tỷ đồng từ sau Tết đến nay khi xuất đàn gà lông trắng.

Hiện nay, gà lông trắng tại các tỉnh Đông Nam Bộ đang sụt giảm rất mạnh, chỉ 15.000-17.000 đồng/kg. Đây là mức giảm giá mạnh nhất trong vòng 10 năm qua khiến bà con chăn nuôi lao đao. Với mức giá này, trung bình 1kg gà người dân đã lỗ khoảng 5.000 - 7.000 đồng.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cũng phủ nhận thông tin giá gà ngoại nhập rẻ vì người Mỹ không ăn đùi, cánh gà.

“Năm 2015, khi đùi gà nhập khẩu về Việt Nam chỉ có khoảng 20.000 đồng/kg, người của Hiệp hội đã sang các siêu thị ở Mỹ để tìm hiểu. Ở Mỹ, các siêu thị từ cao cấp, trung cấp đến hạ cấp vẫn tiêu thụ đùi gà, cánh gà bình thường, và có giá 4 - 5 USD chứ không phải rẻ. Vì vậy, hàng ngoại khi về Việt Nam giá rẻ hơn một nửa là điều không hiểu được” - Ông Quyết băn khoăn.

Đại diện các hộ chăn nuôi gia cầm ở Đông Nam Bộ kiến nghị, các cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ có hay không việc bán phá giá thịt gà lông trắng (người tiêu dùng hay gọi gà công nghiệp) và cần phải có hàng rào kỹ thuật để hàng nhập khẩu phải đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng có như thế mới bảo vệ người tiêu dùng và ngành chăn nuôi trong nước.

Theo CAND

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.